Kính biệt PGS Nguyễn Hoành Khung: 'Công tử Bảo Khánh' thời Hà Nội vang bóng
PGS-NGND Nguyễn Hoành Khung là người thầy tinh tế, hào hoa, giảng dạy, nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại sắc sảo và có duyên bậc nhất tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy đã gửi lại cõi tạm tuổi 86 (1938 - 2023) để phiêu du miền mây trắng lúc 12h03 ngày 25/8/2023 trong nỗi nhớ tiếc của gia đình, đồng nghiệp và các thế hệ học trò văn khoa sư phạm.
Ngay sau khi biết tin thầy nhẹ bước vân du, các thế hệ học trò văn khoa đã tưởng nhớ, chia sẻ những hoài niệm về những tiết dạy đầy mê hoặc, như bị thôi miên của thầy về văn chương...
Nghệ sĩ trên giảng đường
Là thế hệ học trò, lại trở thành đồng nghiệp hậu sinh vô cùng ngưỡng mộ thầy ở sự uyên bác, PGS-TS Nguyễn Thị Bình (nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn) chia sẻ: "Thầy Nguyễn Hoành Khung sinh ra để dành cho văn chương. Thầy làm đẹp, làm sang rất nhiều cho văn chương. Thầy còn là hiện thân của nét thanh tao, lịch lãm của Hà Nội thời vang bóng.
Thầy chậm rãi, từ tốn, nhỏ nhẹ làm sống lại trước học trò bao thăng trầm thời cuộc, bao vẻ đẹp của Thơ Mới, của văn xuôi Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... Những trang sách của thầy thật mới mẻ, nhiều phát hiện sắc sảo, nhiều tính phản biện, lối diễn đạt tinh tế, tài hoa, không lẫn với ai...".
Cựu sinh viên Ngô Quốc Túy nhớ về tổ uyên ương, cặp tài tử - giai nhân của thầy Nguyễn Hoành Khung và cô Đinh Thu Hương - hoa khôi văn khoa một thời ở phố Bảo Khánh, gần Tháp Rùa. Đó là căn phòng tuy nhỏ, nhưng "được bài trí theo phong cách Hà Nội đích thực: Giản dị, ấm cúng, đài trang". Các thế hệ sinh viên văn khoa sư phạm nhớ những bài thầy giảng về những tượng đài thi ca như Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, Hàn Mặc Tử… để thấy: "Khác biệt của đại sư Nguyễn Hoành Khung là chuyển tải kiến thức văn chương cho học trò bằng tâm hồn nghệ sĩ, bằng kiến thức uyên bác, bằng tín chỉ tôn sư trọng đạo, gia vị chút hóm hỉnh hài hước của người luôn làm chủ "cuộc chơi" trên giảng đường đại học"...
PGS-TS Trần Văn Toàn (nguyên Phó tTrưởng khoa, Khoa Ngữ văn) nhắc nhớ: "Nét công tử ở thầy Khung rõ nhất ở đôi bàn tay trắng trẻo, thanh nhã; môi đỏ như thoa son (có thể xem thầy là Kim Trọng của Khoa Vvăn) - cả 2 vẻ đẹp ấy vẫn không thay đổi cả khi thầy về già... Thầy viết như để phô diễn về năng lực nghĩ và cắt nghĩa của người nghiên cứu. Đặc biệt, những trang giáo trình về Nam Cao của thầy đã trở thành điển phạm mà những giới hạn của nó dường như vẫn chưa thể vượt qua ngay trong những bộ giáo trình văn học sử gần đây nhất. Những gì thầy đã viết như không thể thêm, mà chỉ có thể phải tìm một hướng đi khác".
Yêu văn chương qua kho sách của cha
Nguyễn Hoành Khung sinh năm 1938, quê Thái Bình. Cuối năm 1950, cụ Nguyễn Danh Hoàn đưa con trai vào Thanh Hóa ở cùng cha. Thầy vào học lớp 5 (cấp 2, hệ 9 năm) Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền (làng Ngò, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa). Cuối năm 1951, trường tách thành 2 chi, 1 ở làng Ngò, 1 ở Mao Xá và thầy về chi Mao Xá học cho đến hết lớp 6. Lên lớp 7, trường chuyển sang làng Thái Dương.
