Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện
nhiều video clip ghi lại cảnh các ông bố bà mẹ dạy con học đếm, đọc chữ,
thậm chí cả các cô giáo mầm non dạy trẻ học đếm, học đánh vần nhưng sai
phương pháp khiến người xem được những phen cười nghiêng ngả.
Tuy nhiên, ẩn sâu trong những tiếng cười ấy là những phương pháp giáo
dục sai cần báo động. Điều này dẫn đến việc trẻ chỉ biết nhìn miệng,
nghe cô, nghe bố mẹ nói và đọc theo mà không có chút gì ghi nhớ trong
đầu. Chính vì vậy xảy ra tình trạng trẻ em học vẹt rất nhiều.

Rất nhiều trẻ do được dạy sai phương pháp nên dẫn đến tình trạng trẻ học vẹt.
Chia sẻ về vấn đề này, cô M. giáo viên có 16 năm kinh nghiệm đang dạy tại một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: “Những
giáo viên mới ra trường không bao giờ được dạy lớp 1 bởi vì họ chưa đủ
năng lực, sự kiên trì và rất nhiều yếu tố khác. Những giáo viên
này thường phải có 5 năm kinh nghiệm trở lên. Phụ huynh tìm sai lớp cho
con, đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trẻ học vẹt”.
Xét về nguyên nhân sâu xa để xảy ra tình
trạng trẻ học vẹt, theo cô M. hiện nay, hầu hết đến 90% phụ huynh cho
con đi học lớp tiền lớp 1. Theo họ, trước khi vào lớp 1 trẻ phải nắm
được những kiến thức cơ bản. Cũng có vị phụ huynh chỉ nghĩ đơn thuần
thấy con nhà hàng xóm đi học thì con mình cũng không thể thua kém.
"Tôi khẳng định một điều,
những giáo viên mầm non không đủ trình độ để rèn trẻ tiền lớp 1. Bởi vì
họ không có kinh nghiệm, không có kiến thức chuyên môn, không được đào
tạo bài bản. Chính vì vậy, khi lên lớp 1, các cô giáo dạy vất vả thêm
nhiều lần”, cô M. nhận định.
Bố mẹ không nên tự tiện dạy con đánh vần?
Trao đổi về dạy đánh vần cho con, giáo viên M. khẳng định, việc đầu tiên trẻ phải được tìm đúng thầy dạy:
“Vì phương pháp giáo dục cho trẻ mỗi năm có những cập nhật mới hơn. Đó
là lí do tại sao các giáo viên tiểu học được đi tập huấn sau mỗi kỳ nghỉ
hè. Những điều này giáo viên mầm non không thể cập nhật được phương
pháp mới. Vì thế họ không bắt nhịp kịp dẫn đến việc hướng dẫn sai cho
trẻ.
Hiện nay, học sinh được học theo
cách đánh vần xuôi, không đánh vần ngược như trước đây. Ví dụ, trong
sách giáo khoa lớp 1, học sinh học từ bài 1 đến bài 6 sẽ đánh vần ngược
giống như phương pháp học cũ trước đây. Nhưng bắt đầu từ bài số 7, trẻ
đã chuyển sang cách đánh vần khác. Giả sử như đánh vần chữ “bê” được cô
giáo hướng dẫn đánh vần: “b ê bê”. Đó là phương pháp học giúp học sinh tư duy hơn rất nhiều”, cô M. nhận định.
Ví dụ khi dạy đến chữ “bê” thì trong
sách có bức tranh hình con bê. Giáo viên cũng có những dụng cụ học liệu
khác đưa lên trên bảng giúp trẻ dễ tiếp cận và dễ nhớ mặt chữ hơn. Sau
đó các cô cho 1 bạn đọc, 2 bạn đọc, 3 bạn đọc… tiếp đến là những chữ in
thường, in hoa cho trẻ nhận dạng thêm mặt chữ.
