Gốm Chăm trở thành Di sản Thế giới: Cần đánh giá đúng về giá trị phi vật thể

Việc nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (ngày 29/11) khiến chúng ta hiểu rằng không gian làng nghề gốm, di sản làm gốm truyền thống của người Chăm đang đứng trước nguy cơ thoái trào, biến mất khỏi không gian sống của nó.

Và câu hỏi đặt ra ở đây: Cần nhìn nhận như thế nào về "báo động đỏ" này để cùng xây dựng và phát triển di sản nghề gốm truyền thống của người Chăm?

1. Xác định đúng giá trị cấu trúc không gian truyền thống trong bảo vệ và phát triển di sản phi vật thể nghề gốm truyền thống của người Chăm là việc tưởng dễ, mà khó. Như bao ngành nghề truyền thống khác của người Chăm, tri thức và kỹ năng nghề gốm được lưu truyền theo phương thức "mẹ truyền con nối", trong không gian bên phía người mẹ (mẫu hệ). Từ người mẹ sang con gái, thông qua thực hành, kể chuyện, yếu tố này tạo thành một không gian kết nối cộng đồng làng nghề, gắn liền với di sản phi vật thể của cộng đồng như các phong tục tập quán, lễ tục liên quan.

Gốm Chăm trở thành Di sản Thế giới: Cần đánh giá đúng về giá trị phi vật thể  - Ảnh 1.

Các sản phẩm của làng gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Ảnh TTXVN

Cấu trúc không gian sinh hoạt truyền thống của làng nghề chính là nòng cốt để bảo vệ được giá trị phi vật thể mà nghề gốm truyền thống đang nằm trong nó. Chọn cơ chế phát triển không phù hợp hoặc đánh mất đi cấu trúc không gian này chính là đánh mất giá trị phi vật thể của nghề gốm.

Gốm của người Chăm hiện nay được xếp loại vào nghề thủ công truyền thống, với chất liệu đất sét thô, khai thác tự nhiên, được chế tác bằng tay, sử dụng công cụ đơn giản mang tính ngẫu hứng, phóng khoáng trong chế tác. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ngoài trời với nhiệt độ duy trì khoảng từ 650 - 800 độ C.

Để duy trì được nghề gốm truyền thống, thì việc đánh giá tầm quan trọng về giá trị tài nguyên đất sét được dùng chế tác gốm nhằm có đề án để bảo vệ được không gian tài nguyên này là vấn đề cấp thiết và có định hướng lâu dài, song song với không gian làng nghề.

Gốm Chăm trở thành Di sản Thế giới: Cần đánh giá đúng về giá trị phi vật thể  - Ảnh 2.

Gốm Chăm dưới bàn tay của các nghệ nhân Bàu Trúc. Ảnh TTTXVN

Các sản phẩm gốm Chăm hiện nay đa phần là các sản phẩm gia dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, đồ lễ phục vụ cho lễ tục, đồ mỹ nghệ phục vụ trang trí, sản phẩm du lịch… 

Tuy nhiên, các sản phẩm đều mang giá trị kinh tế thấp, không đủ chiều kích để một làng nghề có thể "sống" được với nghề, không tạo được nguồn sinh kế bền vững cho người hành nghề, đây chính là điểm quan trọng quyết định đến nhận thức duy trì nghề truyền thống đối với thế hệ trẻ tiếp nối.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO.

2. Gần đây, các nghệ nhân trẻ trong làng nghề đã mạnh dạn hơn về phong cách sáng tác, nâng cao hơn về tay nghề và chú trọng đến các sản phẩm chất lượng hơn về nghệ thuật, tuy vậy, số lượng nghệ nhân trẻ này là còn quá ít để trở thành nòng cốt tạo nên một phong trào khuyến khích nghệ nhân trẻ duy trì với nghề.

Gốm Chăm trở thành Di sản Thế giới: Cần đánh giá đúng về giá trị phi vật thể  - Ảnh 4.

Dòng thể nghiệm sản phẩm gốm trang trí nghệ thuật của nhóm nghệ nhân trẻ

Vì vậy, cần việc đánh giá đúng giá trị sản phẩm, cùng cơ chế phát triển phù hợp với không gian làng nghề để kích thích nhận thức của thế hệ trẻ đối với nghề truyền thống.

