Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội

Nếu chọn một công trình kiến trúc của người Pháp xây xưa nhất, diện mạo lại ít thay đổi nhất cho đến nay, ở thành phố Hà Nội, thì đó chính là Nhà thờ Lớn, còn được gọi là Nhà thờ Thánh Giuse (Joseph), vị thánh được Giáo hoàng Innocent XI phong là Thánh quan thầy của Giáo phận Việt Nam từ năm 1678.

1. Trung tâm Thiên Chúa giáo của khu vực xưa kia không đặt ở Hà Nội, mà ở Kẻ Sở (còn gọi là Sở Kiện), tọa lạc tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, được Giám mục tổng tòa Puginier ban phước khởi công ngày 23/10/1877 và hoàn thành vào năm 1882. Đây được coi là nhà thờ chính tòa của giáo phận, là nơi thu hút giáo dân hành hương tới tôn vinh các "thánh tử đạo".

Còn ở khu vực cận kề Nhà thờ Lớn trước đó, chỉ có một nhà nguyện nhỏ, xây gạch lợp lá, thầy giảng phải từ Kẻ Sở cách đó 20km lên Hà Nội chăn dắt con chiên. Tháng 5/1883, quân Cờ Đen đánh vào Hà Nội, đốt cháy ngôi nhà ấy.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 1.

Nhà thờ Kẻ Sở ở Hà Nam

Nhưng đến năm 1887 (một năm trước khi vua Đồng Khánh giao đất Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa), cũng chính vị giám mục này đã dùng ảnh hưởng của mình ép Tuần phủ Hà Nội hợp thức hoá khu đất vốn là nền chùa và tháp Báo Thiên rất nổi tiếng (trong đó có một đỉnh đồng rất lớn được coi là một trong bốn "An Nam tứ đại khí") được xây từ thời Lý (1059) nay đã đổ nát sau khi đã bị giặc Minh (thế kỷ XV) tàn phá rồi đến người Pháp san thành nền để xây nhà thờ đạo Thiên Chúa.

Nhờ các cuộc xổ số để có kinh phí, Nhà thờ Thánh Joseph đã được xây dựng như diện mạo ngày nay và được khánh thành ngày 23/12/1887, nhằm dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, phải đến năm 1920 thì Nhà thờ Chính tòa và Tòa Giám mục của địa phận Tây Đàng Ngoài mới chuyển từ Sở Kiện về Hà Nội.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 2.

Nhà thờ Lớn, lúc đang xây

Vào thời đó, ngoài Cột Cờ được xây từ đầu thế kỷ XIX, thì Nhà thờ Lớn là kiến trúc cao nhất với tháp chuông 32m, lừng lững gần Hồ Hoàn Kiếm và tạo một không gian Công giáo xung quanh một vùng đất vốn là một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng, cùng phủ chúa đã hoàn toàn bị triệt hạ, khi vị chúa cuối cùng của nhà Trịnh bị nhà Tây Sơn tiêu diệt vào cuối thế kỷ XVIII. Những tấm ảnh Nhà thờ Lớn được chụp vào những thời điểm khác nhau càng cho thấy cái nhận xét ở trên là đúng.

Ta có thể thấy kẻ giàu đến người nghèo, người Tây hoặc người Ta, những chiếc xe kéo và ôtô...rất đông vào những ngày có thánh lễ. Và ta còn hình dung được trên thinh không của Hồ Hoàn Kiếm thơ mộng, kể từ đó không chỉ có tiếng chuông chùa gióng giả, mà lại có cả tiếng chuông nhà thờ từ trên tháp cao đổ hồi vào những giờ nguyện của người theo đạo.

2. Dấu tích kiến trúc Pháp dễ nhận ra ở Hà Nội, khi người Pháp lập thành phố ở xứ sở Viễn Đông này với các mô phỏng những gì có ở chính quốc, ví như Nhà hát Lớn thì giống Nhà hát Garnier thu nhỏ, Nhà thờ Thánh Joshep thì kiến trúc cũng từa tựa Nhà thờ Notre-Dame ở Paris…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 3.

Nhà thờ Lớn nhìn từ bờ Đông của Hồ Hoàn Kiếm

Xung quanh kiến trúc này còn có cả một cộng đồng tín đồ Thiên Chúa giáo sinh sống dọc hai dãy phố Nhà Thờ và Nhà Chung. Vào những ngày lễ trọng, đặc biệt là trong đêm Giáng sinh, đây là nơi hội tụ của giáo dân toàn vùng.

Sau Nhà thờ Lớn, Hà Nội có thêm một nhà thờ mang kiến trúc độc đáo, xây gần cổng thành Cửa Bắc, nên thường gọi là Nhà thờ Cửa Bắc (tên chính thức là Nhà thờ Nữ vương các thánh tử đạo), khánh thành ngày 1/2/1931, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế.

Sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, ngày 9/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà là tín đồ Thiên Chúa giáo, đã đến dự lễ cầu hồn cho các liệt sĩ và người dân tử nạn khi giặc Pháp gây hấn ở Nam bộ.

Cũng cần nói thêm rằng, "lọt thỏm" vào không gian của nhà thờ và các khu phố đông giáo dân quanh Nhà thờ Lớn Hà Nội lại có một ngôi chùa nhỏ mang tên "Bà Đá" rất linh thiêng. Tương truyền chùa này xây trên nền của chùa Báo Thiên xưa, nơi đã bị giặc Minh phá, nhưng đến đời Lê Thánh Tông (1460 -1497), dân đào được trên phế tích môt pho tượngphụ nữ bằng đá còn sót lại, nên chùa Bà Đá được xây như dấu tích còn lại củamột thời Phật giáo thịnh trị.

Cũng trong những ngày tháng đầu tiên của Thủ đô độc lập, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đại diện nhiều đảng phái tới thụ chay tại chùa Bà Đá và trước ban thờ tam bảo, nhà lãnh đạo đất nước đã phát thệ:"… Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ".

Không gian tôn nghiêm dưới bóng tháp chuông và cảnh quan gần kề Hồ Gươm đã kết nối Nhà thờ Lớn với chùa Bá Đá và đền thờ vua Lê Thái Tổ thành một điểm thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng đời sống tôn giáo và tín ngưỡng của Hà Nội...

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 5.

Mặt tiền nhà thờ trên một bưu ảnh

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 6.

Nhìn bên hông kiến trúc nhà thờ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 7.

Quang cảnh lúc tan lễ, lúc còn người Pháp

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 8.

Không khí trước lễ, ngoài cổng nhà thờ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 9.

Khung cảnh bên ngoài của một buổi lễ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 10.

Xe kéo đưa đón đi lễ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 11.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà dự lễ cầu hồncác liệt sĩ và người dân tử nạn khi giặc Pháp gây hấn ở Nam bộ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 12.

Giáo dân đến dự lễ trong Ngày Nam bộ đòi Pháp ngừng gây hấn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 87): Nhà thờ Lớn Hà Nội - Ảnh 13.

Nhà thờ Cửa Bắc nhìn trên không ảnh, hướng ra Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch

QXN

Link gốc: TTVH