Chào tuần mới: Khi thờ Mẫu 'tăng đột biến'
"Đột biến", "bùng nổ", "tăng chóng mặt"… là những từ được các chuyên gia sử dụng để nói về sự gia tăng của sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại một cuộc hội thảo về di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra ít ngày trước.
Cụ thể, theo một nghiên cứu, chỉ tính riêng tại Hà Nội, cho tới năm 2020, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có mặt ở tất cả các quận/huyện, xã/phường với 580 đền, 5 phủ, 1.230 điện tư gia và 1640 chùa có phối thờ Mẫu.
Để so sánh, cách đây chục năm, thống kê sơ bộ cho thấy Hà Nội (chưa mở rộng) mới có 83 đền, phủ có sinh hoạt thờ Mẫu Tam phủ. Và theo khảo sát của một luận án tiến sĩ, đến trước năm 2010, Hà Nội cũng chỉ có hơn 100 điện tư gia.
Hoặc, tại Nam Định - một trong những "cái nôi" của thờ Mẫu, kết quả kiểm kê năm 2019 cho thấy tín ngưỡng xuất hiện tại 695 điểm thực hành, trong đó có 120 phủ, 172 đền, 70 điện, 295 chùa… Trong khi, 5 năm trước đó, kiểm kê cho thấy địa phương này chỉ có 286 điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tại nhiều địa phương khác, tình hình cũng diễn ra như vậy, với số lượng các điểm thực hành tăng lên chóng mặt, đặc biệt là tại các tư gia. Và tất nhiên, tương ứng với số điểm thực hành này, số lượng các thanh đồng hay con nhang đệ tử cũng liên tục mở rộng.
Như nhận xét của GS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia), nếu trước đây, "tín đồ" của tín ngưỡng thờ Mẫu đa phần xuất thân từ nông dân, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công thì hiện nay lực lượng này đã mở rộng sang công nhân, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ… - trong đó có cả những người trẻ tuổi đang là học sinh, sinh viên đại học.
***
Cần nhắc lại, năm 2016, hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt từng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước cột mốc ấy, di sản này cũng trải qua một quá trình thăng trầm khá dài - khi nó không chỉ gắn với tín ngưỡng, tâm linh mà còn mang theo những yếu tố nhạy cảm dễ bị biến tướng thành dị đoan, mê tín.
Sự "bùng nổ" của các hoạt động liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu trong vài năm qua phần nào có thể hiểu như một sự bù trừ tất yếu sau những năm lận đận ấy. Và ở mặt tích cực, người ta thấy trong đó sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết - không chỉ từ giới khoa học, trí thức mà còn từ đội ngũ thanh đồng hoặc những người thực hành tín ngưỡng vốn thật sự muốn cộng đồng hiểu đúng (đồng thời có ứng xử phù hợp), với bản chất, giá trị của di sản này.
Còn ở mặt tiêu cực, cũng rất dễ để chỉ ra những hệ quả xấu mà sự "phát triển nóng" này mang lại. Chỉ nói riêng về đội ngũ thanh đồng, như lời các chuyên gia, nếu trước đây chỉ những người có "căn số" thực sự mới trình đồng mở phủ, thì ngày nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những người không có căn quả vẫn trình đồng, mà dân gian gọi là "đồng đua", "đồng đú", lấy việc lên đồng làm phương cách giải toả những dồn nén, ẩn ức trong đời sống hiện đại.
Rồi xa hơn, đó là câu chuyện của các vấn đồng ngày càng cầu kỳ, tốn kém, đắt tiền, là những sai lệch cẩu thả về âm nhạc, không gian thiêng, trang phục… khi thực hành tín ngưỡng - hay cả những biến tướng, cố tình thương mại hóa, hoành tráng hóa di sản.
Có nghĩa, sau khi nhận danh hiệu di sản thế giới, một chặng đường mới lại bắt đầu với tín ngưỡng thờ Mẫu, với tất cả sự pha trộn giữa 2 mặt sáng - tối mà nó từng mang theo trong lịch sử phát triển. Ở đó, người ta không thể chỉ trông đợi vào những giải pháp, chính sách từ phía quản lý, mà còn cần tới sự nâng cao nhận thức theo thời gian từ chính cộng đồng.