Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4: Làm cho văn hóa 'thấm đẫm' vào các thế hệ người Việt
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện được coi là "địa chỉ đỏ" ở Hà Nội, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc đến với cộng đồng và du khách quốc tế thông qua các hoạt động trình diễn.
Hoạt động này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, văn hóa đồng bào các dân tộc có nhiều nguy cơ mai một. Đây cũng là cách thức khá hiệu quả để văn hóa thấm đẫm vào các thế hệ người dân Việt Nam, mãi trường tồn, trở thành nền tảng tinh thần, ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển...
Nhiều sự kiện văn hóa ý nghĩa
Gần đây, nhiều du khách đã chọn Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm đến tham quan, trải nghiệm cho gia đình, nhất là cho thế hệ trẻ tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại đây.
Chị Nguyễn Hồng, du khách đến từ quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, chị và người thân, bạn bè thường tới Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam vào cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ Tết. "Đến làng Văn hóa – Du lịch, tôi được xem đồng bào các dân tộc trình diễn, tái hiện những nghi lễ độc đáo, tham gia chợ phiên, tôi thích nhất là xem bà con dệt thổ cẩm, hát giao duyên, trẻ con thì tham gia các trò chơi truyền thống của đồng bào… những hoạt động đó đã mang đến cho tôi và gia đình nhiều trải nghiệm thú vị", chị Nguyễn Hồng nói.
Khai trương từ năm 2010, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vừa phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hàng năm, Làng tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc vào dịp đầu Xuân năm mới, giới thiệu văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc đón Tết, trình diễn các nghi lễ cầu an, cầu phúc, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian… Còn vào dịp Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 hàng năm, tại Làng diễn ra nhiều hoạt động phong phú của đồng bào dân tộc đến từ nhiều địa phương, trong đó có các hoạt động trình diễn dân ca dân vũ, giới thiệu văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và tái hiện các nghi lễ truyền thống… Đặc biệt phải kể tới Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam thường diễn ra cuối tháng 11 với sân khấu quy mô lớn và hội tụ tiết mục biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp…
Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thường xuyên thực hiện nhiều chuyên đề văn hóa phục vụ du khách. Theo đó, Ban quản lý Làng đã chọn các chuyên đề phù hợp từng tháng như triển lãm theo chủ đề, giới thiệu đặc trưng du lịch vùng, miền. Nhiều lễ hội đặc sắc, nhiều nghi lễ, nghi thức được tái hiện, trình diễn để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Trong đó có thể kể đến: Nghệ thuật sân khấu Rô băm của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; nghi lễ nông nghiệp truyền thống "Mang lúa về kho" của dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; Lễ Chá mùn của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Say Sán dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai; Tết mừng chiến thắng của đồng bào dân tộc Nùng; Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái…
Nhân dịp Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, tại Làng diễn ra nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản, văn hóa các địa phương như: Tái hiện Lễ đấu đèn của dân tộc Hoa tỉnh Sóc Trăng, giới thiệu thực hành nghề truyền thống và ẩm thực Sóc Trăng; tái hiện Lễ rước rể trong lễ cưới của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk, biểu diễn dân ca dân vũ, giới thiệu nhạc cụ và âm nhạc dân tộc Ê Đê; tái hiện nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; biểu diễn dân ca, dân vũ truyền thống, trình diễn giới thiệu trang phục dân tộc, giới thiệu ẩm thực của dân tộc Dao...
Đặc biệt, năm nay diễn ra Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Sự kiện đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, di sản quý báu của dân tộc và những đóng góp to lớn của các chủ thể văn hóa đang gìn giữ, phát huy, lan tỏa, truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ còn là những người gắn kết cộng đồng, "giữ lửa" ở các bản, buôn, làng, phum sóc, trao truyền tinh hoa văn hóa cho thế hệ sau.
Bảo tồn, phát huy giá trị
Với chủ trương "để chủ thể văn hóa tự nói lên tiếng nói của mình", Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối kết hợp với các địa phương và chủ thể văn hóa nhằm tìm kiếm, chọn lọc, trình diễn văn hóa tộc người để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" trong bối cảnh hội nhập. Việc tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa tại Làng vừa để đồng bào mang văn hóa của mình đến giới thiệu với đông đảo du khách, đồng thời cũng từ Làng, văn hóa đó sẽ ngày càng được phát huy hơn khi trở về địa phương.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Làng đã đi một chặng đường dài, đang dần đi vào đúng mục tiêu, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là muốn đầu tư một trung tâm hoạt động văn hóa quy mô lớn, mang tính chất quốc gia. Nơi đây tái hiện không gian văn hóa và những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên khắp các vùng miền và đặc biệt là thông qua hoạt động trình diễn tại Làng.
Với mục tiêu như vậy, những năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đầu tư xây dựng không gian văn hóa các dân tộc, đồng thời phối hợp với nhiều địa phương và cơ quan liên quan, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Làng đã tổ chức tốt các hoạt động. Trong đó, Làng chú trọng bảo tồn, tái hiện giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam ở địa phương, vùng miền, đặc biệt tập trung gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.|
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, điều khác biệt của Làng là Ban quản lý phối hợp với các địa phương, mời nhiều nghệ nhân là đồng bào về sinh sống tại Làng, tổ chức tái hiện, giới thiệu văn hóa của chính dân tộc mình tới du khách. Hay nói một cách khác, là để cho chủ thể văn hóa - những người đang nắm giữ tri thức văn hóa của dân tộc mình chuyển tải các giá trị văn hóa này tới du khách, cộng đồng. Thông qua các hoạt động đó, giá trị văn hóa của các dân tộc được giới thiệu, lan tỏa đúng bản chất, trọn vẹn tới du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, các học sinh, sinh viên... là những đối tượng thường xuyên đến Làng tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm.
Ông Trịnh Ngọc Chung cho rằng, đây là hoạt động ý nghĩa và bổ ích, bởi mỗi một người dân, du khách và mỗi một bạn học sinh, sinh viên không dễ gì có thể đi được tất cả các vùng miền, tìm hiểu đa dạng giá trị văn hóa khác nhau của 54 dân tộc Việt Nam. Nhưng khi đến với Làng, mọi người có thể tìm hiểu được đầy đủ các không gian văn hóa, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng dân tộc tại đây.
Có thể khẳng định, việc đưa văn hóa các dân tộc tiến gần hơn với cộng đồng, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình thức trình diễn gắn với phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa là một hướng khai thác du lịch văn hóa hiệu quả đang được triển khai mạnh mẽ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
"Thông qua các hoạt động tái hiện, trình diễn, chúng ta không chỉ gìn giữ, bảo tồn được các giá trị văn hóa của các dân tộc, mà còn lan tỏa văn hóa đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, để văn hóa thấm đẫm vào các thế hệ người dân Việt Nam, mãi trường tồn, trở thành nền tảng tinh thần, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển", ông Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh.