16 chữ ký dưới thời Ten Hag đã thể hiện ra sao?
Mặc dù MU vừa mới giành quyền tham dự trận chung kết Cúp FA lần thứ hai liên tiếp, nhưng đây có vẻ là một cột mốc đáng buồn trong hành trình của Erik ten Hag.
Thậm chí, chiến thắng vừa qua còn giống một như thất bại. Trận bán kết ngày Chủ nhật vừa qua không phải là một chiến thắng hoàn hảo khi Coventry City đã duy trì tỷ số hòa 3-3 tới tận loạt sút luân lưu. Liệu vấn đề có nằm ở các cầu thủ? Hãy cùng xem lại cách xây dựng đội hình của MU trong hai mùa giải qua và 16 chữ ký của Erik Ten Hag đã chơi như thế nào.
1. Antony (95 triệu euro)
Khi đã trả gần 100 triệu euro cho một cầu thủ tấn công, bạn sẽ muốn anh ta trông giống Lionel Messi hơn là Gabriel Martinelli.
Antony chưa ghi được bàn thắng nào ở Premier League mùa này. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu Antony có trở thành một trong những bản hợp đồng tệ nhất trong lịch sử Premier League?
2. Casemiro (70,65 triệu euro)
Đây đơn giản là một thương vụ không nên thực hiện. Lý do là bởi cầu thủ thường xuống phong độ sau tuổi 30. Tuy nhiên, MU đã biến Casemiro thành tiền vệ đắt thứ 4 lịch sử và hưởng lương cao nhất nhì giải Ngoại hạng Anh. Casemiro đã chơi tốt mùa trước, nhưng phần lớn mùa giải này anh thường xuyên chấn thương hoặc thi đấu tệ hại. Đây là một thương vụ sai lầm.
3. Sofyan Amrabat (9 triệu euro)
Trong 16 bản hợp đồng dưới thời Ten Hag, 6 cầu thủ đến theo dạng cho mượn. Amrabat là một trong số đó, thương vụ này ít tốn kém, nhưng rủi ro vẫn cao. Chơi ở Serie A hay World Cup (nơi Amrabat tỏa sáng cùng Morocco) khác xa so với Premier League. Amrabat xử lý bóng tốt, nhưng đóng góp hạn chế ở các khía cạnh khác, đặc biệt là tranh chấp.
4. Wout Weghorst (3 triệu euro)
Việc mượn tiền đạo thường không mang lại nhiều lợi ích và không thể hiểu nổi MU mong đợi gì ở một cầu thủ 30 tuổi từng thi đấu không tốt cho Burnley, đội xuống hạng mùa trước.
Weghorst được ra sân khá nhiều, thậm chí đá chính trong trận hòa 2-2 trên sân Camp Nou giúp MU vượt qua Barcelona ở Europa League mùa trước. Tuy nhiên, anh không ghi được bàn thắng nào sau 17 lần ra sân ở Ngoại hạng Anh.
5. Mason Mount (64 triệu euro)
Mount là một cầu thủ đa năng khi có thể đá tiền vệ cánh, tiền vệ trung tâm. Ai cũng tưởng anh sẽ là ngôi sao của Premier League trong một thập kỷ tới... cho đến mùa giải trước. Mount chỉ ghi 3 bàn và kiến tạo 2 bàn trong một Chelsea thi đấu tệ hại.
Chưa thể đánh giá thấp Mount, đặc biệt nếu anh được chơi dưới thời một HLV giỏi chiến thuật. Tuy nhiên, thương vụ Mount phần nào tượng trưng cho cách xây dựng đội hình của MU: nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì ổn, còn không thì sẽ là thảm họa.
6. Sergio Reguilon (mượn từ Tottenham)
Reguilon đến Old Trafford để giải quyết bài toán thiếu hụt hậu vệ cánh do chấn thương. Màn trình diễn của anh ở mức trung bình, đủ để vá víu đội hình. Anh không phải ngôi sao, nhưng là sự lựa chọn chấp nhận được.
