LHQ cảnh báo khi dân số ngày càng già hóa

Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các nước xem xét lại các chính sách và mở rộng các cơ hội khi dân số thế giới ngày càng già hóa.

Báo cáo Xã hội thế giới 2023 đề xuất các nước xem xét lại các chính sách và biện pháp đã áp dụng từ lâu với đời sống và việc làm trong bối cảnh số người trong độ tuổi từ 65 trở lên dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào giữa thế kỷ này.

Theo nghiên cứu của cơ quan phụ trách kinh tế và các vấn đề xã hội LHQ, già hóa dân số đang là xu hướng toàn cầu trong thời đại ngày nay. Các nước có thể hưởng lợi từ tình trạng này bằng cách thúc đẩy các cơ hội bình đẳng ngay từ khi sinh ra để tạo cho tất cả mọi người cơ hội sống lâu hơn trong tình trạng sức khỏe tốt hơn.

Năm 2021, thế giới có 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên và dự kiến sẽ tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên thậm chí đang tăng nhanh hơn. Con người sống lâu hơn nhờ những cải thiện về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục nhiều hơn và giảm tỷ lệ sinh. 

LHQ kêu gọi xem xét lại hệ thống bảo trợ xã hội khi dân số ngày càng già hóa - Ảnh 1.

Người dân trên một con phố ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tính toán, một đứa trẻ sinh năm 2021 sẽ có tuổi thọ trung bình là 71, tăng gần 25 tuổi so với cách đây 71 năm và phụ nữ sẽ sống lâu hơn nam giới. Khu vực Bắc Phi, Tây Á và khu vực châu Phi cận Sahara đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất về số người cao tuổi trong 30 năm tới. Hiện nay, châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại trên thế giới đang già hóa vì không phải ai cũng được hưởng lợi một cách bình đẳng từ những cải thiện về y tế và giáo dục. Ở các khu vực phát triển hơn, lương hưu và hệ thống hỗ trợ công khác cung cấp hơn 2/3 mức tiêu dùng của người cao tuổi. Trong khi ở những khu vực ít phát triển hơn, người cao tuổi có xu hướng làm việc lâu hơn và dựa nhiều vào tài sản họ tích lũy được hoặc từ sự hỗ trợ của gia đình.

Ngoài ra, dân số toàn cầu già đi đồng nghĩa gia tăng nhu cầu chăm sóc lâu dài hơn, điểm yếu này đã được bộc lộ trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Điều không may là chi tiêu công ở hầu hết các nước đều không đủ để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng này.

LHQ kêu gọi xem xét lại hệ thống bảo trợ xã hội khi dân số ngày càng già hóa - Ảnh 2.

Người dân tại nhà ga ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuổi thọ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố như thu nhập, giáo dục, giới tính, dân tộc và nơi cư trú. Do đó, các tác giả của báo cáo trên lưu ý một số yếu tố có sự kết hợp thường xuyên dẫn tới những bất lợi mang tính hệ thống và bắt đầu từ rất sớm trong đời. Các tác giả cảnh báo rằng nếu không có các chính sách ngăn ngừa, những bất lợi hệ thống này sẽ tác động tới những vấn đề khác trong suốt đời người, dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn khi về già. Vì vậy, quá trình đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có thể gặp rủi ro, cụ thể là SDG 10 về giảm bất bình đẳng.

Theo các tác giả trên, các nhà chức trách cũng phải xem xét lại hệ thống bảo trợ xã hội, trong đó có chương trình lương hưu. Một trong những thách thức lớn là duy trì sự bền vững tài chính của hệ thống lương hưu công trong khi đảm bảo an ninh thu nhập cho toàn bộ người cao tuổi, bao gồm cả những người làm việc không chính thức.

Các yếu tố quan trọng khác liên quan tới việc mở rộng cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ và các nhóm khác vốn thường bị loại khỏi thị trường việc làm chính thức. Mục đích là đảm bảo cho nhóm này cuộc sống sung túc khi về già và tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Theo báo cáo trên, nhiều chính phủ đã đưa ra các cơ hội học tập suốt đời cũng như củng cố và tận dụng tối đa lực lượng lao động giữa các thế hệ, đồng thời đưa ra độ tuổi nghỉ hưu linh hoạt để phù hợp với nhiều tình huống và sở thích cá nhân.

Hải Yến/TTXVN

Link gốc: TTVH