Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo'

 Thật bất ngờ khi thấy tên Phạm Duy Nghĩa dưới một mẩu viết ngắn có tựa Hoa thắp lửa trong sách Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo. Bất ngờ là vì anh trước nay không được biết đến như là một nhà văn viết cho thiếu nhi.

Từ những cơ duyên không định trước, nhà văn của những trang viết đôi khi mơ mộng, đôi khi khốc liệt, đôi khi siêu thực… đã đến với độc giả nhí bằng những mẩu viết ngắn. Hoa thắp lửa là 1 trong 12 mẩu truyện mà NXB Giáo dục đã đặt tiến sĩ - nhà văn Phạm Duy Nghĩa viết khi biên soạn sách Truyện đọc phát triển năng lực đọc hiểu và kể chuyện, lớp 3, sau đó nhóm biên soạn bộ Chân trời sáng tạo chọn đưa vào Tiếng Việt 3.

Từ nhà giáo đến nhà văn

Hoa gạo là một hình ảnh thường thấy trong sáng tác của các cây viết phía Bắc. Phải chăng, Phạm Duy Nghĩa cũng không nằm ngoài, khi chọn một hình ảnh thiên nhiên để nói lên ý tứ của mình thì hoa gạo đã xuất hiện trong đầu anh?

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo' - Ảnh 1.

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa

Anh kể rằng có 2 loài hoa gây ấn tượng với anh là hoa gạo và hoa cải vàng. Thế nên, khi muốn viết về sự liên kết của con người với thiên nhiên, hoa gạo và hoa cải đã xuất hiện trong sáng tác của anh một cách rất tự nhiên.

Mẩu truyện Hoa thắp lửa được viết như một lời nhắc đến các em học sinh về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, một tình cảm thật khó giải thích, để từ đó chúng ta sẽ yêu thiên nhiên nhiều hơn.

Từ ngày xưa, con người đã xem cây cối là bạn thân của mình, thậm chí là một thành viên trong gia đình. Người ta thường sơn vôi trắng vào thân cây trước nhà để chúng "mặc áo mới" vào mỗi dịp Tết đến và khi trong nhà có người mất thì họ treo dải khăn trắng cho cây cối để tang. Dân gian tin rằng, khi trong nhà có chuyện buồn thì cây cối cũng theo đó mà héo úa.

Nếu không thấy cái tên kèm theo thì khó có thể hình dung một nhà văn với những truyện ngắn "nặng trình trịch" lại chính là tác giả của những mẩu truyện như Hoa thắp lửa, Quả địa cầu, Mùa Thu ở vùng hồ…Mà mỗi năm anh còn đều đặn viết 20 mẩu truyện theo "đơn đặt hàng" của NXB Giáo dục.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo' - Ảnh 2.

"Tôi không phải là nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi, nhưng có lẽ 11 năm là thầy giáo dạy ở Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và sau này vẫn thường thỉnh giảng ở khoa giáo dục tiểu học của các trường sư phạm, nên được đặt hàng viết cho học sinh tiểu học".

Lý do nghe khá hợp lý, anh hiểu tâm lý lứa tuổi này. Có thể xem anh viết những mẩu truyện ấy như viết giáo trình dạy học của một cây viết chuyên nghiệp. "Khi viết những mẩu truyện cho học sinh, tôi là một nhà văn mang tâm hồn thầy giáo" – Phạm Duy Nghĩa bộc bạch.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo' - Ảnh 3.

Mẩu truyện “Hoa thắp lửa” trong SGK “Tiếng Việt 3”

Nuôi dưỡng trẻ nhỏ bằng tác phẩm ưu tú

Thắc mắc rằng vì sao đã đến với học sinh bằng những mẩu truyện đã đăng, Phạm Duy Nghĩa lại không nghĩ đến việc viết truyện ngắn hoặc truyện dài cho thiếu nhi?

"Viết cho thiếu nhi rất khó, bạn phải hóa thân thành trẻ con hoặc có một tâm thế của trẻ thơ. Vì vậy, có người hợp có người không. Văn học thiếu nhi không phải là địa hạt mà ai cũng có thể ở đó" - Phạm Duy Nghĩa chia sẻ.

Hiện tại, anh đang ở "địa hạt" khác và quan tâm tới những đề tài khác, thay vì viết cho thiếu nhi. Nhưng biết đâu được, người đàn ông lập gia đình muộn màng này trong tương lai sẽ sẵn sàng tâm thế của một đứa trẻ để viết cho những đứa trẻ khác?

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo' - Ảnh 4.

Phạm Duy Nghĩa tham gia viết sách “Truyện đọc phát triển năng lực đọc hiểu và kể chuyện” (lớp 3)

Chuyện người viết là thế, nhưng chuyện người đọc thì khác, anh cho rằng mọi đứa trẻ đều nên được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những tác phẩm văn học ưu tú. Thuở bé, anh đã miệt mài với những tác phẩm thiếu nhi kinh điển của thế giới và Việt Nam như Không gia đình, Con Bim trắng tai đen, Hoàng tử tí hon và chú bé nghèo khổ, Những tấm lòng cao cả, Dế mèn phiêu lưu ký…Anh nhận ra: "Nếu không đọc những tác phẩm ấy, không biết giờ đây tôi sẽ trở thành người như thế nào".

Anh vẫn nhớ như in những mùa Hè của cậu bé mục đồng tên Nghĩa, khi trên cành cây, khi ngoài cánh đồng lang thang cùng những trang sách, để rồi "Mùa của mơ mộng và tưởng tượng. Mùa của riêng tư" - chữ Phạm Duy Nghĩa dùng trong một trang viết tự sự của mình - đã trở thành kỷ niệm dịu ngọt trong anh. Nhìn về tuổi thơ của mình, nhà văn nói thêm: "Tôi tin rằng con cái chúng ta cũng vậy, sẽ nhờ đọc những cuốn sách văn học ưu tú dành cho thiếu nhi mà trở nên tốt hơn".