Nói về việc phụ huynh dạy đánh vần như thế nào cho con, cô M. cho hay:
“Tháng đầu tiên kể từ ngày con bắt đầu đi học, chúng tôi yêu cầu phụ
huynh không dạy con đánh vần ở nhà dưới mọi hình thức. Bởi vì thời điểm
này các con đang làm quen với các chữ cái. Sau một tháng đầu tiên, mỗi
ngày con được học gieo vần. Nếu phụ huynh muốn được tham gia quá trình
rèn luyện con đánh vần ở nhà hãy trao đổi với giáo viên sau mỗi buổi học
để giáo viên có thể hướng dẫn phụ huynh đúng phương pháp".
Bài tập giúp trẻ tìm ra sự khác biệt
trong các chữ cũng là một trong những cách học cho học sinh ghi nhớ thêm
mặt chữ. Cô M chia sẻ: “Ví dụ như hôm nay chủ đề học chữ “e”, chúng
tôi đưa ra một số bức tranh có chùm me, cụm tre, con ve…hoa hướng dương
(một cụm từ khác để trẻ dễ phân biệt).
Sau đó, giáo viên cho trẻ nối chữ “e”
với những vần nào có chứa chữ này. Từ đó giúp trẻ nhận dạng và ghi nhớ
tốt hơn sau mỗi bài học. Mỗi tiết học 40 phút, giáo viên sẽ đưa ra phân
tích rất chi tiết từng chữ một, từng âm, vần, cách đánh dấu thanh nguyên
âm, phụ âm… Chứ không học đơn giản như các con ở mẫu giáo.
Một trong những việc cha mẹ nên làm với
các bé để tránh tình trạng con học vẹt đó là nên cho các bé đọc truyện
tranh. Hãy mua cho trẻ những cuốn truyện tranh có chữ cỡ lớn cùng những
hình ảnh sinh động để giúp trẻ có hứng thú đọc và tìm hiểu nội dung
truyện.
Đề cập đến vấn đề nên hay không nên cho trẻ tham gia học chương trình tiền lớp 1?, cô M. giải thích: "Đối với
việc cho trẻ học tiền lớp một, phụ huynh nên cho con đi học thêm bởi vì
ở lớp mầm non, khi phụ huynh đưa con đến trường đã có giáo viên đứng
ngoài cửa lớp đón con vào, âu yếm, vỗ về. Nhưng lên lớp 1 sẽ khác, cô
không đứng ở cửa lớp đợi con mà các con phải ngồi ngay ngắn vào chỗ. Khi
cô đến các con phải đứng lên chào. Nên cho trẻ tập dần với thói quen
này để không bị ngỡ ngàng khi đi học”.
Đặc biệt không nên cho trẻ tham gia lớp
tiền lớp 1 trong thời gian quá lâu. Khoảng thời gian tốt nhất cho trẻ
theo học lớp này là 1 đến 2 tháng trước khi bước vào lớp 1.
Nếu phụ huynh cho trẻ đi học lớp tiền
lớp 1 trong thời gian dài có thể khiến trẻ mất hứng thú khi học ở
trường. Bởi vì tất cả những kiến thức cô dạy ở trường, bé đã được học
trước. Bên cạnh đó, một số bạn không đi học trước lại có tâm lý chán nản
vì cho rằng mình thấp kém hơn. Điều này tạo nên sự cạnh tranh không
lành mạnh của bệnh thành tích trong lớp học.
“Điều đặc biệt các phụ huynh nên chú
ý đó là hạn chế tối đa cho trẻ tiếp cận với smartphone. Hiện nay, rất
nhiều trẻ bị tự kỷ ở dạng nhẹ. Vì vậy, hãy tránh xa những thiết bị công
nghệ. Thay vào đó hãy trò chuyện với trẻ, cho các bé giao lưu, tham gia
vận động nhiều hơn đây cũng là cách phát triển tư duy ngôn ngữ cho bé”, giáo viên này chia sẻ.
Cù Hiền/ Theo Em đẹp