Từ phòng trà ca nhạc đến quán cà phê nhỏ

Hiện nay, đời sống âm nhạc ở TP.HCM đang diễn ra vô cùng đa dạng, sôi động có, lặng lẽ có. Vài năm trở lại đây, xuất hiện thêm chuyện ca sĩ chuyên nghiệp hát ở các quán cà phê nhỏ, nhưng được thiết kế đẹp và duyên dáng.

Không chỉ hát các đêm cuối tuần, mà vài quán còn hát cả buổi sáng sớm hoặc buổi chiều, với đủ thể loại âm nhạc. Tuy là các tụ điểm rất nhỏ về diện tích, nhưng ban nhạc khá chuyên nghiệp, nên cũng được ưa chuộng.

Hát vì đam mê

Vài năm trở lại đây, sân khấu ca nhạc và phòng trà đã thu hẹp. Tính riêng tại TP.HCM hiện nay, phòng trà đúng nghĩa, có đầu tư đúng mức, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, ví dụ Đồng Dao, Không Tên... Những ca sĩ được mời hát ở đây, phần nhiều đã là những ngôi sao hoặc đã có tên tuổi nhất định đối với công chúng.

Từ phòng trà ca nhạc đến quán cà phê nhỏ - Ảnh 1.

Ca sĩ Nguyễn Huyền Giang

Ngược lại, đời sống âm nhạc có một sự dịch chuyển khá thú vị, đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những không gian âm nhạc có quy mô khiêm tốn hơn phòng trà về sự đầu tư cơ sở vật chất, số ghế ngồi. Đó là không gian cà phê, hoặc là nơi bán ăn uống, nhưng có chỗ để cho người yêu nhạc thưởng thức. Tại đó, hầu như không có ca sĩ ngôi sao, những nghệ sĩ trình diễn chỉ là những gương mặt quen thuộc trong một cộng đồng nhỏ hẹp, nhưng khá bài bản, có nghề. Nên chất giọng và trình độ biểu diễn chinh phục được nhiều khán thính giả khó tính.

Nhiều người lý giải rằng, những ca sĩ này chưa nổi tiếng rộng rãi, là vì thiếu cơ hội, thiếu bầu sô dẫn dắt, hoặc thiếu may mắn trong nghề, chứ chất giọng và phong cách trình diễn thì không thiếu. Họ hát trực tiếp với ban nhạc trong khoảng cách rất gần khán giả, nên thật khó dùng "tiểu xảo" hoặc "kỹ xảo", mà phải hát chân và mộc nhất có thể.

Từ phòng trà ca nhạc đến quán cà phê nhỏ - Ảnh 2.

Hướng cắt nghĩa này cũng hợp lý, vì tài năng của nhiều ca sĩ trong các không gian nhỏ này thì không thể phủ nhận, sự đam mê của họ cũng rất lớn.

Nguyễn Huyền Giang là một ví dụ cho ca sĩ chuyên nghiệp hát quán cà phê nhỏ ở TP.HCM. Cô theo đuổi phong cách âm nhạc kiểu tiền chiến, chinh phục được khán giả bằng chất giọng ấm áp, cùng kỹ thuật hát điêu luyện. Gương mặt đẹp và ngoại hình thon gọn cũng là điểm cộng của cô. Thế nhưng, dù đã bước vào làng âm nhạc cũng tương đối lâu, nhưng Nguyễn Huyền Giang vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Để có được đẳng cấp hát như hiện tại, ngoài chất giọng trời cho, cô đã từng khổ luyện miệt mài trong trường nhạc. Chính các thầy cô cũng khuyên Huyền Giang nên theo ca hát chuyên nghiệp, vì có thanh sắc vóc, nên niềm đam mê càng được hun đúc. Nhưng con đường ca hát không hề là cuộc chơi dễ dàng, muốn thành danh, ngoài tài năng, cần có vận may.

