Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã

Tìm về những "cái nôi" sản xuất vàng mã trong lịch sử, ghi lại và kiến giải hàng loạt tập tục, nghi thức, quy trình sản xuất… quanh sản phẩm thủ công truyền thống này - đó là hành trình mà nhiếp ảnh gia Lê Bích theo đuổi trong 5 năm qua, với hy vọng góp thêm góc nhìn về một nét văn hóa lâu đời nhưng từng gây tranh cãi.

Lê Bích không phải là cái tên xa lạ với những người yêu di sản và nhiếp ảnh. Hơn chục năm qua, anh là tay máy được biết tới qua hàng trăm bộ ảnh chụp các làng nghề thủ công, lễ hội truyền thống hay di sản văn hóa địa phương. Và, mỗi đề tài Bích chọn luôn mang trong đó vô vàn câu chuyện từ những chuyến đi điền dã - như trường hợp vàng mã.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích

Có một văn hóa vàng mã

Mọi thứ bắt đầu từ khoảng dăm năm trước, khi anh tới dự lễ hội Kỳ Yên ở làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) vào rằm tháng 3. Tại đây, vào chính hội, mỗi dòng họ được phân công làm một loại vàng mã để dâng ra đình. Đó là một thủ tục thiêng liêng - và cũng là niềm tự hào - của những người dân trong làng, khi tất cả người già trẻ con đều hứng khởi làm lễ chẻ nứa rồi nhập cuộc, cùng chung sức làm những món đồ mã rất đẹp và tinh xảo mà Bích chưa từng gặp.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 2.

Một nghệ nhân vàng mã tại Nam Định

Sau lễ hội ấy, trong dịp tới Phủ Dầy (Nam Định) để chụp về đạo Mẫu, anh tình cờ gặp thêm những gia đình có nghề làm vàng mã theo lối cổ. Rồi thử tìm hiểu, Bích biết đến những nghệ nhân làm vàng mã kiểu cổ ở Huế và ở cả khu phố cổ giữa lòng Hà Nội - tất cả đều khác hẳn với những món đồ mã "hiện đại" đang tràn ngập tại thị trường.

Như lời kể, khi khảo cứu tư liệu, Lê Bích tìm thấy trong dòng chảy văn hóa những dấu ấn khá rõ nét của tục đốt vàng mã, cũng như nghề thủ công gắn với sản phẩm này. Chẳng hạn, sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có ghi: "Lễ Kỳ An dùng toàn đồ vàng mã, nơi thì dân làng làm lễ một buổi, nơi thì mời nhà sư vào môn đạo trường cúng ba đêm ngày hoặc bảy đêm ngày. Hoặc, sách Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm ghi: "Huyện Siêu Loại, Tổng Đông Hồ làm các thứ hình người, hình súc vật. Huyện Tiên Du thôn Hồ xã Chi Nê chuyên làm mũ mã".

Xa hơn, công trình Kỹ thuật của người An Nam do tác giả người Pháp Henri Oger thực hiện hơn một thế kỷ trước cũng có nhiều hình ảnh, chú thích về nghề làm vàng mã và các mẫu vàng mã. Rồi, các bộ ảnh màu của nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy chụp Hà Nội những năm 1925 -1930 cũng có không ít tấm ảnh ghi lại rất sinh động những mẫu vàng mã và phố bán vàng mã tại Hà Thành.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 3.

Các sản phẩm vàng mã tại một lễ hội truyền thống

Gặp thêm các chuyên gia văn hóa, Lê Bích được chú giải về nguồn gốc tục đốt vàng mã của người Việt - hệ quả từ tục hiến sinh vốn là nghi lễ thiêng trong các lễ hội truyền thống. 

Từng bước thay hiến tế người sống bằng những tượng gỗ, đá, đồng, gốm… rồi tiếp đến là những bộ đồ thế, đồ mã, đó là những bước đi mà con người đã trải qua trong lịch sử.

"Như thế, đốt vàng mã là tập tục cổ truyền của người Việt. Từ một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, tập tục này dần trở thành cách thức để con người bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với tổ tiên của mình và thần linh" - Lê Bích nói.