Tính sáng tạo của nghệ nhân có sẵn bên trong, với bề dày lịch sử về nghệ thuật được tạo nên từ chất liệu đất sét như ta thấy, hiện diện thông qua các công trình kiến trúc đền tháp của người Chăm. Tuy nhiên, để kích thích được tính sáng tạo, phá rào vượt ra khỏi sản phẩm có giá trị kinh tế thấp, chỉ để phục vụ cho du lịch hiện nay, chắc chắn cần tạo được không gian sáng tạo, tăng tính kết nối, học hỏi và trao truyền, thông qua các hoạt động mang tính kết nối không chỉ thông qua nghề gốm, mà cả không gian văn hóa cộng đồng.

Gốm Chăm trở thành Di sản Thế giới: Cần đánh giá đúng về giá trị phi vật thể  - Ảnh 5.

Một buổi giao lưu thể nghiệm về gốm của nhóm nghệ nhân trẻ cùng với nghệ nhân gốm đến từ Thái Lan

Để phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa nông thôn, gắn liền với phát triển du lịch làng nghề, chúng ta không chỉ phát triển giá trị về "nghề", mà cần chú trọng đến yếu tố không gian cảnh quan của làng nghề, nơi mà cái nghề ấy được trao truyền. Thay đổi, sáng tạo trong phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống cần được xem xét phù hợp với tính truyền thống của cấu trúc không gian làng nghề, nhằm tăng giá trị bản sắc truyền thống cộng đồng để phát triển bền vững - điều hết sức quan trọng trong quá trình khai thác bảo vệ di sản.

Nghề gốm Chăm truyền thống được UNESCO ghi danh vào "Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" là điều đáng mừng, vì giá trị phi vật thể từ nghề gốm truyền thống được quan tâm đánh giá cao, góp phần tạo nên tính đa dạng văn hóa cần được quan tâm gìn giữ. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển được di sản văn hóa phi vật thể này chúng ta cần đánh giá đúng giá trị phi vật thể mà nó mang đến với cộng đồng và xã hội.

Chắc chắn, rất cần những cơ chế đặc thù riêng, phù hợp tiêu chí phát triển đối với cấu trúc không gian sinh hoạt làng nghề truyền thống mang tính kết nối cao của cộng đồng người Chăm, cũng như không gian tài nguyên phục vụ duy trì làng nghề gốm, kích thích thế hệ trẻ nhận giá trị truyền thống được trao truyền từ cộng đồng. Bởi, bảo vệ được cấu trúc không gian sinh hoạt cộng đồng mang tính kết nối cao là bảo vệ và duy trì phát triển giá trị của di sản.

5 tiêu chí giúp gốm Chăm được vinh danh

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" đáp ứng những tiêu chí sau để ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp:

Thứ nhất, di sản liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hàng ngày. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

Thứ hai, hồ sơ cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau.

Thứ ba, hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản sẽ được thực hiện trong 4 năm (2023 - 2026). Các mục tiêu của mỗi năm, các hoạt động cụ thể và kết quả dự kiến được trình bày rõ ràng trong hồ sơ. Các hoạt động bảo vệ được đề xuất bao gồm việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề.

Thứ tư, cộng đồng, các nhóm và cá nhân có liên quan đã tham gia vào quá trình đề cử bằng cách cung cấp thông tin và đóng góp vào quá trình kiểm kê. Nhiều thành viên trong cộng đồng đã tham gia vào việc quay phim và chụp ảnh quá trình làm gốm và thờ cúng tổ nghề. Hơn nữa, 354 nghệ nhân đã đồng thuận về việc đề cử di sản này vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ cho biết, du khách muốn tham gia nghi lễ thờ tổ nghề cần phải tuân thủ một số quy tắc phong tục nhất định.

Thứ năm, di sản được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và báo cáo kiểm kê Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia trên hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa. Hồ sơ cho biết việc kiểm kê di sản thu hút sự tham gia của cộng đồng ở làng Bàu Trúc và Bình Đức, phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu và trưng bày văn hóa Chăm (tỉnh Ninh Thuận) vào việc khảo sát, kiểm kê, quay phim và chụp ảnh.

Phương Lan

Jaya Thiên

Link gốc: TTVH