Ngày Tết, đọc 'Những người hàng xóm' của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Những người hàng xóm (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ) là chuyện kể của một thanh niên người Bỉtên Rémy, sống tại tổ quốc mình, với cô vợ Việt Nam có cha là một nhà văn. Nhân vật Rémy xưng "tôi" kể liền một hơi 55 chương tiểu thuyết dài hơn 200 trang, mỗi chương chỉ có số thứ tự, mà không tiêu đề kèm theo. Và có nhiều hơn con số 55 này là những chi tiết đọc thấy rưng rưng, những câu văn, đọc rồi cười khúc khích với nhau.
1.Những người hàng xóm như một bức tranh thêu nhiều màu chỉ, mỗi màu kể chuyện một người hàng xóm của Rémy.
Chuyện ông họa sĩ Jakob góa vợ hơn 60 năm vẫn chung tình với người đã khuất, bằng cách mỗi ngày ngồi trước khung vẽ làm nàng sống lại trong bức tranh mới của mình và "không ngừng vuốt ve mái tóc cô gái bằng đầu bút chì. Màu chì lướt đi rất khẽ như ông sợ làm cô đau" (Chương 9 trang 39).
Cảm hứng đừng "làm đau" ai, ráng làm đẹp cụộc đời này bằng nghệ thuật như thế, Rémy còn học được ngay trong nhà, từ thân mẫu mình. Anh kể: "Có lần tôi thấy bà vẽ rất nhiều chim trên tấm kính chắn cạnh bàn ăn ngoài trời, nơi gia đình tôi thường tụ tập ăn uống và trò chuyện vào những ngày nắng ấm. Tôi thắc mắc tại sao bà lại vẽ lên đó, mẹ tôi bảo bà vẽ như vậy để lũ chim không lao đầu vào vì nhầm tưởng đó là khoảng không" (Chương 10 trang 43).
Học mẹ, học người hàng xóm chung tình cách ứng xử lấy nghệ thuật mà chia sẻ nhân tính như thế, rồi tới lúc chính Rémy lặng lẽ tìm cách an ủi con ác là cô đơn khi người hàng xóm là ông Simon từ trần. Rémy kể: "Khi còn sống ông thợ sơn Simon thích chơi đàn phong cầm và có con chim ác là thường bay tới đậu trên nhánh cây sồi cửa sổ phòng ông để nghe ông đàn". Ông thợ chết, tiếng đàn ngưng, nhưng con chim nghiện âm nhạc vẫn đến, "trông nó như một quả chín đang âm thầm đợi tới giờ lìa cuống. Nó đứng bất động đầu gục xuống như đang trầm tư… Hình ảnh con chim ác là dán lên nền trời chiều để ngóng tiếng đàn sẽ không bao giờ vang lên nữa, khiến tôi mủi lòng rất nhiều (Chương 2 trang 11, trang 13).
Tới Chương 9 trang 41 con ác là lại đến "đậu đăm chiêu bên cửa sổ nhà ông Simon - giống như một linh hồn bị mắc lơ lửng trên cành sồi, tuyệt vọng đợi ông về".
Thế rồi không đừng được, Rémy xin giữ cây phong cầm mà người thân nhà ông Simon tính thanh lý. Anh bắt đầu học chơi thứ đàn phím này dù từng có ý định học kèn, với hy vọng "tiếng đàn quen thuộc sẽ lấp đầy nỗi nhớ của con ác là cô đơn và nhất là níu nó lại với trần gian"(Chương 24 trang 100). Để tới Chương 44 trang 226, "Tôi vừa bâng khuâng chơi đàn vừa nghĩ đến những kỷ niệm đẹp giữa ông [Simon] và vợ chồng tôi, cảm thấy mình vô cùng may mắn khi sống cạnh những người hàng xóm thật là tử tế", thì "… những âm thanh du dương quen thuộc của cây đàn đã đánh thức con ác là". "Bây giờ nó đang đậu trên cành sung như một dấu chấm lẻ loi - nhưng không cô độc. Dấu chấm đó nhẹ nhõm thay vừa rơi xuống trang văn của tôi…".
2. Vì nghèo, Ruben phải ký hợp đồng mua ngôi nhà hoành tráng của ông Jakob bằng giá thật rẻ, với điều kiện chỉ khi nào ông chủ nhà rời cõi tạm thì người mua mới được vào nhà. Nhưng chủ nhà trường thọ, cho dù ông từng gặp bạo bệnh, phải giải phẫu và đã chết nếu không ai hiến thứ máu cực hiếm O RH. Có người giấu tên hiến máu, để ông sống và chung tình hơn 60 năm với người vợ đã khuất. Người hiến máu chính là Ruben, là người mà, chỉ cái chết của ông Jakob mới giúp anh có ngôi nhà mình mơ ước, thoạt khỏi thân phận ăn nhờ ở đậu.
Ruben có khả đang biến giấc mơ thành hiện thực nếu anh "phớt lờ ca phẫu thuật của ông Jakob 6 năm trước. Nhưng chàng đã chọn cách từ bỏ ước mơ của mình. Chỉ để sống mà không thẹn với lòng". Cốt truyện dẫn tới khúc ngoặt Jakob bất ngờ biết Ruben chính là người hiến máu cứu mình. Trong lần cuối cùng phải nhập viện, ông đã tự mở cửa lên thiên đàng, bằng cách nhẹ nhàng, thanh thản, kín đáo và chủ động rút ống thở, sau khi gửi lại trần gian bài thơ "tình già" với nhịp thơ thật trẻ, trong điệp khúc "anh đi tìm em" chùm ba:
"Bây giờ với đôi chân đã mỏi/ Anh đi tìm em/Bây giờ với tấm lưng đã còng/ Anh đi tìm em/Bây giờ ôm tuổi già trong tay/ Như ôm một bó hoa đã héo/ Anh đi tìm em" (Chương 21 trang 87).