Chuyện từ 50 bộ ảnh

Trong hành trình của mình, Bích đã tới nhiều làng nghề làm mã nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Phúc Am, Đông Cứu (Thường Tín), Nam Hồng, Phủ Dầy (Nam Định)… rồi cả các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng - nơi làm mã cho các đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng. Ở miền Trung và Nam Bộ, anh qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Khánh Hóa, Phú Yên, Vũng Tàu, TP. HCM, Cần Thơ, Châu Đốc. Khoảng 50 bộ ảnh đã được hình thành qua những chuyến đi ấy.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 4.

Đồ mã của người Dao ở Tuyên Quang

Như lời Bích, có thể thấy rõ sự khác biệt về các đồ vàng mã và nghi thức hành lễ đi kèm giữa 3 miền Bắc Trung Nam, bởi tín ngưỡng mỗi vùng miền có đặc thù riêng. "Đó là vô vàn câu chuyện và chi tiết mà nếu nói hết thì phải xuất bản vài quyển sách.

Ngắn gọn thì miền Bắc có đồ mã khá đẹp và tinh xảo do, bởi gắn với những trung tâm tôn giáo chính trên cả nước và có lịch sử lâu đời. Càng vào phía Nam, đồ mã càng có phần mộc mạc và bình dân hơn" - anh nói - "Nhưng rất thú vị, trong những năm gần đây, đồ mã làm ở TP. HCM lại được ưa chuộng trên cả nước do nắm bắt được nhu cầu đa dạng và khắt khe của người dùng bây giờ".

Những bộ ảnh của Lê Bích được phân chia theo vùng, miền, và chia nhỏ hơn theo tục lệ, lễ hội và cả nhóm đồ mã cho các nghi lễ đặc thù. Chẳng hạn, có bộ ảnh về nhóm đồ mã của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, về đồ mã của ngư dân ven biển miền Trung, hoặc những nhóm vàng mã bày ở bàn thờ thần tài mà người ta có thể gặp ở bất cứ cửa hàng nào, gần gũi hơn là bộ đồ mã cúng ông Công, ông Táo và cúng đêm giao thừa. Đặc biệt hơn có lẽ là đồ mã cúng cho những oan hồn ở những vùng đất Trung, Nam Bộ nơi ông cha ta mở cõi, nơi có nhiều người bỏ mạng do thú dữ, rừng thiêng nước độc hoặc binh biến.

Như Bích kể, việc thực hiện những bộ ảnh này không đơn giản. Để ảnh có độ chân thực nhất, rất nhiều lần, anh phải "mỏi miệng" thuyết phục người trong cuộc đồng ý cho mình xuất hiện ở những nghi thức tâm linh đặc thù gắn với tục đốt vàng.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 5.

Mâm cúng vàng mã của các ngư dân miền Trung trước khi ra khơi

Có lần, Lê Bích vất vả thuyết phục được các nghệ nhân làm vàng mã tại miếu bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc), vậy nhưng vượt 200km từ TP.HCM tới nơi, anh lại tiu nghỉu quay về vì "chủ thể" của bộ ảnh đổi ý vào giờ chót. Rồi cũng có lần, anh kỳ công lên tàu ra khơi cùng ngư dân miền Trung ở biển Chân Mây (xã Vĩnh Lộc huyện Phú Lộc, Huế) để có thể hiểu và ghi lại nghi lễ thực hành tín ngưỡng ở ngoài khơi, cũng như các loại đồ vàng mã được dùng.

"Kỹ thuật chụp ảnh các nghi thức gắn với đốt vàng mã cũng phức tạp. Như tại Đầm Chuồn (Huế), các ngư dân thả vàng mã xuống nước rất nhanh, tôi bị lỡ cú bấm máy, phải chụp lần sau. Hoặc, việc chụp rõ hình ảnh một vị thủy thần nổi trên nổi trên mặt nước thể hiện ước vọng được bảo vệ an toàn khi ra khơi của ngư dân cũng rất khó vì sự phức tạp từ mặt nước và ánh sáng, tôi phải chụp lại rất nhiều lần" - anh chia sẻ - "Nhìn chung, ngoài kinh nghiệm được đúc kết dần, tôi còn phải luôn chuẩn bị 2 máy ảnh với ống kính có đủ dải tiêu cự để tác nghiệp nhanh và chính xác".

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 6.

