Có nên hạn chế 'biến tấu' khi dạy văn?
"Chúng ta chưa thực sự ứng xử với tác phẩm văn học theo cách phù hợp với một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ" - TS Trịnh Thu Tuyết (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), nhận xét về việc giảng dạy văn học tại các trường phổ thông - "Khi thì ta coi nó như phương tiện tuyên truyền giáo dục, khi thì chỉ tập trung lượng hóa các đơn vị kiến thức cho học trò đi thi, khi lại biến nó thành kịch bản để tổ chức các trò chơi hoặc tiến hành các kỹ thuật dạy học".
Những ý kiến của TS Tuyết được nêu ra hội thảo Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại (do Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thời gian qua tại Hà Nội) và đang gây được sự chú ý từ dư luận, cũng như giới chuyên môn.
Những ưu - nhược điểm theo thời gian
Nhìn từ phương pháp dạy học truyền thống, Chương trình giáo dục 2006 cho đến Chương trình giáo dục 2018, TS Tuyết có những phân tích rõ về thực trạng của việc ứng xử với tác phẩm văn học trong giảng dạy của nhà trường phổ thông qua các thời kỳ. Theo đó, mỗi thời kỳ đều có những điểm mạnh nhất định nhưng có thể nhận ra cả sự thái quá và bất cập.
Trước hết với phương pháp dạy học truyền thống, tác phẩm văn học đã từng là phương tiện giáo dục tư tưởng đạo đức. Quan điểm này đưa tới tình trạng tại nhiều nơi, thầy trò chủ yếu phân tích, khám phá nội dung hiện thực và tính hiện thực của đối tượng được phản ánh trong tác phẩm.
Ở đây, khi đã đặt trọng tâm vào việc phân tích, tiếp nhận tác phẩm văn học ở nội dung hiện thực, ít nhiều sẽ xuất hiện sự cực đoan, thái quá khi coi nhẹ giá trị nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhà văn. Cụ thể, trong quá trình phân tích, tiếp nhận tác phẩm văn học, nhiều thầy cô thường quan tâm đến nội dung được biểu đạt hơn là nghệ thuật biểu đạt. Từ đó, thầy trò sẽ chỉ bận tâm phân tích, cắt nghĩa nội dung hiện thực được phản ánh trong tác phẩm mà hầu như không mấy quan tâm cảm nhận sự lung linh của ngôn từ, những xúc cảm của nhịp điệu, cái linh diệu của tứ thơ, tính biểu tượng của chi tiết...
"Khi người phân tích, tiếp nhận chỉ muốn nhanh chóng đi qua yếu tố hình thức ngôn từ - vốn là đặc trưng của văn học - để nắm bắt nội dung hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, họ dường như rũ bỏ phần hồn của một sinh thể sống để giải phẫu cái xác vô hồn" - TS Tuyết nói.
Trong khi đó, ở Chương trình giáo dục 2006, những đổi mới trong quan điểm giáo dục đã khiến nhà trường phổ thông "chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực, nhưng về cơ bản vẫn còn nặng về trang bị kiến thức và kỹ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử".
Đặc biệt, ở khía cạnh đề thi, TS Tuyết cho rằng: Khi đề thi chủ yếu yêu cầu học sinh nghị luận về những tác phẩm đã được thầy giảng trong chương trình sách giáo khoa, việc học theo văn mẫu với tình trạng tiếp nhận thụ động, nặng đọc chép sẽ trở thành hệ lụy khó tránh ở nhiều nơi.
"Mỗi tác phẩm văn học do đó cũng chỉ còn là đối tượng "giải phẫu" của thầy, trong sự quan sát, tiếp nhận thụ động của trò. Toàn bộ hồn cốt tác phẩm, từ giá trị nghệ thuật tới nội dung tư tưởng, thông điệp đều bị mô hình hóa, công thức hóa, lượng hóa… để học sinh ghi chép, học thuộc và chép lại trong bài thi" -chuyên gia này nhận xét.
Đến Chương trình giáo dục 2018 (hiện đang thực hiện), mục tiêu được đặt ra là phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Mục tiêu này đưa tới sự đổi mới toàn diện và đồng bộ trong chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Đáng nói, ở khía cạnh phương pháp dạy, Chương trình giáo dục 2018 nêu: "Các hoạt động học tập được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: Học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xê-mi-na, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng".
Tuy nhiên, theo TS Tuyết: "Sự thái quá lại xuất hiện khi nhiều nơi, thầy trò biến các giờ văn thành những show tạp kỹ khá sôi động và ồn ào. Các hoạt động của kỹ thuật dạy học, trò chơi, đóng vai… khi bị lạm dụng sẽ không chỉ làm mất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị, trình diễn mà còn khiến thầy trò rất khó trở lại tâm thế nghiêm túc vốn không thể thay thế trong không gian học đường. Điều này cũng khó tạo những thời khắc lắng sâu cho việc hiểu và cảm vẻ đẹp của tác phẩm văn chương, vốn là thứ không thể thiếu đối với một bộ môn nghệ thuật ngôn từ đặc thù văn học".
