Ai Cập phát hiện lăng mộ cổ với bài trí độc đáo
Ngày 21/3, nhóm chuyên gia từ Viện Khảo cổ học Đức ở Cairo đã công bố phát hiện về một lăng mộ thuộc loại mastaba thuộc thời kỳ Cổ Vương quốc (Ai Cập), được sơn trang trí độc đáo, trong cuộc khai quật mới nhất ở nghĩa trang hoàng gia Dahshour, cách thủ đô Cairo khoảng 40 km.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn tuyên bố của quan chức của Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA) Hisham El-Leithy nhận định phát hiện này cung cấp một cái nhìn sâu sắc và có giá trị về cấu trúc chính trị-xã hội của xã hội Ai Cập cổ đại.
Trưởng nhóm khai quật Stephan Seidlmayer tiết lộ rằng các nghiên cứu cho thấy đây là lăng mộ của người Ai Cập cổ đại, thuộc loại lăng mộ mastaba với kiến trúc có hình chóp cụt, được xây bằng loại gạch bùn lấy từ sông Nile, có thể có niên đại vào cuối Vương triều thứ Năm hoặc đầu Vương triều thứ Sáu. Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ đại, mastaba có nghĩa là “Ngôi nhà vĩnh hằng”.
Theo quan chức khảo cổ Ai Cập này, những dòng chữ khắc trên một cánh cửa giả bằng đá vôi lớn cho biết lăng mộ mastaba thuộc về một người đàn ông tên là Seneb-nebef - người nắm giữ nhiều chức vụ hành chính khác nhau trong cung điện (khentiu-she), và vợ ông là Idut - một nữ tư tế của nữ thần Hathor.
Ông Seidlmayer nhấn mạnh rằng điều làm nên sự khác biệt của phát hiện này là lối trang trí được sơn tinh xảo, một điều hiếm thấy ở nghĩa trang hoàng gia Dahshour. Các tác phẩm nghệ thuật được sơn tinh xảo trong khu lăng mộ mô tả những cảnh đời thường bao gồm lừa xay ngũ cốc, tàu thuyền di chuyển trên sông Nile, cảnh một khu chợ nhộn nhịp, cùng với hình ảnh những người phục vụ đang mang các vật phẩm dâng cúng đến những bậc tôn quý.
Khu nghĩa trang hoàng gia Dahshour, nằm ở phía nam khu khảo cổ Saqqara thuộc tỉnh Giza, là nơi có các kim tự tháp nổi tiếng từ thời Cổ Vương quốc.
Phái đoàn từ Viện Khảo cổ Đức ở Cairo đã tham gia vào các cuộc khai quật ở nghĩa trang Dahshour từ năm 1976, tập trung nghiên cứu chủ yếu vào các kim tự tháp của Pharaoh Seneferu và thời kỳ Trung Vương quốc.