Hình ảnh thủy thần sẽ được các ngư dân Phú Lộc (Huế) thả trên mặt nước để cầu an

"Đồ mã cổ không còn nhiều"

Hào hứng, Lê Bích kể về những lớp văn hóa đặc sắc mà mình tiếp cận khi tìm hiểu về vàng mã. Chẳng hạn, ở Đông Hồ, những đồ mã cao cấp luôn gắn với kỹ thuật trổ giấy đã đạt tới đỉnh cao - vốn là yếu tố làm nên loại tranh trổ giấy đặc sắc của địa phương này.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 7.

Các nghệ nhân trổ giấy khi làm vàng mã

"Tên gọi đúng của nó là trổ lé (hay còn gọi là trổ né). Tức là trổ giấy thành nhiều lớn rồi dán đè lên nhau, lớp sau lại nhỏ hơn lớp trước để lé ra màu và đường nét của lớp trước" - anh giải thích - "Các họa tiết nhờ thế có nhiều màu đan xen và có chiều sâu. Kỹ thuật trổ lé này còn được ứng dụng vào tranh trổ giấy, một dòng tranh khá đặc sắc của làng Đông Hồ mà hiện có nguy cơ thất truyền. Vào hội, đồ mã được từng dòng họ rước ra đình trưng bày rồi hóa khi mãn hội với lời cầu ước cho một năm thuận hòa no đủ".

Rồi, anh nói sang truyền thống làm vàng mã của Hà Nội, vốn tập trung ở phố cổ như Hàng Mã, Hàng Đào, Đồng Xuân… Các đồ mã ở đây luôn có sự tinh xảo đặc biệt, bởi người Hà Nôi Nội luôn muốn bày đẹp ban thờ tổ tiên nhưng lại muốn chọn những loại có kích thước nhỏ vì nhà quá chật. Để mua những loại đồ mã đẹp nhất, khách hàng thường phải đặt trước cả tháng, với mức giá cao hơn kha khá so với các tỉnh liền kề.

Hoặc, như lời Bích, ngoài chất liệu giấy quen thuộc, người Việt có cả loại đồ mã làm bằng vải và trang trí bằng họa tiết thêu, gắn bằng hạt cườm nhựa - vốn là thứ đồ mã rất khó làm và thường dùng để trang trí ở trên mái các đền, miếu, điện phủ… như nón công đông, thanh xà, bạch xà… Hiện tại, làng nghề Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) là nơi đứng đầu cả nước về loại đồ mã này, ngoài ra còn có một số làng nghề tại Nam Định.

Lê Bích và cuộc 'hành hương' cùng vàng mã - Ảnh 9.

Loại hình đồ mã bằng vải

Với ghi nhận của Lê Bích, những đồ mã cổ theo chuẩn xưa không còn nhiều. Hiện tại, nhiều làng vàng mã đã sử dụng máy móc để hiện đại hóa khâu sản xuất kể từ trổ hoa văn, chọn mầu, in ấn… và cho ra đời nhiều mẫu mã mới như ô tô, xe máy, thời trang áo váy hay các đồ dân dụng hiện đại. Thêm vào đó, những mặt hàng vàng mã nhập từ nước ngoài cũng bắt đầu xuất hiện, và gây khó cho những loại vàng mã cổ xưa.

"Đó là sự thay đổi tất yếu của thị trường, và cũng là vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt: Điều chỉnh thói quen, cũng như tâm lý sử dụng vàng mã của cộng đồng hiện nay, để loại sản phẩm thủ công truyền thống này được sử dụng một cách hợp lý và có văn hóa, đúng như từng có trong lịch sử của nó" - anh nói - "Với những bức ảnh của mình, tôi muốn mang lại thông tin, hình ảnh thực tế xác thực nhất có thể và khách quan để mọi người cùng hiểu cho đúng về loại hình truyền thống này, bởi khi hiểu đúng, chúng ta sẽ có hành xử đúng".

"Dù có những biến tướng, không thể phủ nhận tập tục đốt vàng mã luôn tạo ra cảm giác bình an, thiêng liêng với chúng ta trong những sự kiện hướng về nguồn cội. Bởi thế, tôi muốn tìm hiểu và ghi lại chuyên sâu những câu chuyện về vàng mã một cách có hệ thống, để mọi người cùng có cái nhìn tổng thể, cùng hiểu và cùng tự điều chỉnh về văn hóa đốt vàng mã của mình" - nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Cúc Đường - Ảnh: Lê Bích - Xuân Quý Mão 2023

Link gốc: TTVH