Không phủ nhận tính tích cực trong các hoạt động phụ trợ, đặc biệt là các trò chơi, trong giờ Ngữ văn nhưng TS Tuyết vẫn nhấn mạnh: Việc khám phá vẻ đẹp của một tác phẩm văn học tuyệt đối không phải là dừng lại xem tác phẩm "nói gì/gửi gắm gì" mà còn phải lý giải được tác giả "nói điều đó như thế nào/ bằng cách nào". Điều này không thể chỉ đếntừ việc đơn thuần bóc tách, rút ra "phần xác" của nội dung để thể hiện trong các trò chơi, các hoạt động".
"Để có thể chạm vào phần hồn và cảm nhận được vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, ta cần lắng nghe "tiếng nói" giữa những khe chữ, sự nghẹn ngào trong một phép lặp, phút ngừng lặng của một dấu ngắt, nhận ra những tầng nghĩa thẳm sâu của một chữ, một câu, một hình tượng… trong thế giới ngôn từ tuyệt đối hữu hạn của tác giả" - TS Tuyết bày tỏ - "Không thể chỉ xem, nhìn, nghe những lời thoại được biến tấu vô hạn trong các màn sắm vai của người diễn".
"Sự thái quá lại xuất hiện khi nhiều nơi, thầy trò biến các giờ văn thành những show tạp kỹ khá sôi động và ồn ào" - TS Trịnh Thu Tuyết.
"Đừng quên đặc trưng của văn bản ngôn từ"
Từ những hạn chế trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng không nên tổ chức quá nhiều các hoạt động, các kỹ thuật dạy học hoặc các trò chơi làm mất nhiều thời gian - để rồi cái đọng lại sau giờ học văncó thể chỉ là bề nổi của sự hoạt náo đối với một môn rất cần chiều sâu trầm lắng của chiêm nghiệm, suy tư.
Theo chuyên gia này, điều quan trọng nhất trong vai trò điều dẫn của giáo viên là phải xác định và lựa chọn đúng những kỹ thuật, những hoạt động thực sự phù hợp với mỗi tiết học, bài học.
Ví dụ, việc "Sân khấu hóa văn chương" chỉ nên tiến hành 1, hoặc nhiều lắm là 2 lần trong cả năm học với 1 trích đoạn tác phẩm phù hợp. Tương tự, trong các tiết học về Tri thức ngữ văn, Thực hành Tiếng Việt, Củng cố, Ôn tập học kỳ…có thể tiến hành một vài trò chơi hoặc vận dụng những kỹ thuật dạy học trên tinh thần phù hợp và tiết chế, tránh làm ảnh hưởng tới thời gian, cũng như không khí mang tính cố định và đặc trưng, của các giờ học chính khóa.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm của một cô giáo dạy văn, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định: "Một điều tôi cho rằng mang tính nguyên tắc, đó là tuyệt đối không quên đặc trưng của văn bản ngôn từ".
Theo TS Tuyết, giáo viên cần giúp học sinh cảm thụ vẻ đẹp của ngôn từ trong việc khắc họa hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, tiếp nhận những bài học, những thông điệp… không chỉ qua những trao đổi, thảo luận mà còn bằng cả sự gợi mở, dẫn dắt… từ chính lời giảng của giáo viên. Không nên lo ngại rằng cách làm này sẽ khiến giờ dạy trở về phương pháp diễn giảng truyền thống, bởi giáo viên vẫn cần phải dùng một liều lượng phù hợp về sự biểu cảm của ngôn từ để mang văn bản ngôn từ tới cho học trò.
"Tác phẩm văn học luôn là một cấu trúc ngôn từ hoàn chỉnh. Dù kết hợp các kỹ thuật dạy học hiện đại như thế nào, ta vẫn cần tôn trọng tính chỉnh thể toàn vẹn ấy thay vì làm nát vụn tiết học và thế giới nghệ thuật của văn bản bằng các trò chơi hay việc kê lại bàn ghế cho một hoạt động, một kỹ thuật dạy học nào đó" - TS Tuyết nhấn mạnh - "Chúng ta cần nói không với kiểu dạy văn đọc - chép, nhưng cũng cần cảnh báo trước những quan niệm cực đoan làm thay đổi đặc trưng không thể thay đổi của văn chương - nghệ thuật ngôn từ".
Những "hiểu nhầm" không đáng có
Theo TS Tuyết, do không quan tâm tới đặc điểm của các nhân vật chức năng trong truyện cổ dân gian, nhiều thầy cô đặt vấn đề lên án cái kết tàn nhẫn của truyện cổ tích Tấm Cám. Thậm chí cách đây vài năm, còn cả để xuất nên đưa Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa phổ thông vì những lo ngại việc dung túng, cổ súy những hành vi bạo lực, trái pháp luật, trái đạo đức của nhân vật!??