Nhạc sĩ Quốc Dũng - 'Xa vắng rồi, nỗi đau xanh ngời'

Nhạc Việt đại chúng lại vừa mất đi một người nhạc sĩ tài ba, tác giả của nhiều ca khúc đồng hành cùng bao thế hệ khán giả: Nhạc sĩ Quốc Dũng! Chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay" kỳ này xin dành một số đặc biệt để nói về ông và những ca khúc để đời.

Sáng Chủ nhật rồi, do bận việc, tới trưa tôi mới vào mạng và bất ngờ đọc dòng trạng thái của nhạc sĩ Nhật Trung về việc anh cùng đồng nghiệp chưa kịp tổ chức một đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Quốc Dũng. Vội vào trang cá nhân của danh ca Bảo Yến vợ ông, được biết nhạc sĩ Quốc Dũng đã từ giã cõi tạm vào lúc 9h sáng (24/9), thật buồn!

Tiếng Việt phong phú trong "Đường xưa"

Nói thế nào nhỉ? Dẫu đã gặp trong lần nhạc sĩ Quốc Dũng cùng vợ và con trai ra Hà Nội biểu diễn, dẫu có trò chuyện trong một không gian đông người, nhưng để người viết thực sự có một cuộc trò chuyện riêng đúng nghĩa với ông thì chưa. Dù vậy, với tôi, đã từ rất lâu, ông như người bạn thân thiết trong tâm hồn.

Nhạc sĩ Quốc Dũng - 'Xa vắng rồi, nỗi đau xanh ngời' - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bất ngờ xuất hiện trong đêm nhạc “Đường xưa” của nhạc sĩ Quốc Dũng vào tháng 9/2015 tại Hà Nội

Nhớ lại câu chuyện cách đây gần 20 năm, khi mua máy tính về, sẵn có list nhạc đã cài đặt sẵn từ nhà cung cấp, trong vô số bài hát, tôi ấn tượng với cái tên ca khúc lạ: Đường xưa, ca sĩ thể hiện cũng lạ: Đăng Minh. Tôi click chuột vào, điệu valse, tốc độ khá nhanh trào ra. Nét giai điệu quá đẹp quyện vào nhịp điệu valse uyển chuyển,cuốn tôi vào dòng cảm xúc trước một giọng hát nam, âm khu khá cao, chất giọng tình cảm, hát như rút từng khúc ruột: "Rồi ta sẽ bước chới với khi người khuất xa chân trời/ Sẽ hấp hối trong đêm mù khơi/ Sẽ thấy bóng tối vây từng nỗi đau xanh ngời/ Xa vắng rồi những khi bên người…".

Lạ! Lạ từ nhiều yếu tố. Một ca khúc với màu sắc âm nhạc như pha trộn giữa nhạc trẻ với nhạc tình buồn, với những ca từ vừa buồn đến não nề, vừa tạo nên những niềm hứng khởi. Đang trong tâm trạng một người vừa chia xa một cuộc tình vẫn còn nhớ thương da diết những lời "hẹn thề xưa êm ấm", rồi "những trưa Hè tình dâng đắm say vô bờ". Ấy vậy mà "đã không còn đường xưa thơm nắng môi em hồng. Tan nát rồi giấc mơ hương nồng". Và rồi, nỗi nhớ cứ lặp lại: "Xót xa này từng đêm thao thức em đong đầy. Đêm vẫn là những đêm hao gầy".

Nhưng niềm hy vọng vẫn còn đấy, bởi con người dù đã chia hai lối nhưng tâm hồn vẫn không chia xa: "Rồi anh sẽ thấy thấp thoáng bao lần tóc em bay dài/ Thấp thoáng dáng yêu thương ngày mai. Với những tiếng hát yêu người thiết tha mơ màng". Câu kết của ca khúc, "ta gói trọn giấc mơ phai tàn", dường như là một sự an ủi mà tác giả dành cho chính mình.

Một phần lý do tôi như bị cuốn theo thế giới của Đường xưa chính là nó đúng với tâm trạng của mình trong thời điểm đó, chới với và chơi vơi. Cho nên, cứ nghe nó như trong vô thức, nghe như để tự an ủi chính mình, để quên đi những vấn vương không còn trong tầm tay…

Thú thật, lúc nghe chỉ biết trôi theo dòng cảm xúc, không nghĩ tới những tiểu tiết nằm trong ca khúc. Sau này rất lâu, trong một cuộc trò chuyện, một người bạn tôi có thắc mắc tới từ "tơi bời" để dùng chỉ nỗi nhớ. Tôi mới giật mình, cách sử dụng từ quá hay. Tác giả (Quốc Dũng và Nguyễn Đức Cường) có vốn từ vựng tiếng Việt phong phú. Họ sử dụng những từ không thực sự phổ cập vào trong tác phẩm âm nhạc nhưng lại đạt được hiệu quả rất cao.