7. Martin Dubravka (2,3 triệu euro)
Dubravka chỉ chơi 2 trận Carabao Cup và không bắt phút nào ở Ngoại hạng Anh. Mùa giải trước, hợp đồng cho mượn của anh bị rút ngắn.
8. Jonny Evans (miễn phí)
Việc đưa Evans trở lại ở tuổi xế chiều là điều không cần thiết. Không có gì sai khi bổ sung một cầu thủ giàu kinh nghiệm vào đội hình. Nhưng một trung vệ hạn chế về thể lực khó có thể phù hợp với lối chơi pressing đòi hỏi hậu vệ dâng cao mà MU đang áp dụng.
9. Jack Butland (mượn từ Crystal Palace)
Butland được đem về thay thế Dubravka, nhưng không ra sân phút nào ở Premier League. Ít nhất, MU không mất phí cho thương vụ này.
10. Marcel Sabitzer (mượn từ Bayern Munich)
Sabitzer đã gia cố hàng tiền vệ và thi đấu hơn 600 phút Ngoại hạng Anh, góp công đưa MU vào top 4. Sau 5 tháng thi đấu dưới dạng cho mượn, anh gia nhập Dortmund. Nhìn chung, đây là một thương vụ tạm ổn.
11. Christian Eriksen (miễn phí)
Nhìn chung, đây là thương vụ không tệ của MU. Họ không mất đồng nào để đưa về một trong những chân chuyền hay nhất thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề là Eriksen lại trở thành nhân tố quan trọng của "Quỷ đỏ". Anh thi đấu hơn 2 nghìn phút mùa trước, nhiều nhất kể từ năm 2019. Khi kết hợp Eriksen với Casemiro, MU đang xây dựng một hàng tiền vệ phụ thuộc vào hai cầu thủ cùng có nguy cơ giảm sút phong độ. Và đó chính xác là những gì đang xảy ra.
12. Altay Bayindir (5 triệu euro)
Trước khi gia nhập MU, Bayindir, 25 tuổi, là thủ môn chính của Fenerbahce trong 4 năm. Đây là thương vụ ít rủi ro, nhiều hứa hẹn - trái ngược với hầu hết các thương vụ khác trong danh sách này.
13. Lisandro Martinez (57,37 triệu euro)
Martinez là một bản hợp đồng thành công khác. Anh có mức giá không quá cao cho một trung vệ trẻ và thường xuyên đá chính. Anh không phải ngôi sao siêu đẳng, nhưng vẫn là trung vệ ở mức trung bình khá tại Premier League.
14. Rasmus Hojlund (73,9 triệu euro)
Mức giá 73,9 triệu euro cho Hojlund là một canh bạc. Tiền đạo người Đan Mạch chỉ có một mùa giải thi đấu ở Serie A và chỉ ra sân một nửa số trận. Mùa này, Hojlund đã ghi 13 bàn sau 36 lần ra sân cho MU. Anh vẫn có thể là một bản hợp đồng thành công nếu cải thiện phong độ.
15. Tyrell Malacia (15 triệu euro)
Malacia đang trở thành trò cười vì anh chưa ra sân một phút nào mùa này. Đã có nhiều bài báo với tiêu đề: "Tyrell Malacia ở đâu?".
Malacia phải phẫu thuật đầu gối và dự kiến trở lại vào mùa Thu 2023, nhưng sau đó tái phát chấn thương. Đầu năm 2024, anh được cho là sẽ bình phục, nhưng HLV Ten Hag tuyên bố Malacia sẽ không thi đấu trong phần còn lại của mùa giải.
16. Andre Onana (50 triệu euro)
Mặc dù mắc một số lỗi đáng trách, Onana vẫn là điểm sáng của MU mùa này. Theo Stats Perform, Onana đã cứu thua 28 bàn so với một thủ môn trung bình. Với việc chiêu mộ anh ở tuổi 27, MU có thể tận dụng những năm đỉnh cao của Onana.