Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: 'Nghé ọ Hai Xoáy', người bạn của tuổi thơ
Đến với văn chương muộn màng ở tuổi 40 nhưng bút lực của nhà văn, nhà thơ Phạm Anh Xuân như suối nguồn cuộn chảy. Chọn viết cho thiếu nhi ngay từ ngày khởi bút, đến nay anh đã viết gần 900 bài thơ cho con trẻ với 4 tập thơ đã xuất bản: Ấm êm ngộ nghĩnh, Tuổi thơ trong trẻo, Trồng nụ trồng hoa và Bởi vì yêu thương.
Không chỉ có thơ, anh còn viết truyện. Đó là Nghé ọ Hai Xoáy (NXB Văn học, 2022) - tập truyện dài đầu tay của anh ở mảng sáng tác cho thiếu nhi. Mới đây, tập truyện này đã lọt vào Top 10 chung khảo của Giải Dế Mèn lần thứ 4 - 2023 do báo Thể thao&Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Sợi dây kết nối con người với thiên nhiên
"Tuổi thơ của tôi là bầu trời rộng lớn, là cây cỏ, sông nước, nơi tôi có thể thả sức tưởng tượng, nơi có những trò nghịch ngợm mà không phải đứa trẻ nào cũng có. Đó là kí ức sống động, mỗi khi nhớ về là cảm xúc lại dâng lên. Và tôi viết". Phạm Anh Xuân đã tâm tình như thế trong Nghé ọ Hai Xoáy. Đủ để thấy, anh đã dành một tình cảm đặc biệt như thế nào cho tuổi thơ của chính mình.
Tình cảm tuổi thơ lớn cùng Phạm Anh Xuân cứ dày lên theo năm tháng, trong khi không gian của những bài thơ ngắn anh viết chẳng thể chứa hết những tâm tư, cảm xúc. Rồi, đến một ngày những tầng kỉ niệm ngày một dày đã thôi thúc anh cần phải viết dài hơn, sâu hơn để tuổi thơ anh được hiện lên rộng lớn như trời mây, sống động như ruộng đồng. Và chính từ đây Nghé ọ Hai Xoáy ra đời.
Tác giả Phạm Anh Xuân chia sẻ: "Nghé ọ Hai Xoáy có nội dung gần như nguyên vẹn, chân thực về những câu chuyện tuổi thơ của tôi trong không gian làng quê. Đó là tuổi thơ được tương tác nhiều với thiên nhiên, tương tác nhiều giữa người lớn với trẻ con và giữa trẻ con với trẻ con. Những sự tương tác này, theo tôi mang lại giá trị rất tốt cho sự phát triển của trẻ".
Anh cho biết thêm: "Thế hệ tuổi thơ của tôi khá vất vả. Vất vả ở đây không có nghĩa là khổ. Vất vả là được trải nghiệm với mưa nắng, đất trời và trưởng thành lên qua nhiều công việc được làm lúc tuổi nhỏ. Để rồi sự vất vả ấy lại mang cho tôi những cảm xúc đặc biệt và cả những kỹ năng mà những đứa trẻ cần có".
Ví dụ, khi chơi đùa và tương tác với thiên nhiên, với các nhóm trẻ với nhau qua các các trò chơi dân gian đã giúp các em phát triển rất tốt, rất nhanh những kỹ năng từ vận động đến tư duy. Cụ thể, có những đứa trẻ chưa biết đọc, chưa biết viết cũng có thể nghe nhau truyền miệng để đọc và thuộc những bài thơ. Hoặc có những bài toán chưa giải được nhưng khi vào"giải toán nhóm" trong những buổi thả trâu, thả bò thì đều có thể giải quyết dễ dàng.
"Ở đây, sự tương tác giữa nhóm trẻ, với thiên nhiên đã trở thành một sợi dây kết nối không chỉ những mối quan hệ cá nhân với nhau, mà còn là mối quan hệ của tâm hồn và của con người với thiên nhiên. Là khi, trẻ em được chơi những trò chơi dân gian, được trải nghiệm, được tương tác với thiên nhiên, được tương tác với nhau và hóa giải những mâu thuẫn rất nhanh, rất dễ dàng mà không để lại những dấu vết tổn thương tâm hồn cũng như thể xác".
Anh nhấn mạnh: "Bởi thế, thiên nhiên luôn là một ngôi trường lớn nhất cho con người, đặc biệt ở giai đoạn vàng của tuổi thơ. Tức là giai đoạn các em cần được chơi đùa, chạy nhảy, mơ mộng để phát triển những kỹ năng tự thân của cá nhân. Đó cũng là giai đoạn các em tiếp thu những bài học để phát triển về thể lực và cả về trí lực".
"Cần phải trả lại cho trẻ em một không gian sinh tồn và không gian tương tác đúng nghĩa của tuổi thơ (khác với "tương tác ảo" như hiện nay)" – nhà văn Phạm Anh Xuân.