Học vào buổi tối trong nhà dân, thầy cùng bạn bè xách đèn đi học. Có những kỷ niệm thầy không bao giờ quên, đó là lần sau khi tan học, thầy cùng cậu bạn thân đi về đến cánh đồng trước khi lên đê Nông Giang thì gió to thổi đèn tắt. Trời tối đen như mực, cả 2 lóp ngóp bò lên trườn xuống các bờ ruộng, cố gắng tìm đường, nhưng bị mất phương hướng. Loay hoay cả tiếng đồng hồ cho đến khi có tiếng ô tô (bấy giờ rất hiếm) mới đoán được hướng lên đê Nông Giang...
Bản tính hồn nhiên, nhỏ nhẹ, sống tình cảm, thương người, nhưng chính điều đó cũng đã từng gây phiền toái cho thầy. Một đêm khác, trên đường đi học về, qua đình làng Thái Dương, thầy thấy đông người đang tụ tập, thầy và người bạn cùng làng chen vào xem. Đứng trên một chiếc bàn cao, thấy bên trong có mấy người đang điều khiển cuộc truy tội, đối tượng là một ông già ngồi gục đầu trên ghế băng. Nghe thấy người chỉ huy quát "đánh đi!", ông già bị đè nằm ra ghế băng, thầy vốn nhỏ nhẹ mà lúc đó phẫn nộ giơ tay nói to "không được đánh người già!". Bất ngờ, người chỉ huy ngoảnh lại hỏi "đứa nào chống lại?" và hò dân quân ra tìm. Lập tức có 2 anh dân quân đứng bên dưới giật tay thầy kéo xuống, một người giữ và một người đi tìm dây để trói. Người bạn đi cùng tới xin cho thầy. Chờ một lúc không thấy mang dây đến, anh dân quân tha cho thầy về...
Năm lớp 7, thầy bị 2 trận ốm nặng đến "thập tử nhất sinh", nhưng may mắn qua khỏi và thành tích học tập xuất sắc thật đáng nể. Theo học chỉ (học bạ), điểm trung bình cả năm là 7,30 (xếp thứ nhất trong 56 học sinh). Các môn khoa học xã hội được nhận xét chung là: "Rất giỏi, nhiều triển vọng, nhưng cần phải chú trọng kết hợp học tập với công tác vì ít tham gia công tác. Cần phát triển thanh niên tính nhiều". Lời phê môn chính trị: "Giỏi, cần đề phòng tư tưởng tự kiêu". Cuốn học chỉ lớp 7 đã được thầy lưu giữ bên mình làm kỷ niệm trong suốt cuộc đời...
Thầy yêu văn chương qua kho sách của cha. Sách trở thành những người bạn quý, với bao điều kỳ diệu. Những tác phẩm văn chương của Tự lực Văn đoàn, Thơ Mới... đã thấm vào thầy một cách tự nhiên như mưa dầm thấm đất. Học xong phổ thông, thầy vào học Bách khoa. Sinh viên Bách khoa và Tổng hợp ngày đó học chung giảng đường. Như đã được "lập trình" một cách tự nhiên, nơi thầy thuộc về, sự nghiệp cả đời thầy gắn bó, theo đuổi lại chính là văn chương, với sức hấp dẫn riêng có, mê dụ. Thầy đã thay đổi quyết định nhanh chóng để được thỏa niềm đam mê văn chương của mình.
Năm 1960, tốt nghiệp đại học, thầy được giữ lại làm giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, thầy chuyển công tác về Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu.
Hơn 40 năm gắn bó với khoa, ngoài nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, thầy là chuyên gia về Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam... Thầy tham gia hội đồng chuyên môn bộ môn ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1996 đến năm 2009; soạn sách giáo khoa, soạn chương trình cải cách giáo dục...
