Cuộc sống sau ống kính: Bì bõm với đàn cò đen
1. Đây là hình ảnh về loài chim cò đen (tên tiếng Anh là Pacific Reef-Heron), một loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, là loài định cư hiếm gặp, thường sống đơn độc, chỉ gặp đàn nhỏ vào mùa Đông.
Cò đen thường sinh sống tại các bờ biển có đá hoặc các đảo nhỏ. Thức ăn chủ yếu là cá. Lúc kiếm ăn chúng như những gã thợ săn thực thụ với những cử chỉ trông rất ngầu và mạnh mẽ.
Cò đen rất cảnh giác với con người nên việc tiếp cận chúng trên bờ biển không hề dễ dàng. Dùng chiếc phao cứu sinh chế thành 1 dụng cụ thay thế cho tripod (chân máy), tôi phải vòng ra ngoài khơi, rồi dần dần tiến vào bờ chụp chúng. Chiếc phao "tripod'' giúp giữ thăng bằng cho máy ảnh trên mặt nước. Kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu ôm máy ảnh bì lõm lội dưới nước, nếu chẳng may dẫm phải địa hình lồi lõm, bị chúi ngã thì rất dễ làm ướt, hỏng máy ảnh, chưa kể còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bởi thế chiếc phao cứu sinh kiêm "tripod" này là vật không thể thiếu được.
Để không bị đàn chim phát hiện tôi phải dùng 1 miếng lưới nguỵ trang, trùm lên cả người và máy, sau đó lom khom từ ngoài biển tiến về phía bờ, nơi đàn cò đen đang kiếm ăn.
Tôi di chuyển chậm rãi một phần do không muốn để chim nhìn thấy, một phần là do sóng biển xô rất mạnh, không thể đi nhanh được.
2. Chiếc phao đã giúp tôi nâng bộ máy ảnh nặng trong suốt cả quãng đường dài. Giờ đây tôi đã có thể chứng kiến những khoảnh khắc chúng bắt cá. Chúng nghiêng đầu quan sát, khom mình "thủ thế" rồi bất ngờ dùng chiếc mỏ chắc khoẻ chụp xuống mặt nước. Một con cá đã nằm gọn trong mỏ. Chúng "gắp" cá chạy ngay lên trên bờ, phòng khi con cá giãy giụa, rớt xuống thì cũng không thể chạy thoát được.
Cứ thế, việc bắt cá diễn ra liên tục. Tôi cùng với chiếc phao gắn máy ảnh dập dềnh trên sóng biển, ban đầu rất khó để chụp ảnh. Tôi phải chọn một vị trí an toàn sau đó ngồi xuống, dùng 2 đùi kẹp chặt chiếc phao, giữ ổn định cho máy ảnh mới có thể chụp được những tấm hình ưng ý.
Trời hôm đó, nắng chói chang. Có kinh nghiệm từ trước, nên tôi đã chuẩn bị cho mình một bộ "wetsuit'' (là bộ quần áo lặn giữ ấm cơ thể dùng để lặn biển, sông, hồ), nên không bị mất nhiệt dù phải ngâm mình dưới nước rất lâu. Tôi còn dùng "giày đi biển'' (loại giày được sử dụng khi đi trên các bãi biển) để có thể di chuyển tốt hơn. Tay chân tôi cũng không bị vỏ ốc, vỏ hà cứa vào.
3. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để chụp loài cò đen, dù chúng không có màu sắc sặc sỡ, chỉ có 1 màu đen hơi ngả sang màu hung hung, nhưng chính màu sắc tối giản đó lại khiến tôi thích thú. Việc tiếp cận bằng phao từ ngoài biển vào đã giúp tôi đến được rất gần với đàn cò. Những bức ảnh cũng trở nên đẹp hơn khi background (phông nền) có khi là bãi cát vàng, có khi là hàng phi lao xanh rì, có khi lại là mặt nước biển bao la...
Khi tham gia môn nhiếp ảnh chim hoang dã, tôi nhận thấy mọi việc đều phải theo sự sắp đặt của thiên nhiên. Hãy đón nhận mọi thứ bằng tình yêu, sự sáng tạo và lòng say mê. Thiên nhiên sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật qua ống kính của những ai có lòng biết ơn và trân trọng mọi thứ do nó ban tặng.
Cò đen là một loài chim mang lại ấn tượng sâu sắc trong tôi bởi chúng luôn khiến tôi nhớ về những ngày đầu tham gia chụp chim nước. Việc sáng tạo ra những công cụ hỗ trợ như "chảo tripod'', "phao tripod'' trong hoàn cảnh đó đã giúp tôi rất nhiều khi tác nghiệp trong môi trường kiếm ăn của các loài chim nước. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta sẽ có cơ hội ứng biến. Tôi đã học được điều đó từ thiên nhiên và các loài chim để viết nên những câu chuyện cho cuộc đời mình.