Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Mọi lứa tuổi, cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên'

Nguyễn Văn Học là tác giả viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, ký, tản văn và truyện ngắn… với những trang viết đẫm vị nhân sinh. Vài năm gần đây, học sinh đã được biết đến nhà văn Nguyễn Văn Học qua đoạn trích tản văn Bài học từ cây cau trong sách Ngữ văn 7, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo. Tác phẩm này được viết năm 2020, in trên báo Quân đội nhân dân, trước khi đến với sách giáo khoa.

Ở mỗi thể loại, người đọc dường như thấy được một nét khác nhau của Nguyễn Văn Học. Với tiểu thuyết, thấy anh gai góc; với tản văn, thấy anh mềm mỏng, thơ mộng; với truyện ngắn, thấy anh chặt chẽ, gai góc.

Bảo lưu những điều đẹp đẽ

* Anh viết tản văn "Bài học từ cây cautrong hoàn cảnh nào?

- Những năm qua, tôi quan tâm đến vấn đề môi trường và dành nhiều cảm xúc, thời gian của mình để gần thiên nhiên nhất, đặc biệt là đối với các loài hoa, các loài cây. Gần để đối diện, chuyện trò, để được ở giữa thiên nhiên và nền trời, lắng nghe và thấu hiểu hơn thiên nhiên, yêu cây cối cỏ hoa hơn.

Nếu nói về hoàn cảnh, thì phải dẫn ra cả một quá trình, là trong cảm nhận của tôi, thiên nhiên, cây cối đang bị tàn phá. Những hình ảnh đẹp như hàng cau, vốn là 1 trong những biểu tượng đẹp của làng quê đã dần bị mai một vì đô thị hóa.

Tôi đặt tên bài viết làTrò chuyện với hàng cau, ý nói là con người bình đẳng, ngang hàng, tôn vinh cây cối. Tản văn được in trên báo Quân đội nhân dân, sau khi chọn in vào sách Ngữ văn 7, ban biên soạn đã đổi tên thành Bài học từ cây cau.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Mọi lứa tuổi, cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên' - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Văn Học

* Khi viết, anh có bị lấn cấn với cảm giác rằngđề tài này đã có nhiều người viết rồi không?

- Phải nói là tất cả các khía cạnh, đề tài của đời sống đều đã có người viết. Chỉ có điều, mỗi người viết với một tâm thế, cảm xúc khác nhau, có lối diễn đạt khác nhau.

Với bài Bài học từ cây cau, tôi khẳng định là mình đã viết không giống ai, viết theo cách mà con người cần phải đối diện, ứng xử với thiên nhiên, khám phá thiên nhiên theo lối cộng sinh, để tìm ra những điều đẹp đẽ, kỳ diệu của cây cau.

Đứng trước cây cau, các thành viên trong gia đình đều nhận ra vẻ đẹp riêng của nó. Mỗi người đều thấy cây cau "nói" với mình những điều khác, chứ không ai giống ai. Tức là, với mỗi người, thiên nhiên sẽ nói một cách khác, mỗi thành viên "thấy" ở cây cau những điều khác nhau. Cũng như con người, mỗi người có cá tính, sự sáng tạo riêng mà chẳng ai giống ai.

Viết về cây cauvới vẻ đẹp và với giá trị trong quang cảnh làng quêlà điều nhiều người đã viết rất nhiều rồi. Vì vậy, nếu tôi không viết hay hơn, viết khác đi, thì chưa chắc đã được in báo, chứ đừng nói đến chuyện được chọn in vào sách giáo khoa.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Mọi lứa tuổi, cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên' - Ảnh 2.

* Vậy anh hình dung thế nàokhi tác phẩm nàyđến với các em học sinh?