Chẳng hạn như từ "tơi bời", thoạt nghe có vẻ không "mỹ miều" lắm, không phù hợp cho một ca khúc gắn với tình yêu lãng mạn. Tìm trong hàng loạt ca khúc Việt, có 2 tác phẩm sử dụng. Một là Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương, ông có sử dụng trong phần kết bài: "Biết bao là nhớ tơi bời". Và tác phẩm thứ 2, chính là Đường xưa. Tra Từ điển Tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên,từ "tơi bời" có nghĩa là tả tơi không còn ra hình thù gì nữa, do bị tàn phá mạnh mẽ và dồn dập. Như vậy, "tơi bời" trong Đường xưa, là một cách dùng hình tượng để diễn ta nỗi đớn đau khôn xiết.

Nhạc sĩ Quốc Dũng - 'Xa vắng rồi, nỗi đau xanh ngời' - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến thời trẻ - những năm 1980

Đáng chú ý, trong Đường xưa không chỉ có riêng "tơi bời" mà còn nhiều tính từ tạo cảm giác"mạnh" khiến khán giả lập tức nhớ ngay sau khi nghe như "tan nát" đặt trong ngữ cảnh của câu hát "Tan nát rồi giấc mơ hương nồng", hay "chới với" đặt trong câu hát: "Rồi ta sẽ bước chới với khi người khuất xa chân trời".

Dường như, việc sử dụng các tính từ thể hiện một trạng thái đã lên tới mức đỉnh điểm là thủ phápkhá thú vị mà tác giả dùng để diễn đạt tâm trạng đớn đau với một cuộc tình đã chia xa, khi chúng  nằm trong ngữ cảnh đầy đủ của câu hát. Một  bên là "tan nát" - một bên là "giấc mơ hương nồng"; một bên là "tiếng yêu ngày nào" - một bên là "cho anh nhớ em tơi bời"…

Sự ngọt ngào trong khổ đau, làm cho nỗi đau càng đau hơn. Đau đấy nhưng trên đường đời vẫn hiện hữu "thấp thoáng dáng yêu thương ngày mai" và "với những tiếng hát yêu người thiết tha mơ màng" như giúp người trong trạng thái ấy dịu đi phần nào. Cách gọi tên nỗi đau của mình là "nỗi đau xanh ngời" cũng lạ và thú vị. Sự mâu thuẫn, tương phản, đau khổ nhưng không bế tắc trong thế giới nội tâm là yếu tố khiến Đường xưa trở thành bạn của nhiều tâm hồn đang yêu và từng có những mất mát trong tình yêu.

"Phải nói, viết một ca khúc để dành tặng người mình yêu, viết về chính người mình yêu, về cuộc tình của mình, có lẽ Quốc Dũng trong Bài ca Tết cho emlà hoàn hảo" - nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Tình yêu và suy tư

Trong tình yêu với người vợ - nữ danh ca Bảo Yến - nhạc sĩ Quốc Dũng cũng đã để lại cho cuộc đời một tuyệt phẩm dành cho lứa đôi: Ca khúc Bài ca Tết cho em. Ca khúc được ông sáng tác năm 1982 khi tình yêu giữa chàng nhạc sĩ tài hoa và cô ca sĩ nổi tiếng đã bắt đầu chớm nở.

Phải nói, viết một ca khúc để dành tặng người mình yêu, viết về chính người mình yêu, về cuộc tình của mình, có lẽ Quốc Dũng trong Bài ca Tết cho em là hoàn hảo. Trong con mắt của ông ở thời điểm đó, người yêu của ông là cả một bầu trời.

Nhạc sĩ Quốc Dũng - 'Xa vắng rồi, nỗi đau xanh ngời' - Ảnh 4.

Vợ chồng nhạc sĩ Quốc Dũng - danh ca Bảo Yến

Người Việt ta từ xa xưa, vui nhất trong năm, háo hức mong đợi nhất trong năm là những ngày Tết. Trong những ngày này của Tết xưa, tiếng pháo nổ rộn ràng, những kẹo mứt, những mâm cỗ đầy và niềm vui sum họp gia đình, bạn bè, chơi Xuân… khiến cho niềm vui càng thêm vui.