Huyền Giang xác nhận đã xem ca hát là một phần của cuộc đời. Nên hát ở đâu cũng là thả hồn mình qua ca từ và giai điệu để tìm các khán giả đồng cảm. Để có cuộc sống vững vàng tại Sài Gòn, cô phải mưu sinh thêm bằng công việc mở tiệm chăm sóc sức khỏe theo phương pháp thảo mộc và ấn huyệt cổ truyền.

Từ phòng trà ca nhạc đến quán cà phê nhỏ - Ảnh 3.

Ca sĩ Hương Giang chuyên hát dòng nhạc trữ tình tại phòng trà và quán cà phê nhỏ

Tại tiệm làm đẹp nhỏ nhắn, nhưng được thiết kế xinh xắn của mình, Huyền Giang treo một cây đàn guitar gỗ. Lúc rảnh rỗi thì cô chủ tiệm đánh đàn và hát một mình. Nhưng thật bất ngờ, chính tại đây, Huyền Giang lại có thêm nhiều người hâm mộ. Cứ thế, tối từ thứ Sáu đến Chủ nhật, khi cô xuất hiện trong tiệm cà phê quen thuộc, thì lại có thêm vài khán giả từ tiệm chăm sóc sức khỏe tìm đến.

Ở dòng nhạc bolero, một nữ ca sĩ cũng có hoàn cảnh tương tự như Nguyễn Huyền Giang, đó là Hương Giang. Chị cũng hát một cách chuyên nghiệp trong các quán cà phê nho nhỏ, để rồi được nhiều quán cà phê ở các tỉnh mời về hát.

Vẫn sống được, nếu đủ nỗ lực

Các ca sĩ hát quán cà phê đều có thu nhập khiêm tốn, nếu so với các môi trường ca hát khác. Điều này cũng dễ hiểu, vì lượng khán giả quyết định tiền lương ca sĩ. Đó là lý do vì sao phần lớn ca sĩ hát trong không gian này đều phải làm thêm nghề tay trái để nuôi sống đam mê.

Dẫu vậy, trong một số trường hợp, ca sĩ quyết định dành toàn bộ thời gian cho việc ca hát thì họ sẽ nhận lời hát cho nhiều địa điểm khác nhau. Bằng cách đó, họ sẽ có được một khoản thu nhập đủ để duy trì niềm đam mê ca hát, mà không cần làm thêm công việc tay trái.

Từ phòng trà ca nhạc đến quán cà phê nhỏ - Ảnh 4.

Các quán cà phê nhỏ, nhưng được thiết kế đẹp và duyên dáng

Đương nhiên, khái niệm "sống được" ở đây chỉ là đủ sống trong mức chi tiêu dè dặt, cũng như chấp nhận mạo hiểm tương lai. Nhiều người cho rằng, do còn trẻ nên dù hát trong không gian nhỏ hẹp, thu nhập ít và không có cơ hội nổi tiếng, nhưng họ cũng được rèn luyện và mài giũa cho giọng hát càng thêm sắc bén. Đồng thời việc duy trì hoạt động trong môi trường văn nghệ cũng là cách chờ thời cơ và vận may. Họ sẽ tiếp tục hát cho đến khi nào tuổi tác còn cho phép.

Các ca sĩ hát trong quán cà phê, sau đó tỏa sáng thành ngôi sao, như Lê Cát Trọng Lý, thì khá ít, nhưng dòng chảy âm nhạc này vẫn bền bỉ. Điều này gợi liên tưởng đến kịch cà phê từng gây ấn tượng đặc biệt ở TP.HCM. Quả thật, nghe nhạc sống trong tiệm cà phê nhỏ có cái hay, cái chất rất riêng. Các ca sĩ hát như tự sự, như trút nỗi lòng và khán giả thì được nghe giọng thật, với một chút cảm giác ấm áp, gần gũi qua ngọn nến lung linh. Trong không gian ấy, tiếng nhạc và giọng hát chuyên nghiệp dễ làm lòng người phiêu lãng. Ca sĩ cũng thăng hoa và khán thính giả cũng thế.

Nguyễn Huy

Link gốc: TTVH