Phạm Duy Nghĩa thường nhấn mạnh cụm từ "tác phẩm văn học ưu tú" khi anh nói về sáng tác cho thiếu nhi. Vì là Phó Tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ quân đội, luôn quan sát đời sống của văn học thiếu nhi đương thời, thấy nhiều tác phẩm xuất hiện, nhưng tìm tác phẩm ưu tú thì không phải dễ dàng. Vậy nên, sách bây giờ không hiếm, nhưng việc đọc sách của trẻ emthì cần có sự hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô.

"Tôi tin rằng con cái chúng ta cũng vậy, sẽ nhờ đọc những cuốn sách văn học ưu tú dành cho thiếu nhi mà trở nên tốt hơn" - nhà văn Phạm Duy Nghĩa.

Những trang viết không khoan nhượng

Phạm Duy Nghĩa nói rằng, tạng của anh là viết chậm, viết kỹ. Quả vậy, đọc các sáng tác của anhcó cảm giác nhưtác giả có thể kiệt sức sau mỗi truyện ngắn. Mỗi trang viết đều được dụng công nhiều, các tình huống được đẩy đến tận cùng, viết không khoan nhượng về những mâu thuẫn, cũng như về tính dục…

Giải thích về việc mình viết ít, Phạm Duy Nghĩa đưa ra những lý do rất rõ ràng: "Thứ nhất, tôi quan niệm "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Thứ 2, tôi khá bận và lại không thể viết trong lúc đang bộn bề công việc, đó cũng là một hạn chế của tôi. Thứ 3, vốn sống của tôi có hạn, mà tôi là kiểu nhà văn "sống rồi hãy viết".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo' - Ảnh 6.

Tập truyện ngắn "Người bay trong gió xanh"

Anh viết chậm, nhưng ra cuốn nào là chắc cuốn đó. Tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh (đoạt giải thưởng duy nhất của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2022) cho thấy anh đang ở độ thấm sâu của một tay viết chuyên nghiệp, ranh giới của kỹ thuật dẫn dắt và cảm xúc của câu chuyện đã hòa quyện vào nhau. Phạm Duy Nghĩa luôn đưa người đọc đến tận cùng cái bức bối, rồi được đập vỡ tan, mà thở phào.

Ví dụ như Sài thục, một truyện ngắn mang đầy tính ẩn dụ và triết lý. Cái khốc liệt giữa những va chạm văn hóa trong truyện đã được đẩy đến ngưỡng cuối của nó. Một người chồng bảo thủ với nếp nhà bao nhiêu đời được nuôi lớn từ cây sài thục mà từ chối tất thảy các loại lương thực khác. Một người vợ chống đối tới cùng bằng cách tuyệt thực với sài thục - một món ăn mang đậm tính gia phong mà chị không cách nào nuốt nổi nữa. Hai con người quyết liệt gặp nhau, xung đột liên tục xảy ra, mọi thứ vụn vỡ, cái mới được hình thành và sự hình thành nào cũng có hy sinh.

Bạn đọc cũng sẽ gặp một bức bối khác trong truyện ngắn Gió xanh. Một ngọn gió có màu thổi qua đã biến đổi một ngôi làng, ở đó con người đã trở nên tốt tuyệt đối. Một cuộc sống mà mọi thứ đều trở nên tốt đẹp thì thật kỳ dị, như thể khi đó con người không còn lý do gì để sống nữa, rốt cuộc, họ lại cần một ngọn gió không màu - ngọn gió trong sạch để trả cuộc sống về với bản chất vốn có của nó là đầy rẫy cái xấu và rất nhiều cái tốt.

Điểm qua vài truyện ngắn để thấy sự thú vị với các sắc thái trong những trang viết của anh: Đôi khi mơ mộng, đôi khi khốc liệt, đôi khi siêu thực… tưởng rằng lạnh lùng, mà thấm đẫm cái tình. Đoán rằng sẽ có nhiều bạn đọc nóng lòng vì nhà văn mình yêu thích ra sách chậm quá. Nhưng như vậy mới là Phạm Duy Nghĩa mà chúng ta đang thấy.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Phạm Duy Nghĩa: 'Khi viết cho học sinh, tôi mang tâm hồn thầy giáo' - Ảnh 8.

Truyện ngắn "Cơn mưa hoa mận trắng"

Trước khi trở thành nhà văn, Phạm Duy Nghĩa là thầy giáo ở tỉnh Lào Cai. Đây là giai đoạn anh vừa đi dạy vừa viết văn, cảm hứng thường có từ các chuyến đi lên bản làng vùng núi cao. Truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng của anh được trao giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 2003-2004 ra đời trong thời gian đó. Năm 2008, anh chuyển công tác về Hà Nội, làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ đó đến nay, anh làm nhiều việc cùng lúc: Làm báo, viết văn và thỉnh giảng ở một số trường đại học.

Vài nét về Phạm Duy Nghĩa

Phạm Duy Nghĩa sinh năm 1973 tại Yên Bái. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện là Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội.

Các tác phẩm tiêu biểu: Cơm mưa hoa mận trắng, Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, Người bay trong gió xanh…

Các giải thưởng chính: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 2003-2004; Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 2006; Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 2012; Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương 2010-2012; Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương 2015; Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2022…

(Còn tiếp)

Lâm Hạnh

Link gốc: TTVH