Mỗi người đi tìm hạnh phúc theo cách riêng của mình. Ông Jakob lãng mạn vô giới hạn, vượt qua cách trở âm dương. Còn Ruben thì hiện thực tức thì, việc đầu tiên của ông chủ nhà này là biến sân cỏ riêng nhà mình thành một công viên thiếu nhi chung cho trẻ con của tất cả những người hàng xóm.
3. Kết nối những màu vui buồn, với đủ sắc độ hỉ nộ ái ố, trong bức tranh Những người hàng xóm là sợi chỉ kể chuyện lao động nhà văn của chính Rémy với sự hướng dẫn từ xa của ông bố vợ nhà văn "quai quái" từ Việt Nam.
Ông bố vợ, bạn bia của con rể mình, dạy chàng rể viết văn bằng cách, chỉ chỗ đặt bàn phím trên bàn bếp của vợ nó, "bên cạnh nồi cơm điện, cái lò nướng, đồ pha cà phê và lỉnh kỉnh các lọ tiêu, tương ớt, và nhục đậu khấu…" giữa những bình dị và thường nhật nhất, (chứ không phải trong tháp ngà) để có thể "thiu thiu ngủ giữa những trang viết" (Chương 2 trang 13).
Ông thầy quái quái dạy rằng: "Nếu con không biết bắt đầu bằng cách nào thì hãy bắt đầu bằng cách nhìn ra cửa sổ… Nhìn ra cửa sổ ở ngay trước mặt con lúc này…Con thấy gì ngoài đó? Hãy viết ra những gì con nhìn thấy. Đó sẽ là những dòng đầu tiên… Nếu con biết cách mở cửa sổ, đời sống sẽ tràn vào trang viết của con. Đôi khi chúng ta vẫn nhìn đấy, nhưng chúng ta không thấy. Nếu trái tim con đập vì con người, thậm chí vì một con chim, con sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ".
Vẫn nhà văn "quai quái" người Việt Nam mình dạy phần tiếp theo kiểu trồng cây chuối ngược: "Nè con trai, con đã học được cách nhìn ra cửa sổ rồi phải không? Thế thì bây giờ con phải học cách, từ ngoài cửa sổ nhìn vào".
Từ ngoài nhìn vào Rémy thấy và thuật lại chuyện tình của hai người sinh ra anh: "Công việc quay ba tôi tít mù, vắt kiệt ông đến mức, ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên của cuộc tình đầu tiên, ông tựa ghế ngủ mê man trong khi chờ mẹ tôi. Mẹ tôi tới điểm hẹn, thấy ba tôi ngáy khò khò, lay cách nào cũng không đánh thức ông được, mẹ tôi tức giận bỏ về".
Và người đẹp dù tức giận vẫn lịch sự gài lời chúc giáng sinh vào túi áo anh thơ bánh mì: "Chúc anh mãi mãi cô đơn, hoàng tử ngủ trong rừng". Nhưng, Chúa giúp người thợngủ liền 3 tiếng kể từ giờ hẹn mà "tay ông vẫn cầm chặt bó hoa hồng tuyêt đẹp".
Những nguyên tắc cơ bản nhất của nghề viết, được ông bố vợ vẽ ra bằng hình ảnh! Và quả thật "đời sống tràn vào trang viết" của Rémy: Bà Dorothé nhận nuôi thêm 2 con ngựa lùn khi chúng đến tuổi hưu mà đoàn xiếc thì cứ phải lưu diễn nay đây mai đó, cho dù bà đã vất vả với cô ngựa Esmeranda mắc bệnh tiểu đường phải ăn kiêng. Bà nhận nuôi để rồi trong chương áp chót, khi một cơn lũ bất ngờ "quét qua" trang văn của Rémy và nhấn chìm cái thị trấn của Những người hàng xóm thì những người từng đồng diễn với đôi ngựa lùn lại tìm về nhà bà Dorothé xem bạn diễn của mình ra sao, sau bất thường kia.
Để rồi, khi biết chuyện này, Rémy phải viết thêm những dòng đầu tiên của chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết: "À quên, hàng xóm của tôi còn có lũ ngựa của bà Dorothé, con chó Rex và 2 con mèo nhà Ruben. Ờ, còn con ác là mê nghe đàn…" (Chương 55 trang 227).
Ban đầu nhìn trên bìa sách thấy 8 người dàn hàng ngang để nhà văn trẻ Rémy đạp xe, điểm danh, nhận mặt và miêu tả từ 1 tới 8. Hóa ra, nhiều hơn con số 8 kia. Và lũ chó, mèo, chim, ngựa… lại có…người, giữ những phần việc văn chương quan trọng bấc nhất, như con chim ác là dẫn chuyện, được tác giả phục bút, từ trang 13 cài vào chữ "quả chín" - thầm đợi giờ lìa cuống, để rồi mãi tới trang 231 mới rơi, và "Đó chính là dấu chấm hết cho cuốn truyện này".
"Tiểu thuyết Những người hàng xómđẹp như một bức tranh thêu! Sợi chỉ màu kể chuyện ông họa sĩ Jakob chung tình, hòa sắc với màu chỉ kể chuyện chàng Ruben, nghèo tiền nhưng tốt bụng, tạo nhiều bất ngờ, xung đột, mang thêm tính kịch cho một tiểu thuyết giàu chất thơ" - Trần Quốc Toàn.