Ấy vậy mà với chàng nhạc sĩ đang trong cơn men say tình yêu, tất cả mọi thú vui ngày Tết đều không cần đến nữa. "Tết này anh không thèm kẹo mứt" bởi "Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng". "Tết này anh không thèm đốt pháo", lý do là bởi "vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi". "Tết này anh không thèm chơi đánh bài" bởi "vì trong vòng tay anh đã có em ngọc ngà". "Tết này anh cũng chẳng chơi hoa" bởi "vì môi em cười như chứa cả vườn Xuân". Chưa hết, "Tết nay anh không thèm đi chơi, cine hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu", lý do cũng là bởi "vì đã có em đem lại mộng đời. Tô thêm vào lòng người, chan chứa mọi nguồn vui"…

Nghe nói, Bảo Yến đã rất xúc động khi đón nhận Bài ca Tết cho em. Và chính ca khúc này góp phần tăng thêm tình cảm của chị dành cho nhạc sĩ. Sau đó 1 năm, năm 1983, nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến nên duyên vợ chồng.

Còn với cuộc đời, Bài ca Tết cho em nhanh chóng được công chúng đón nhận. Bên cạnh tiếng hát Bảo Yến, ca khúc này còn được nhiều giọng catên tuổi như Đình Văn, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê… thể hiện, nối dài sự lan tỏa đến với đông đảo khán giả trong nước và hải ngoại, ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Nhạc sĩ Quốc Dũng - 'Xa vắng rồi, nỗi đau xanh ngời' - Ảnh 5.

Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Nhắc đến Quốc Dũng, khán giả còn say đắm với những câu hát trữ tình nội tâm trong ca khúc Em đã thấy mùa Xuân chưa, những giai điệu trẻ trung sôi động trong ca khúc Điệp khúc mùa Xuân

Một trong những ca khúc khác nữa rất phổ biến của nhạc sĩ Quốc Dũng là Chuyện hợp tan. Ca khúc có bố cục gọn gàng có thể chia thành 4 khổ, trong đó, khổ thứ 3 như sự phát triển, các khổ còn lại sự khác nhau ở phần lời ca. Ca khúc mở đầu như lời tự sự của chính tác giả: "Đêm nay lặng lẽ sương mù về giăng trên mảnh tình quê/ Có ai để buồn chất chứa sơn khê/ Có nhịp đàn lưu luyến con đường đê/ Anh ơi có hay khi nước mắt bây giờ đang rớt mau/ Khi tiếng hát hôm nào thôi vút cao/ Lòng bỗng thấy vương nặng bao nỗi sầu".

Điểm khá đặc biệt, khổ nhạc thứ 3 tựa như phần điệp khúc của bài. Trong nhiều ca khúc, phần điệp khúc sẽ có giai điệu ở âm khu cao, như sự giải phóng âm nhạc, hoặc có vai trò là cao trào của tác phẩm. Ở đây, giai điệu lại ở âm khu thấp, có sự thay đổi trong mạch âm nhạc, không tạo nên cao trào nhưng rất hiệu quả: "Vì đời còn những nhánh sông xa gần thác nguồn/ Vì đời còn những bước chân miệt mài ngõ hoang/ Để rồi mình ta âm thầm từng chiều vắng/ Nghe tim mãi mơ màng chuyện hợp tan".

Yêu thương nồng cháy, hạnh phúc có, khổ đau cũng có, nội tâm đầy những mâu thuẫn… Có một Quốc Dũng nhiều trạng thái. Ta cảm nhận được tâm hồn của ông: Luôn miên man trôi theo những cảm xúc buồn, sự chiêm nghiệm nhưng không bế tắc. Thế giới tâm hồn của nhạc sĩ Quốc Dũng có lẽ thuộc về những suy tư.

Vài nét về nhạc sĩ Quốc Dũng

Nhạc sĩ Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 3 tuổi ông theo gia đình về Việt Nam sinh sống.

Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, từ trước năm 1975 cho đến hiện nay. Ông hoạt động trong lĩnh vực: Sáng tác ca khúc, nhạc sĩ hòa âm và nhạc công thể hiện thành thạo nhiều nhạc cụ, ca sĩ, biên tập - nhà sản xuất âm nhạc.

Nhạc sĩ qua đời ngày 24/9/2023 tại TP.HCM.

Nguyễn Quang Long

Link gốc: TTVH