Khi bóng đá Việt chỉ là ‘hạng hai’ Đông Nam Á

Không lâu sau khi V-League bị đánh giá thấp hơn cả Thai League 2, đội tuyển Việt Nam cũng chính thức rớt xuống thứ hai Đông Nam Á khi bảng xếp hạng FIFA mới nhất được công bố.

1. Đó là điều đã được dự báo trước sau khi đội tuyển Việt Nam rời Asian Cup 2023 với thành tích thua trắng cả ba trận, còn Thái Lan thẳng tiến với thành tích bất bại. Bị trừ tới 41 điểm bởi 3 trận thua đó, thầy trò Philippe Troussier đã rớt 11 bậc xuống vị trí 105. Trái lại, Thái Lan tăng 12 bậc để lên vị trí 101 thế giới. Lần đầu tiên kể từ tháng 12/2017, ĐT Việt Nam rời khỏi top 100 và mất ngôi vị số một Đông Nam Á.  

Nhưng thứ hạng FIFA nhiều khi chỉ mang ý nghĩa tương đối. Ngay từ khi còn xếp dưới Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA, người Thái vẫn chứng tỏ rằng họ vẫn xứng đáng là anh cả khu vực. Hai chức vô địch AFF Cup gần nhất của Voi chiến là minh chứng rằng sự trỗi dậy của Việt Nam ở AFF Cup 2018 chỉ là sự kết tinh mang tính thời điểm. Nhìn vào thành công của Supachok Sarachat (Consadole Sapporo), Ekanit Panya (Urawa Reds), Suphanat Mueanta (OH Leuven) hay trước đó là Theerathon Bunmathan (Vissel Kobe, Yokohama Marinos), Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo) là đủ thấy năng lực cầu thủ của Thái Lan khi xuất ngoại vẫn ăn đứt Việt Nam.

Và bây giờ là ở cấp độ giải vô địch quốc gia. Thai League 2 với 18 đội với thể thức tương tự Thai League và được đăng ký cầu thủ ngoại, vẫn được trang Team.form đánh giá cao hơn V-League, giải đấu chỉ có 14 đội. Cụ thể: V-League đứng thứ 34 châu Á với 41,1 điểm, trong khi Thai League 2 xếp trên 2 bậc với 43,2 điểm. Thai League, dĩ nhiên, còn được đánh giá cao hơn, khi xếp hạng 17 với 56,3 điểm. Thực tế nếu hỏi những tuyển thủ từng thi đấu ở Thai League như Xuân Trường (Buriram) hay Đặng Văn Lâm (Muangthong United), họ cũng sẽ thừa nhận rằng chất lượng và tính chuyên nghiệp của giải đấu này xứng đáng số một Đông Nam Á.

Tiêu điểm: Khi bóng đá Việt chỉ là ‘hạng hai’ - Ảnh 1.

Thái Lan đã chính thức trở lại ngôi vị số một Đông Nam Á, đẩy Việt Nam xuống thứ hai

2. Nếu xét về độ ổn định trên băng ghế huấn luyện, Việt Nam được đánh giá cao hơn Thái Lan khi chỉ thay HLV đúng 1 lần kể từ cuối năm 2017 đến nay. Trong khoảng thời gian ấy, người Thái đã sử dụng 4 HLV ngoại, bên cạnh "người chữa cháy" Sirisak Yodyardthai.

Nhưng có một điều đáng chú ý: dù LĐBĐ Thái Lan (FAT) liên tục sa thải các HLV sau khi không đạt được thành tích như kỳ vọng thì lối chơi của đội tuyển nước này cũng không có sự thay đổi nhiều về triết lý. Cầu thủ Thái sở hữu nền tảng kỹ thuật, tư duy xử lý bóng nhanh, hiện đại, với triết lý rõ ràng về kiểm soát bóng. Đặc điểm này xuất phát từ định hướng của FAT rằng đó là lối chơi phù hợp nhất cho Voi chiến, và các HLV họ mang về cũng phục vụ cho định hướng ấy. Việc HLV Ishii thành công dù có quá ít thời gian chuẩn bị là một minh chứng. Sự phát triển của ĐT Thái Lan có tính kế thừa và ổn định.

Nó hoàn toàn khác với sự thay đổi quá đột ngột về cả triết lý bóng đá cũng như nhân sự sau khi HLV Troussier tiếp quản chiếc ghế mà người tiền nhiệm Park Hang Seo để lại. Nhà cầm quân người Pháp đã quá mải mê với thứ triết lý kiểm soát bóng của mình mà thiếu đi sự uyển chuyển cần thiết. Và sự máy móc ấy đã khiến chúng ta nhận những bài học đắt giá. Tương tự là những thay đổi về mặt nhân sự khiến người ta có cảm giác ông Troussier chỉ thích sử dụng cầu thủ trẻ mà ghẻ lạnh những cựu binh vốn vẫn còn ở độ chín của sự nghiệp. Niềm tin vào ông Troussier đang lung lay dữ dội. Và nếu ông vẫn không chịu thay đổi, thì khả năng mất ghế sớm là hoàn toàn có thể xảy ra.


Tuấn Cương

Link gốc: TTVH