Chữ và nghĩa: Cô giáo em tre trẻ
"Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay".
Đây là đoạn thơ trong bài thơ "Đi học" của nhà thơ, liệt sĩ Minh Chính. Bài thơ đã được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc và được đưa vào sách giáo khoa.
Có một cô giáo, trong giờ học, khi giảng về bài thơ, đã nói: "Trong đoạn thơ này có hai từ láy be bé và tre trẻ. "Trường của em be bé" có nghĩa là "trường của em nhỏ bé thôi". Còn "cô giáo em tre trẻ" có nghĩa là "cô giáo em còn rất trẻ". Các em nhớ khi từ láy âm thì cũng láy nghĩa, khi đó ta có từ thêm nghĩa".
Thực tế nghĩa của hai từ này (be bé và tre trẻ) có đúng như thế không?
Láy là một phương thức tạo từ mới trong tiếng Việt. Từ láy (còn gọi là từ lấp láy) là "từ đa tiết trong đó có một hoặc hai âm tiết có hình thức là láy âm của âm tiết kia". Ví dụ lạnh lùng, sạch sành sanh, lam nham lở nhở….
Như vậy, từ một từ có sẵn, nhờ phương thức láy mà ta có thêm từ khác. Từ láy này vẫn mang nghĩa chính của từ gốc, nhưng sắc thái nghĩa có khác, thường là mạnh hơn. Nhưng không phải lúc nào nghĩa cũng mạnh hơn, theo logic A cộng với A thành AA và AA có nghĩa trội hơn A.
Cô giáo nọ đã có phần đúng nếu dẫn ra các ví dụ "thêm từ để thêm nghĩa" trong địa hạt từ láy: rào → rào rào, ầm → ầm ầm, (tối) thui → (tối) thủi thùi thui, (mưa) dầm dề → (mưa) dầm dà dầm dề, (béo) núc) → (béo) nung núc, lổng chổng → lổng chà lổng chổng, phạch → phành phạch, độp → đồm độp... Những từ như vậy, hoặc là biểu thị ý mạnh hơn, hoặc là thể hiện mức độ liên tiếp trong diễn biến sự kiện.
Nhưng có rất nhiều trường hợp, thành tố bổ sung lại làm giảm đi ngữ nghĩa hiện có. Chẳng hạn khi đọc đoạn thơ sau đây:
"Có gì cay cay trong mắt
Có gì mằn mặn trên môi
Không, không thể là nước mắt
Cắn răng quyết giữ cuộc đời"
(Giang Nam)
Thì từ "cay cay" biểu hiện ngữ nghĩa "cảm giác có vẻ cay", "mằn mặn" là "cảm giác đang có vị mặn (ở trên môi)"... Cùng cấu trúc biểu hiện này là hàng loạt từ: xanh → xanh xanh (hơi xanh, có vẻ xanh), trắng → trăng trắng (có vẻ trắng), đắng → đăng đắng (có vẻ đắng, không đắng lắm), đỏ → đo đỏ (hơi đỏ), chua → chua chua (hơi chua, có cảm giác chua), xấu → xâu xấu (có vẻ xấu)... Trong những trường hợp mà người nói chưa đủ dữ liệu và căn cứ để đánh giá bản chất sự vật (đẹp, xấu, chua, cay, ngọt, mặn, trắng, đen...) thì người đó có thể sử dụng một từ láy như một giải pháp tình huống (chưa chắc chắn trong nhận định).
Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên là khác với Ngôi nhà nho nhỏ trên thảo nguyên, vì khi người nói dùng "ngôi nhà nhỏ" là khẳng định "ngôi nhà đúng là nhỏ", còn "ngôi nhà nho nhỏ" là có ý "ngôi nhà có vẻ nhỏ". Hoặc cũng vì lý do tế nhị nào đó mà người ta chọn một lối nói giảm nhẹ cho phù hợp trong giao tiếp. Nhận xét về nước da, ngoại hình của cô gái nọ là "xanh xanh", "nho nhỏ", "xâu xấu" sẽ nhẹ hơn, bớt gây phản cảm hơn là dùng các từ "xanh", "nhỏ", "xấu": Da em xanh xanh thế nào ấy. Em ốm hay sao? Chị cảm giác cái dáng nho nhỏ của em không phù hợp với môn thể thao này...
Như vậy, có rất nhiều từ khi được mở rộng thành tố thì sự thêm từ lại làm "bớt nghĩa" của tổ hợp mới. Vậy là, "cộng thêm" số lượng, nhưng thực tế lại "trừ bớt" nét nghĩa. Thầy cô cần nắm được nguyên lý và cơ chế biểu hiện của các nhóm từ đó. Trong các cuốn từ điển tiếng Việt gần đây, các nhà biên soạn đã phải mở ngoặc để chua thêm giá trị sử dụng của các từ ghép đó: ý mức độ mạnh, ý mức độ nhiều, ý mức độ liên tiếp, ý mức độ giảm nhẹ, ý mức độ yếu...