Khai mạc trưng bày về 'Những hạt giống đỏ' đầu tiên của cách mạng Việt Nam
Trưng bày chuyên đề Những hạt giống đỏ đã chính thức khai mạc sáng 19/12 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trưng bày giới thiệu đến công chúng hơn 100 tài liệu, hiện vật và nhiều hình ảnh tư liệu quý (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ đầu tiên được Người ươm mầm, gieo trồng, đào tạo và chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc.
Đây là sự kiện thiết thực do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm ra đời tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12/1958-12/2023), hướng tới kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024).
Phát biểu khai mạc trưng bày, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn nêu rõ: Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Từ những hạt giống đỏ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gieo mầm, những thanh niên yêu nước đã được Người huấn luyện, dìu dắt, trao truyền nguồn sáng cho ngọn lửa cách mạng Việt Nam. Đó là lớp người của thời kỳ 15 năm đấu tranh gian khổ, hy sinh để chuẩn bị và tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Trưng bày Những hạt giống đỏ giúp công chúng tiếp cận nhiều kỷ vật, tài liệu gốc cùng tư liệu, hình ảnh quý giá về những hạt giống đỏ đầu tiên đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Thông qua trưng bày, Ban Tổ chức mong muốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cống hiến của lớp thanh niên những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản ở nước ta. Từ đó nhận thức sâu sắc hơn vai trò của những hạt giống đỏ được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ươm mầm, gieo trồng cho cách mạng Việt Nam.
Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh trong Những hạt giống đỏ được trưng bày theo 2 phần.
Phần đầu là Người ươm mầm những hạt giống đỏ, giới thiệu vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam thông qua tác phẩm Đường Kách mệnh (Bảo vật quốc gia); các khóa đào tạo huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc); hình ảnh, tài liệu, hiện vật và câu chuyện về đội ngũ thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên.
Phần hai là Khí phách người cộng sản, giới thiệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những học trò xuất sắc của Người. Phần này gồm nhiều kỷ vật, tác phẩm, tài liệu chính trị, câu trích, câu nói nổi tiếng đầy khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc. Trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu "biến nhà tù thành trường học cách mạng", các đảng viên đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng. Họ đã cùng nhau trao đổi, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, tổ chức lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác Lênin… góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc sau này.
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Từ trước năm 1920, Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về con đường cứu nước. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đã tìm ra con đường giải phóng nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam - cách mạng vô sản. Từ năm 1925-1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước. Lớp đầu tiên được mở vào khoảng cuối năm 1925 với 10 học viên, học trong 1,5 tháng tại Quảng Châu.
Đến tháng 4/1927, đã có 10 lớp học được tổ chức với 250-300 học viên tham dự. Đa số các học viên học xong đã trở lại Việt Nam, hoạt động cách mạng. Một số được gửi đi học tiếp tại Trường đại học Phương Đông. Những cán bộ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sỹ cộng sản, ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.