'Ảnh xạ' - một tự sự qua lăng kính mỹ thuật cổ
Ở các triển lãm nghệ thuật đương đại ngày nay tại Việt Nam, không dễ để bắt gặp hình ảnh Phật giáo. Có lẽ bởi đó là những biểu tượng đã quen thuộc trong văn hóa nhưng lại khó để đưa vào nghệ thuật.
Diễn ra từ 7 - 15/11 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), triển lãm Ảnh xạ của họa sĩ, PGS-TS Trang Thanh Hiền là một sự kết hợp tự nhiên giữa đồ họa, hội họa, chạm khắc trong một hình hài mang đậm tính biểu tượng của mỹ thuật cổ Việt Nam.
Những tự sự trong biểu tượng
Hai thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật, nhà nghiên cứu - họa sĩ Trang Thanh Hiền từng là cây bút sắc sảo về mỹ thuật hiện đại. Nhưng rồi, bà tìm về với mỹ thuật cổ và gắn bó với nó đến tận hôm nay. Cũng từ thời điểm những năm 2000, bóng hình biểu tượng trong mỹ thuật Phật giáo Việt Nam đã ghi dấu trong những sáng tác tranh của bà.
Cho đến hôm nay, triển lãm Ảnh xạ là sự tiếp nối liền mạch, thủy chung trong tạo hình nghệ thuật của họa sĩ. Theo đó, các tác phẩm trong triển lãm gắn với 3 mốc thời điểm: Bộ 5 bức vẽ năm 2002, series tranh của 20 năm sau (2022) và loạt tranh, tác phẩm chạm khắc - điêu khắc được sáng tác trong năm 2023.
Những biểu tượng họa sĩ đưa vào tranh không xa lạ gì với người Việt Nam và mỹ thuật Phật giáo. Đó là hình dáng vị chư Phật ngồi trong tư thế kiết già, Phật bà nghìn tay nghìn mắt, quả chuông, hoa sen, sóng nước, các cặp biểu tượng như mặt trăng - mặt trời, mây - gió. Tính âm dương trong tạo hình của các tác phẩm thể hiện qua màu sắc, ý nghĩa biểu tượng, mảng đặc rỗng…
Hệ thống những biểu tượng mà mỹ thuật cổ Việt Nam lựa chọn để tôn vinh cũng chính là nơi người Việt Nam gửi gắm tự sự cộng đồng. Đó là sự tôn thờ sức mạnh tự nhiên, niềm tin vào sự cứu vớt, đức hạnh, hy vọng thức tỉnh và sự vươn lên mạnh mẽ. Những ý niệm tinh thần đó được xây dựng trên nền tảng là mảnh đất đầy khó khăn, thiên nhiên dữ dội, chiến tranh ác liệt...
Các hình tượng Phật giáo gắn liền với công việc nghiên cứu và được lọc qua lăng kính cuộc đời. Chúng in hằn, một cách nào đó đồng điệu với tư duy nghệ thuật và tình cảm của họa sĩ. Tạo hình sáng tác xoay quanh mô-típ dáng người ngồi thiền định, tự tại giữa mây và mưa, sóng và gió, núi và sông… khi thì cuồn cuộn, khi lại trống trải gợi lên những truân chuyên. Tính nữ hiện rõ qua nhiều biểu tượng hoa, đôi môi, những con mắt, nhưng cách thể hiện rõ ràng đầy lý tính mạnh mẽ và dường như cả thách thức. Mỹ thuật Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến tạo hình nghệ thuật của họa sĩ mà ở khía cạnh tinh thần, giống như một sức mạnh tôn giáo mà qua đó bà "khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh".
Thực hành nghệ thuật chỉ đến khi người ta có nhu cầu thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong. Bởi, đó là một công việc đặc biệt đòi hỏi phải dành toàn bộ thời gian và tâm trí. 20 năm kể từ khi chập chững bước vào nghề, bà mới quay trở lại được với sáng tác, để thấy được một sự thôi thúc lớn, một nhu cầu biểu hiện tinh thần mạnh mẽ.
Ảnh xạ là sự kết hợp và biến đổi một cách khá tự nhiên các hình ảnh biểu tượng quen thuộc trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam qua lăng kính tự sự của tác giả Trang Thanh Hiền.
Module chạm khắc và sự kết hợp trong tranh
Trong loạt tác phẩm được sáng tác năm 2023, có những module dạng tượng. Đó là hình thái kết hợp giữa điêu khắc và chạm khắc. Tác giả lấy chính những phần ván khắc gỗ dùng để in trong tranh, kết hợp thành cấu trúc ba chiều để tạo thành một tác phẩm độc lập bày đặt trong không gian. Nhưng những hình ảnh của nó vẫn gắn kết với toàn bộ triển lãm, bởi hình ảnh trên các module là một phần của các bức tranh.
Kết hợp nửa in nửa vẽ trong tranh của tác giả cũng là một cách thức truyền thống trong tranh dân gian Hàng Trống. Ở đây, những hình người được in vào tranh tạo nên hiệu ứng mịn phẳng của bề mặt in trên giấy dó, khác với các mảng giấy sờn gợn vì cọ vẽ ở xung quanh. Sự kết hợp tạo nên hiệu ứng linh hoạt cũng đồng thời gợi lên ý đồ thống nhất cho tác phẩm. Khi bên trong những hình người là sự phẳng lặng thì bên ngoài là những vần vũ xáo động.
Có thể thấy, người là hình tượng trung tâm của các tác phẩm. Lấy cảm hứng từ hình tượng vị Phật ngồi thiền định trong Phật giáo, nhưng cách tác giả đưa những hình ảnh đó vào tác phẩm lại cho thấy bà đã kéo chúng về hình dáng bản nguyên trần trụi đại diện cho con người. Tác giả tự bạch: "Nó như sự hiện hữu của thế giới tinh thần… ôm trọn vào đó các giá trị. Trong đó có mưa gió, có núi sông, có sen nở sen tàn, và có cả bản nguyên của con người… không thay đổi. Nó lấp lánh rực rỡ, hào sảng và cuốn hút tôi vào dòng thác lũ của những cảm xúc sống dậy trong mình".
Những hình ảnh con người đó cũng được thể hiện ở nhiều trạng thái. Khi thì đầy đủ viên mãn, lúc thiếu đi một nửa, lúc trống rỗng trên các bản in. Có thể nói, đó là hình tượng tinh thần, và cũng là những bức tranh tự họa tinh thần của tác giả với một hành trình dài cuộc đời gắn liền với nghệ thuật.
Triển lãm Ảnh xạ là sự kết hợp và biến đổi một cách khá tự nhiên các hình ảnh biểu tượng quen thuộc trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam qua lăng kính tự sự của tác giả Trang Thanh Hiền. Đó là sự khúc xạ của những suy tư về cuộc đời, chiêm nghiệm nghề nghiệp và sự gắn kết giữa hai khía cạnh đó trong hành trình cá biệt của bà. Những biểu tượng đó mang tính tiếp nối hình tượng tôn giáo trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Nhưng đồng thời, khi được tối giản, chắt lọc, nó sẽ chứa đựng ý niệm tinh thần mạnh mẽ để khai thác vào nghệ thuật hiện đại.
Vài nét về tác giả Trang Thanh Hiền
Họa sĩ, PGS-TS Trang Thanh Hiền (1974) hiện là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng có triển lãm cá nhân đầu tiên - Đáy sóng - năm 2015.
Ngoài ra, bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và 4 cuốn sách về mỹ thuật cổ Việt Nam: Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt; Hình tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam; Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam; Tranh Tết, nét tinh hoa truyền thống Việt.