Để trẻ em làm chủ hành trình cuộc đời
Là tập truyện đầu tay viết cho thiếu nhi, ấy vậy tác giả Phạm Anh Xuân chỉ mất 4 ngày đêm để hoàn thành Nghé ọ Hai Xoáy. Anh cho biết khi viết những lớp sóng cảm xúc cứ ùa về dồi dào và dâng tràn lên khiến anh luôn trong tâm thế dành thời gian để viết nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Bởi thế, anh thú nhận với tập truyện này, anh viết khá bản năng.
Thế nhưng, đọc Nghé ọ Hai Xoáy, ta không chỉ thấy những lớp sóng cảm xúc đặc dày của tuổi thơ mà ở đó còn có các tầng thông điệp được tác giả cài cắm một cách ý nhị và sâu sắc.
Nghé ọ Hai Xoáy kể chuyển về đám trẻ mục đồng, mà nổi bật nhất là nhân vật Hùng. Vì mải mê đọc sách mà Hùng để con trâu sắp đến ngày sinh gặp nạn, trước khi chết, nó đã sinh ra chú nghé có hai xoáy trên đầu. Qua biến cố đầu đời này, cùng với những diễn biến khác qua các tình huống "Trận chiến", "Cuộc bán trâu", "Thất bại",… Hùng đã có được cho mình những bài học của sự trưởng thành. "Rồi nó nhớ lại cái buổi chiều phiêu lưu cùng con dế mèn trong cuốn truyện nhỏ. Nó đã ra sát mép sông, vặt cọng cỏ xanh vứt xuống nước và nhìn nó trôi đi mãi. Nó hiểu rằng nó cần phải học và làm chủ chuyến phiêu lưu của chính cuộc đời mình".
Nhà thơ Phạm Anh Xuân tâm sự: "Tôi mang hết vốn liếng tuổi thơ của mình ra để viết và gửi gắm vào Nghé ọ Hai Xoáy. Những cảm xúc, trải nghiệm và tác động của tuổi thơ với thiên nhiên đã định hình lên một phần tâm hồn và nhân cách của chính tôi. Từ đó, tôi gửi gắm vào nhân vật Hùng".
"Qua nhân vật Hùng, tôi muốn xây dựng một thông điệp là: Cần phải trả lại cho trẻ em một không gian sinh tồn và không gian tương tác đúng nghĩa của tuổi thơ. Tức là các em được tự do chơi đùa, chạy nhảy và từ đó học được những bài học. Rộng hơn, là để trẻ em được trải nghiệm thực tại với tất cả những va chạm, cọ xát của cuộc sống (khác với "tương tác ảo" như hiện nay) sẽ giúp các em phản ánh sức sống nội tâm, và học được những bài học hình thành nên một phần nhân cách con người" - anh dẫn giải.
Trong truyện, nhân vật Hùng có được bài học từ câu chuyện con trâu sắp đẻ, sau đó bị chết, trước khi kịp sinh ra con nghé. Đó là một nút thắt nhưng lại mở ra những câu chuyện khác liên quan đến sự đồng hành của bố mẹ, thầy cô trong từng va vấp của con trẻ. Tất cả những mối quan hệ này được móc xích với nhau một cách cụ thể, chân thực. Để thể hiện rằng người lớn luôn có vai trò đồng hành, dẫn dắt nhưng trẻ em mới là chủ thể quyết định yếu tố cảm xúc của mình để xem đâu là đúng-sai, đâu là hơn-thiệt. Ở đây, trẻ em phải là trung tâm của bối cảnh sống thì chúng mới có thể phát triển đúng đắn và lành mạnh.
Soi chiếu vào sự trưởng thành của nhân vật Hùng trong Nghé ọ Hai Xoáy, ta còn thấy được những tầng thông điệp khác của tác giả. Ở chỗ, khi còn nhỏ, Hùng luôn có bố mẹ, thầy cô bên cạnh để uốn nắn và được tương tác với thiên nhiên. Và cho đến khi Hùng phải lên thành phố đi học một mình, cũng là lúc Hùng đã trưởng thành thực sự. Rõ ràng, phải được trải qua những trải nghiệm như đã có trong tuổi thơ thì Hùng mới có thể trưởng thành để đứng vững trong cuộc sống, và tự thân làm chủ hành trình cuộc đời của mình mà không phải nhờ cậy bất kỳ ai.
Từ đây, tác giả Phạm Anh Xuân nhấn mạnh: "Hãy cho trẻ em được tương tác (tương tác với thiên nhiên và tương tác với nhau…), được trải nghiệm và học nhữngbài học từ những va chạm thực của cuộc sống, để sau này các em làm chủ hành trình cuộc đời của mình mà không phải chờ đợi sự dẫn dắt của người lớn".
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn sẽ công bố kết quả và trao giải vào dịp 1/6 tới. Tài trợ chính: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Đồng tài trợ: Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk)
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển với sứ mệnh mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội và phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) là Tập đoàn công nghiệp đa ngành, có các Tập đoàn thành viên hoạt động trong những lĩnh vực: Ô tô, nông nghiệp; cơ khí và CNHT; đầu tư và xây dựng; thương mại, dịch vụ và logistics, có tính bổ trợ, tích hợp cao trong từng Tập đoàn và giữa các Tập đoàn thành viên và THACO.