- Tôi viết tác phẩm này không chỉ dành riêng cho lứa tuổi học sinh, mà là dành cho mọi lứa tuổi. Bởi bản thân tôi thấy, cây cau và những cảm xúc xung quanh nó đều có thể khơi gợi những giá trị nhân văn, giản dị trong cuộc sống này. Trò chuyện với cây cau cũng là trò chuyện với chính mình, để sống sáng tạo, sống lưu giữ ký ức, cũng như những điều thật đẹp và gần gũi trong cuộc sống này.

Trong cuộc sống này, không chỉ trẻ em mà cả người lớn nữa, nói chung mọi lứa tuổi cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên, bảo lưu điều đẹp đẽ và thân thương, bởi chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, lan tỏa tinh thần nhân ái ấy.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Mọi lứa tuổi, cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên' - Ảnh 3.

Trang sách “Bài học từ cây cau”

* Sống trong một cuộc sống rất tiện nghi và những mảng xanh thiên nhiên dần ít đi, anh sẽ nói gì về chất lượng cuộc sống nói chung và chất lượng cảm xúc nói riêng của thế hệ trẻ hôm nay?

- Giới trẻ hôm nay được hưởng cuộc sống no đủ, có công nghệ là phương tiện, nhưng lại thiệt thòi hơn giới trẻ trước đây. Bây giờ dù được tiếp cận nhiều với điện thoại thông minh, máy tính, nhưng các em ít được gần thiên nhiên, không được trải nghiệm vẻ đẹp giản dị, cảnh quan thiên nhiên gần gũi, vì nhiều nơi đã ô nhiễm hoặc bị mất đi do đô thị hóa. Các em càng không được trải nghiệm những trò chơi ấu thơ, bởi thế nhiều em không biết đến tuổi thơ là như thế nào. Nên cảm xúc sống, chất lượng sống có bị thua thiệt so với trước đây hay không là tùy mỗi người.

Nhưng vớiriêng tôi, khi mất cảm xúc sống, con người sẽ vơi dần lòng nhân ái, vị tha, sự yêu thương những điều giản dị. Khi đó, trẻ em sẽ khó chia sẻ hơn với người lớn, càng khó chia sẻ hơn với thiên nhiên.

* Anh đã cùng con cái và các cháu bé họ hàng của mình đã gắn kết với thiên nhiên theo cách nào?

- Tôi vẫn có vùng quê hương của mình, có ngôi nhà, ngôi vườn, có những bờ đê, hàng cây. Đó là nơi con cái tôi, các cháu tôi được đắm mình, được trải nghiệm, "trò chuyện" với cây cối và thiên nhiên.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Mọi lứa tuổi, cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên' - Ảnh 4.

Tập truyện ngắn "Miền thánh đợi"

Tin vào những điều tuyệt đẹp mà kinh bổn dạy

* Những tản văn mềm mại và những trang văn có phần gai góc, chua cay khi miêu tả hiện thực cuộc sống, đâu mới là kiểu văn chương đích thực của anh?

- Tôi có thể viết những câu văn gai góc, chứ không chua cay đâu. Tôi thuộc tuýp nhà văn viết hiện thực, dù biên độ sáng tác có tỏa thêm theo lối huyền ảo, thì chung quy lại vẫn là hiện thực.

Những năm gần đây tôi còn quan tâm nhiều đến đề tài môi trường sinh thái, lấy cây cối, thiên nhiên là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết.

Và tôi viết với tinh thần nhân ái, nhân văn, với chất suy nghiệm đời sống sâu xa, lắng nghe đời sống để nghĩ về sự sáng tạo, làm sao để sáng tạo tốt hơn, góp phần cho đời sống này đẹp hơn, chứ không viết ám chỉ, hằn học, chua cay. Cuộc sống đã có quá nhiều bất trắc, nên ngòi bút của nhà văn là phải lan tỏa lối sống tích cực, nhân ái, để ngay cả những cái cây cũng biết yêu thương.

* Một thời lăn lộn đủ kiểu với cuộc sống cho cuộc mưu sinh của mình, điều gì đã giữ chàng thanh niên Nguyễn Văn Học không nhuốm chất "bụi đời"?

