Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc

Cuộc thi và triển lãm Điêu khắc toàn quốc kể từ năm 2023 sẽ được tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần, thay vì 10 năm như trước đây. Triển lãm nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tựu sáng tạo của các nhà điêu khắc, họa sĩ nghệ sĩ Việt Nam. Việc quyết định rút ngắn vòng quay của một triển lãm quy mô toàn quốc là tín hiệu đáp ứng cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cuộc thi và triển lãm này đã thu hút được 536 tác phẩm của 285 tác giả sáng tác trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2023. Trong đó, có 225 tác phẩm của 164 tác giả được lựa chọn trưng bày.

Tốc độ phát triển mạnh mẽ của điêu khắc

Các tác phẩm tham gia cuộc thi và triển lãm là sáng tác tự do. Ban tổ chức "khuyến khích những tác phẩm có tính nhân văn, hướng thiện, phản ánh tích cực đời sống xã hội…" và trên thực tế, theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, các tác phẩm được lựa chọn là những tác phẩm chứa đựng suy tư, chiêm nghiệm của các nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét. Về phương diện nghệ thuật, tác phẩm được lựa chọn có ngôn ngữ tạo hình phong phú, đa dạng về chất liệu, với những tìm tòi, thể nghiệm mới…

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 1.

Không gian triển lãm ngoài trời

Ban tổ chức cũng đã trao 16 giải thưởng, gồm 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Không có giải Nhất trong cuộc thi này, bởi hội đồng nghệ thuật không tìm được tác phẩm thuyết phục tuyệt đối. Các giải Nhì thuộc về Tình ca phương Nam (tác giả Châu Trâm Anh, tỉnh Bình Dương), Nghênh phong (tác giả Nguyễn Trường Giang, Hà Nội), Trời tròn đất vuông (tác giả Lê Văn Khuy, tỉnh Hưng Yên).

Các giải Ba thuộc về Anh hùng (tác giả Nguyễn Văn Tuệ, Hà Nội), Cộng sinh (tác giả Phạm Nguyễn Quốc Huy, TP.HCM), 12 con giáp (tác giả Nguyễn Thăng Long, Hà Nội).

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 2.

Không gian triển lãm trong nhà

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên hội đồng giám khảo) chia sẻ: "5 năm qua cũng là thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Tâm thế sáng tác của giới nghệ sĩ có nhiều va đập, không bình yên, thời gian thực hiện tác phẩm quá eo hẹp, gấp gáp… Hy vọng thời gian tới, giới nghề sẽ có những sáng tác mới hấp dẫn hơn".

Tuy nhiên, số lượng các tác phẩm lớn của những nghệ sĩ trẻ tham gia và sự đa dạng trong ngôn ngữ thể hiện của triển lãm lần này cho thấy tốc độ phát triển mạnh mẽ của điêu khắc Việt Nam trong tương lai gần.

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 3.

Một tác phẩm trong triển lãm

5 năm cho nhịp sáng tác điêu khắc

Nghệ thuật điêu khắc đương thời đặc trưng bởi các sáng tác áp dụng mọi vật liệu, kỹ thuật công nghệ, nội dung không biên giới. Các triển lãm nghệ thuật quốc tế như biennale (lưỡng niên), triennale (tam niên), với lịch sử cả trăm năm, đã cho thấy vòng quay trưng bày là rất ngắn. Ví dụ vậy để thấy một giải thưởng quốc gia - triển lãm điêu khắc 10 năm - là chặng đường khá dài đối với các nghệ sĩ trẻ, nên việc thay đổi là hợp lý.

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 4.

