10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2023 do TTXVN bình chọn
Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) trân trọng giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2023 do TTXVN bình chọn:
1. Xung đột vũ trang Israel-Hamas đe dọa an ninh khu vực:
Cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10 của lực lượng Hamas kéo theo hành động đáp trả quân sự của Israel tại Dải Gaza đã đẩy khu vực Trung Đông tới bờ vực thảm họa nhân đạo. Tính đến ngày 24/12, hơn 21.300 người đã thiệt mạng và hơn 52.000 người bị thương.
Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, bắt đầu từ ngày 24/11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ. Nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết khiến bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa an ninh toàn khu vực.
2. Giải pháp hòa bình cho Nga và Ukraine vẫn xa vời:
Xung đột Nga-Ukraine rơi vào bế tắc, giao tranh tiếp diễn trong khi hai bên không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine và áp đặt các gói trừng phạt mới chống Nga. Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Đối đầu dai dẳng tiếp tục tác động tới an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu.
3. Đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại:
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng 2,9%, giảm so với mức tăng trưởng 3,3% của năm 2022. Nguyên nhân là do cơn “địa chấn” tài chính từ việc các ngân hàng Silicon Valley, Signature, First Republic của Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sĩ sụp đổ, cùng cuộc khủng hoảng năng lượng và các cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Đông. Ngân hàng trung ương nhiều nước phải cân nhắc giữa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và dừng tăng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
4. Hạn chế xuất khẩu gạo, biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu:
Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - cùng với tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hán nghiêm trọng đã khiến nguồn cung giảm, đẩy giá gạo tăng cao, tác động tiêu cực tới an ninh lương thực của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Á và phía Nam sa mạc Sahara. Hội nghị cấp cao An ninh lương thực toàn cầu ngày 20/11 tại Anh đã đề ra những giải pháp hướng tới hệ thống lương thực bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
5. Thúc đẩy ứng dụng đi đôi với tăng cường kiểm soát AI:
Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực,thúc đẩy sự thay đổi của nhiều ngành nghề, song cũng tạo ra không ít thách thức.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI tại Anh ngày 2/11 đã nhất trí cùng phối hợp quản lý những nguy cơ tiềm tàng từ AI; Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến xây dựng bộ luật đầu tiên; Mỹ ban hành sắc lệnh hành pháp đầu tiên về quản lý AI nhằm đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng theo cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích cộng đồng toàn cầu.
6. COP28 đạt thỏa thuận lịch sử loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch:
Các bên tham dự Hội nghị lần thứ 28 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) ngày 13/12 đã lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030.
Đây là bước tiến trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh năm 2023 được nhận định là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua, đưa Trái Đất từ thời kỳ “ấm lên” sang thời kỳ “nung nóng”.
7. Động đất nghiêm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ:
Trận động đất ngày 6/2 có độ lớn 7,8 - lớn nhất tại nước này trong gần một thế kỷ qua - đã làm khoảng 50.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và gần 6.000 người ở Syria thiệt mạng.
Thế giới cũng chứng kiến hàng loạt thảm họa nghiêm trọng khác: Động đất tại Maroc ngày 9/9 làm gần 3.000 người tử vong; tháng 9, bão Daniel gây lũ lụt kinh hoàng ở Libya cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người và khoảng 10.100 người mất tích; giữa tháng 8, hơn 100 người tử vong, hàng trăm người mất tích do thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong 100 năm tại bang Hawaii (Mỹ).
8. Đảo chính liên tiếp gây bất ổn tại châu Phi:
Xu hướng thay đổi chính phủ một cách vi hiến tại nhiều quốc gia châu Phi đẩy khu vực này chìm sâu trong bất ổn, làm trầm trọng hơn những thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng.
Các cuộc binh biến do quân đội tiến hành lật đổ chính quyền tại Niger ngày 26/7 và tại Gabon ngày 30/8 đã tiếp nối làn sóng đảo chính tại Tây và Trung Phi với 8 cuộc đảo chính trong vòng 3 năm qua.
9. Sôi động cuộc đua chinh phục vũ trụ:
Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên có tàu thám hiểm hạ cánh xuống cực Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng, đồng thời phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trời; Nhật Bản phóng tàu đổ bộ lên Mặt Trăng, trong khi tàu thám hiểm Luna-25 của Nga gặp sự cố khi đáp xuống hành tinh này; châu Âu đưa vệ tinh tìm hiểu "vũ trụ tối"; NASA khởi động nghiên cứu tiểu hành tinh Psyche. Ngày 4/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về không triển khai vũ khí trong vũ trụ nhằm tăng cường quản trị không gian.
10. Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới:
Theo số liệu của Liên hợp quốc, ngày 14/4, dân số Ấn Độ đạt 1.425.775.850 người, chính thức vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số tăng mang lại những thuận lợi về lực lượng lao động cho Ấn Độ, song cũng tạo ra không ít thách thức trong việc đảm bảo lương thực, chỗ ở, điều kiện y tế và giáo dục.