- Đó là niềm khát khao sống, niềm lạc quan yêu đời. Thêm nữa, đó còn là bản lĩnh tránh xa cám dỗ, cạm bẫy, để mình là mình. Để mình có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Đức tin, tôn giáo có ý nghĩa gì với anh trong cuộc sống cũng như trong sáng tác?

- Tôi theo đạo Công giáo, nên hằng tin ở những điều thiện lành, điều tốt đẹp. Tôi tin đạo, có nghĩa là tôi muốn sống theo những điều tuyệt đẹp mà kinh bổn chỉ dạy. Tin để biết sợ và tránh xa cái xấu, cái tội lỗi, thấp hèn. Tin để tôi cũng yêu con người và thiên nhiên hơn. Tin để có những ứng xử chuẩn mực, vơi bớt cái ích kỷ, thấp hèn. Tin để nỗ lực hơn trong sáng tác, càng khẳng định được rằng chẳng có điều gì tự đến, nếu ta không dấn thân, tích cực sáng tạo và làm tốt phận sự của mình.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Mọi lứa tuổi, cần lưu giữ ký ức và thiên nhiên' - Ảnh 5.

Tiểu thuyết "Đắm bầy virus"

* Trong một bài báo, anh từng nói "Văn chương xoa dần tổn thươngxã hội", liệu có mơ mộng quá không?

- Tôi xin dẫn lại trọn ý này: "Với tôi, văn chương là phương thuốc để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khát khao, cống hiến, biết yêu đồng loại, đau trước nỗi đau của đồng loại và chịu trách nhiệm về bản thân mình".Như thế chẳng có gì mơ mộng đâu.

Trước hết, văn chương là đời sống. Văn chương đi vào trang sách, lên phim ảnh, trở thành sự đồng hành của không ít người. Với tính năng của mình, văn chương có thể lan tỏa lòng nhân ái, tạo ra những bài học và đồng cảm với nhiều người đang có tâm sự, nỗi niềm, thậm chí là nhờ văn chương, người ta có thể muốn tích đức, bớt tham sân si.

* Anh nghĩ gì về các giải thưởng văn chương?

- Giải thưởng văn chương là sự ghi nhận, khích lệ rất tốt cho người cầm bút. Qua các giải thưởng, cuộc thi, người viết được khích lệ, có môi trường, có sân chơi để sáng tác, trải nghiệm, đúc rút kinh nghiệm và tìm ra thế mạnh của mình để viết tốt hơn, hay hơn, gần gũi bạn đọc hơn.

Trung bình mỗi năm tôi nhận một giải thưởng văn chương hoặc báo chí. Dù là nhỏ thôi, nhưng cũng rất vui.

* Sáng tác anh đang viết là gì?

- Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết về đề tài tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là đề tài mới, dường như chưa có người động chạm tới và đang là một thử thách đối với tôi.

* Cảm ơn anh!

Sức viết dồi dào


Nguyễn Văn Học sinh năm 1981 tại Hà Nội. Tốt nghiệp K8, Khoa Sáng tác, lý luận, phê bình văn học (Đại học Văn hóa Hà Nội). Viết văn từ khi còn học phổ thông. Hiện đang làm việc tại báo Nhân dân. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.


Anh đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 17 tập truyện ngắn, 11 tập ký và 7 tập tản văn.Một số tác phẩm xuất bản gần đây được nhiều người biết đến, như các tập truyện ngắn Miền thánh đợi, Gieo mây, Những bức thư gửi về tuổi thơ…, các tiểu thuyết Vết thương hoa hồng, Linh điểu, Đắm bầy virus…, cáctản văn Hỏi sông bao nhiêu tuổi, Hà Nội rong ruổi thanh xuân, Chạm tay vào cánh chim trời

(Còn tiếp)

An Hiên (thực hiện)

Link gốc: TTVH