Khán giả xem triển lãm

Trong triển lãm lần này, các sáng tác được lựa chọn trưng bày khá đa dạng về mặt nội dung và hình thức. Tuy nhiên, các tác phẩm phần lớn vẫn nằm trong vùng an toàn, chưa có nhiều tác phẩm bứt phá về ý tưởng, kích thước, vật liệu, tạo hình…

Nhìn trên số lượng lớn sáng tác điêu khắc được trưng bày, có thể thấy phổ biến một số phong cách tạo hình phổ biến như trừu tượng hình học, tối giản, hiện thực, siêu thực… Trong đó, các tác phẩm lấy từ cảm hứng đời sống xã hội, thể hiện theo ngôn ngữ hiện thực, siêu thực chiếm số lượng lớn hơn.

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 5.

Tác phẩm “Ông lão chăn bò” (2023, gỗ, 30x30x100 cm) của Lê Văn Bình. Giải Khuyến khích

Trong các tác phẩm điêu khắc hiện thực, có hai tác phẩm đoạt giải là Ông lão chăn bò của Lê Văn Bình (Khuyến khích) và tác phẩm Anh hùng của Nguyễn Văn Tuệ (giải Ba), về các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy. Cả hai tác phẩm đều được điêu khắc trên chất liệu gỗ, thể hiện chân thực, sinh động và giàu cảm xúc với đối tượng được miêu tả.

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 6.

Tác phẩm “Sự sống trong vũ trụ” (2023, kim loại, 200x116x90 cm) của Trần Đình Thắng. Giải Khuyến khích

Có một số tác phẩm với kích thước lớn hơn được sáng tác theo ngôn ngữ trừu tượng khá ấn tượng, với cảm hứng máy móc công nghiệp. Có thể kể đến Sự sống trong vũ trụ của Trần Đình Thắng đến từ tỉnh Bình Dương, Mạch chảy Đông Sơn của Dương Đức Duy, Lá phổi đô thị của Trần Văn Bình…

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 7.

Tác phẩm “Lá phổi đô thị” (2022, sắt, 100x60x190 cm) của Trần Văn Bình

Trong số này, Lá phổi đô thị là một tác phẩm ấn tượng! Tác phẩm bằng sắt, kích thước 100x60x190cm, được tạo hình dạng trụ thẳng đứng, cho người xem liên tưởng đến đô thị ở đây như một cơ thể sống. Bên trong bộ ngực trần trụi xuyên thấu là những động cơ công nghiệp đang trong guồng quay của nó. Qua tác phẩm, có thể cảm nhận được ngôn ngữ liên tưởng, ẩn dụ cho thực trạng đô thị đương đại. Với chất liệu sắt, máy móc (vật liệu được làm sẵn), ngôn ngữ tạo hình mạch lạc, nhưng tác phẩm gợi nhiều cảm xúc cho người xem về những đô thị hiện đại mà chúng ta đều đang ở trong nó.

Triển lãm trưng bày số lượng tác phẩm lớn cả trong nhà và ngoài trời, sẽ phải mất nhiều giờ để khán giả có thể chiêm ngưỡng được hết các phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm khá cập nhật, vì được sáng tác trong giai đoạn 10 năm gần đây nhất. Các tác phẩm có thể mang những ý niệm về các vấn đề của xã hội, hoặc chỉ đơn giản là cảm xúc của cá nhân nghệ sĩ giữa đời sống đương thời.

Rút ngắn vòng quay của triển lãm điêu khắc toàn quốc - Ảnh 9.

Tác phẩm “Mạch chảy Đông Sơn” (2023, kim loại, 205x40x55 cm) của Dương Đức Duy

Nhịp sống đang thay đổi rất nhanh, quan sát các tác phẩm, phần nào người xem có thể dừng lại để cảm nhận được thêm những góc nhìn khác về cuộc sống qua nghệ thuật của các nghệ sĩ trên khắp cả nước.

Đây là sự kiện nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức định kỳ 5 năm/1 lần, trước đây là 10 năm/1 lần. Triển lãm các tác phẩm tiêu biểu được diễn ra đến hết ngày 10/10/2023.

Hà Giang

Link gốc: TTVH