Những kỷ niệm văn chương với Trần Mai Hạnh

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã từ trần vào hồi 18 giờ 50 phút ngày 2/4/2024 (tức ngày 24 tháng 2 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 82 tuổi. Để nhớ về ông, báo Thể thao và văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

1. Tin Trần Mai Hạnh rời cõi tạm tối 2/4 vừa qua đến với tôi khiến tôi không khỏi rưng rưng. Mười năm trước mà vẫn như mới hôm qua.

Năm 2014, tôi và Trần Mai Hạnh cùng được trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà Văn Việt Nam. Tôi là giải thưởng thơ với tập Trường ca ngắn - Kịch thơ. Còn Trần Mai Hạnh là giải thưởng văn xuôi với tập Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Hai anh em cùng lên sân khấu hội trường ở Bảo tàng Văn học (Trại sáng tác Quảng Bá cũ), cùng đứng bên nhau để nhận bằng giải thưởng và bắt tay nhau chia vui.

Những kỷ niệm văn chương với Trần Mai Hạnh - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trần Mai Hạnh hơn tôi vài tuổi. Anh tuy quê Nam Định, nhưng ở Hải Dương đã lâu. Tôi gặp Trần Mai Hạnh lần đầu tiên ở nhà Nguyễn Trung Đức. Các anh đều từng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Nguyễn Trung Đức thì thường trú ở Quảng Bình. Còn Trần Mai Hạnh thì vào chiến trường khu V từ năm 1968.

Đời lính của tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc đều là một hành trình đi theo dấu chân các anh. Mãi năm 1974, tôi mới có mặt ở chiến trường khu V. Dù sao thì cũng từng vượt Trường Sơn, cũng dấn thân chiến trường, nên anh em gặp nhau là thành thân thiết ngay. Tuy thế nhưng mỗi người một công việc. Chỉ có chung với nhau cái thú văn chương.

Hôm ấy, Nguyễn Trung Đức vừa ra một tác phẩm dịch mới thì phải. Chúng tôi vừa ôn lại kỷ niệm chiến trường, vừa uống rượu cùng nhau. Trần Mai Hạnh cũng là một "tửu đồ" kỳ tài. Nhân duyên nữa,sau khi gặp Trần Mai Hạnh thì tôi lại được gặp bà xã của anh là cô giáo Bùi Kim Anh - lúc ấy đang bắt đầu nghiệp thơ. Nhờ thế mà tôi lại còn được đến uống rượu tại tư gia của anh lúc ấy còn ở bên một hồ nhỏ có đền thờ Hai Bà Trưng từ dốc Thọ Lão xuống. Anh em gặp nhau lại chuyện văn chương và uống rượu.

Thế mà thế kỷ cũ đi qua như không. Sang thế kỷ mới, Bùi Kim Anh đã là nhà thơ - hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Còn Trần Mai Hạnh thì là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

2. Tôi chỉ gặp lại Trần Mai Hạnh khi anh về làm công việc một thư ký tòa soạn cho tờ báo điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch do nhà thơ Mai Linh chủ trì. Anh em gặp nhau lại vui vẻ, lại chuyện văn chương, lại uống rượu. Tôi được biết anh sẽ viết một cuốn tiểu thuyết theo kiểu của anh về những tháng cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Những kỷ niệm văn chương với Trần Mai Hạnh - Ảnh 2.

Tác phẩm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã được dịch nhiều thứ tiếng

Trước đây, tuy làm báo, nhưng Trần Mai Hạnh đã xuất bản nhiều tập văn xuôi như Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế... Song đến Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, với việc trực tiếp đi cùng đoàn quân vào giải phóng các thành phố phía Nam và đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cảm hứng về chiến thắng vĩ đại của dân tộc đã khiến Trần Mai Hạnh đủ điều kiện tìm hiểu và thu thập tài liệu cả hai phía, từ người lính đến những nhân vật cấp cao, kể cả những cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, để đưa vào tác phẩm viết theo kiểu riêng của mình khi đã tới tuổi đủ độ chín.

Tác phẩm ngay lập tức được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam và sau đó được dịch ra tiếng Anh. Cũng chính nó đã đưa anh đến giải thưởng ASEAN 2015. Hưng phấn khiến Trần Mai Hạnh viết và ấn hành tiếp tác phẩm Lời tựa một tình yêu về câu chuyện giữa ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu lừng danh một thời trước tòa án Sài Gòn. Cuốn sách 250 trang gồm 12 chương ra mắt bạn đọc năm 2016.

Nhiều năm gần đây, tôi lại được gặp và thân với Trần Mai Hưởng em trai anh và cũng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Họ đã cùng có mặt ở Sài Gòn trưa 30/4/1975. Đấy cũng là chuyện hiếm, "trời sinh một cặp". Nhờ vậy, nên tuy không được gặp trực tiếp vì sức khỏe anh, tôi vẫn được Trần Mai Hưởng cho biết tình hình của anh.

Nhưng cuộc đời là như vậy, không ngờ anh lại có thể ra đi bất ngờ như thế. Xin vĩnh biệt anh cùng những kỷ niệm văn chương một thời gắn bó!

Vài nét về nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương

- Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường của Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

- Từ 1965-1975, ông đã có mặt tại các trận địa: Hải Phòng, Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng); tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã xuất bản các tác phẩm như: "Nắng Thu Bồn," "Tình yêu và án tử hình," "Sụp đổ và tự thú" (1985), "Ngày tận thế," "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" (2014), "Lời tựa một tình yêu," "Thời tôi sống" (2018), "Viết và Đối thoại" (2019). Ông đã được nhận một số giải thưởng: Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (1970-1971); Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học ASEAN 2015.

Lễ viếng nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được tổ chức từ 9 giờ đến 10 giờ 30 phút, ngày 5/4/2024 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và di quan tổ chức vào lúc 10 giờ 30 phút cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Link gốc: TTVH