Một bản lĩnh học thuật
Tôi may mắn được học thầy từ thời sinh viên (khóa 1979 - 1983) và trở lại học sau đại học (1997 - 1999). Giờ giảng của thầy, nhóm cao học khóa 7 văn học Việt Nam chúng tôi cứ như bị thôi miên, bị dẫn dụ đến quên thời gian, quên đói, quên mệt, bởi chất giọng đẹp sang mê hồn; sự thanh thoát, nhẹ nhàng, chừng mực, tâm hồn tinh tế tài hoa; lối tư duy sắc sảo, nghiêm cẩn, mực thước trong câu chữ; cách phân tích khúc chiết và đặc biệt là khiếu hài hước, dí dỏm trời cho. Điều này được cô Nguyễn Thị Bình lý giải: "Bản năng tinh tế hiếm có, lại thông kim bác cổ, thầy trò chuyện mặn mà được với mọi đối tượng, chuyện không dứt ra nổi".
Chúng tôi hào hứng lắng nghe thầy giảng chuyên đề Nhìn lại vụ án Vũ Trọng Phụng và một số bài học đặt ra trong nghiên cứu khoa học. Bằng bản lĩnh học thuật, thầy lên tiếng bảo vệ Vũ Trọng Phụng, đề cao thơ lãng mạn, tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn… Thầy viết: "Những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê đều có không khí chính trị thời sự nóng hổi, đậm đặc (nhất là Vỡ đê), đã vang lên tiếng nói tố cáo "phái tư bản" thống trị tàn bạo đểu cáng, tiếng nói tố khổ thống thiết để cho quần chúng bị áp bức bóc lột tàn tệ không còn đường sống. Tiếng nói đầy tính chiến đấu đó của Vũ Trọng Phụng đâu có lạc lõng mà đã thật sự hòa vào tiếng thét đấu tranh của quần chúng đòi cơm áo, tự do, dân chủ trong cao trào Mặt trận Dân chủ vừa dâng lên khi đó...".
Thầy khẳng định từ sớm: "Chắc chắn Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của nhà văn sẽ còn được nghiên cứu nhiều hơn nữa, sẽ còn những tranh cãi. Một hiện tượng văn học lớn thường là thế: Luôn luôn hấp dẫn, mời gọi sự tìm hiểu, luôn luôn là vấn đề mở. Đó cũng chính là một sự biểu hiện về sức sống mạnh mẽ của sự nghiệp nhà văn lớn Vũ Trọng Phụng" - trích trong Vũ Trọng Phụng - Con người và tác phẩm, Nguyễn Hoành Khung và Lại Nguyên Ân biên soạn (NXB Hội Nhà văn, 1994).
Cẩn trọng, chỉn chu, có thái độ khách quan trong nghiên cứu khoa học. Khi làm chủ biên bộ sách Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945 (tập VIII, NXB Khoa học xã hội), thầy bộc lộ chính kiến: "Trước hết, khái niệm lãng mạn không phù hợp với nhiều tác giả, tác phẩm mà nó định thu gom... Sự phân biệt đối lập giữa văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán trong khu vực hợp pháp không phải luôn luôn rõ rệt, nên việc vạch ra đường ranh giới rõ rệt giữa hai dòng hiện thực và lãng mạn là không thể làm được và thực tế không có một ranh giới như vậy".
Tôi xin mượn lời của cô giáo chủ nhiệm lớp chúng tôi năm thứ 2 là PGS-TS Nguyễn Thị Bình để kính biệt: "Thầy là 1 trong những bậc đại sư đã làm nên thời hoàng kim văn khoa của Đại học Sư phạm Hà Nội, đã cho chúng tôi niềm hãnh diện vì được là học trò, là đồng nghiệp của thầy...".
"Lời thầy tích - tịch - tình - tang"
Sáng 29/8/2023 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), nhiều thế hệ sinh viên văn khoa sư phạm đã đến kính tiễn thầy về miền mây trắng. Cựu sinh viên Ngô Quốc Túy từ TP.HCM kính gửi bài thơ tiễn biệt, lấy tựa là Thu Hương - tên hiền thê của thầy. Trong bài có mấy câu: "Tiễn thầy sang cõi thiên thu/ Một thời Bảo Khánh mộng du hương trời/ [...]/ Lời thầy tích - tịch - tình - tang/ Nguyệt rằm phơi chữ, non ngàn hong trăng".