Đón ngày 30/4 bằng 'Hồi ức Đỗ Duy Liên - cuộc đời của mẹ'
Do NXB Trẻ ấn hành, Hồi ức Đỗ Duy Liên - cuộc đời của mẹ gắn với cuộc đời của nữ Phó Chủ tịch UBND đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước giải phóng (30/4/1975).
Được phát hành trong tháng Tư, sách gồm những trang viết dang dở của hồi ký Cuộc đời của mẹ (tác giả Đỗ Duy Liên), cũng như những ký ức của một số bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí và người thân về bà.
Sinh năm 1927 trong một gia đình công chức khá giả, bà Đỗ Duy Liên đã tham gia cách mạng tới gần hết cuốn đời và gắn bó máu thịt với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò một người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ trung kiên giữa thời chiến và người nữ cán bộ tâm huyết, tài năng ở thời bình. Sau năm 1975, tại TP. HCM, bà là Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, về sau là Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa xã hội (hai nhiệm kỳ 1980-1989).
Như chia sẻ, quãng năm 1992, sau khi nghỉ hưu, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu âm thầm viết trang đầu tiên của Cuộc đời của mẹ. Những năm gần đây, khi bà tuổi cao sức yếu, các con phát hiện bản thảo và hoàn thành dựa vào lời kể của mẹ, cộng thêm những cảm nhận riêng, và những bài bà đã viết đăng trên sách báo, tạp chí, kỷ yếu liên quan.
Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ gồm 4 phần chính, kèm theo hình minh họa và phụ lục ảnh. Trong đó, phần đầu kể về quá trình trưởng thành và tham gia kháng chiến của cô nữ sinh Đỗ Duy Liên. Tại đây, người đọc dễ dàng thấy được những cống hiến và hy sinh đầy đau thương của người phụ nữ sống trong một thế kỷ nhiều xúc cảm nhưng cũng đẫm chất tự hào và bi tráng qua những trang tự sự được ghi chép. Các phần 3, 4 ghi lại hồi ức của các con, của bè bạn cũng như những phát biểu của bà.
Đặc biệt, phần 2 của cuốn sách bao gồm những lá thư bà Duy Liên viết cho chồng. Ông hy sinh năm 1968 tại Bến Cát, Bình Dương. Lá thư đầu tiên bà viết cho ông là khi đang trên đường từ Hội nghị Paris về Hà Nội, khi quá cảnh ở Bắc Kinh, ngày 12/2/1969. Và hằng năm, đều đặn từ đó, bà vẫn viết thư kể cho ông về tình yêu, gia đình, nỗi nhớ….
Có thể nói đây là phần xúc động và thể hiện rõ nét nhất nét nữ tính và trái tim tràn ngập yêu thương của bà Đỗ Duy Liên, với những lá thư dù sau năm năm, mười năm, hai mươi năm… vẫn tràn ngập tình yêu với người chồng "quen nhau 20 năm nhưng nếu cộng tất cả những ngày chúng ta ở chung thì chẳng được bao nhiêu".
Như bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ ,nhận xét: Với kết cấu độc đáo, mạch lạc, tư liệu dày dặn, sống động, hình ảnh phong phú, Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ có "trọn vẹn dạng thức cần có của một hồi ức cá nhân mà còn làm giàu thêm cảm xúc người đọc - không chỉ với cuộc đời của một nhân vật cụ thể mà còn phóng chiếu hình ảnh bi hùng, đẹp lãng mạn của người phụ nữ Việt Nam, của những nữ chiến sĩ cách mạng trong thời chiến".
Ông Thái Hỷ, con trai của bà Đỗ Duy Linh chia sẻ: "Tôi làm sách về mẹ để mẹ có thể nói về những gì đã viết và chưa nói ra từ một người cán bộ, người vợ, người mẹ. Tôi làm sách về mẹ để có cơ hội được lắng nghe mẹ và lắng nghe chính mình, để thương yêu mẹ nhiều hơn. Tôi làm sách về mẹ để được tiếp tục chăm sóc mẹ, để có thể nghe tiếng mẹ cất lên từ sự im lặng thật giản dị và đáng tự hào…"