Góc nhìn 365: Công nghiệp văn hóa nhìn từ một triển lãm

Lâu nay, công tác hậu cần cho các triển lãm thường bị xem nhẹ, chứ đừng nói được ghi nhận như một thành tố của công nghiệp mỹ thuật/ văn hóa, hoặc của lịch sử mỹ thuật. 

Chính những triển lãm có đòi hỏi cao về hậu cần và bảo hiểm như Ngọc Viễn Đông, thì các khía cạnh như định giá bảo hiểm, hậu cần, vận chuyển, phục chế, bài trí… mới được chú ý nhiều hơn.

Đến với triển lãm Ngọc Viễn Đông đang diễn ra tại TP.HCM,  nếu tinh ý, sẽ thấy nhiều tác phẩm "giống như mới", đơn giản vì các chuyên gia từ Sotheby's đã thuyết phục được các chủ nhân đồng ý cho làm vệ sinh, hoặc phục chế.

Điển hình, trên bức tranh to nhất triển lãm là Vịnh Hạ Long (sơn dầu trên toan, 203 x 513cm, 1934) của Jean-Louis Paguenaud (1876-1952), dấu vết vệ sinh, phục chế khá rõ. 

Góc nhìn 365: Công nghiệp văn hóa nhìn từ một triển lãm - Ảnh 1.

Bức “Vịnh Hạ Long” của Jean-Louis Paguenaud

Theo giám tuyển Ace Lê, bức này đã phục chế một lần tại Pháp, rồi tháo khung cuộn lại, mang về đến Hà Nội thì gia cố thêm bộ khung sắt, nâng tổng trọng lượng lên 160kg. Để giảm trọng lượng tranh xuống 120kg cho tiện trưng bày, Ngọc Viễn Đông đã mất 4 ngày đêm, với 20 nhân sự thực hiện. Việc vận chuyển tranh từ Hà Nội vào TP.HCM để triển lãm, dù Ban tổ chức không tiết lộ chi phí, nhưng theo tính toán của ngành vận chuyển và bảo hiểm, riêng bức này đã gần 300 triệu đồng.

Đưa ra ví dụ như vậy để thấy, khi cần cấu thành công nghiệp mỹ thuật, những khâu tưởng chừng như vô danh như đóng thùng, vận chuyển, làm khung… cũng vô cùng quan trọng. Nhiều nước có bộ môn riêng hoặc chuyên khoa để dạy về điều này trong các trường mỹ thuật.

Một ví dụ khác, Singapore đã đầu tư rất lớn để xây dựng một phòng trưng bày với mọi khâu đều đạt chuẩn quốc tế. Mà trong đó, việc bảo quản, đóng thùng, vận chuyển, làm khung, trưng bày… được chú ý cao nhất. Làm được điều này, National Gallery Singapore mới có thể thuê hoặc mượn được các kiệt tác thế giới về đây trưng bày.

Góc nhìn 365: Công nghiệp văn hóa nhìn từ một triển lãm - Ảnh 2.

Phục chế bức “Vịnh Hạ Long” trước khi triển lãm

Nhiều người Campuchia, Malaysia, Indonesia… đã phải đi qua National Gallery Singapore để xem các bảo vật, các tác phẩm quý hiếm của cha ông họ, do nước họ chưa có không gian đủ tiêu chuẩn để mượn/thuê về trưng bày.

Bộ tranh Grande Tenue de la Cour d'Annam (54 bức) mà họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ triều phục nhà Nguyễn vào tháng 12/1902, thời vua Thành Thái, hiện thuộc sở hữu của National Gallery Singapore. Bảo tàng này đã cung cấp các bản chụp cho nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam - ví dụ Trần Minh Nhựt - để viết sách, nhưng việc mượn tranh triển lãm thì họ chưa đồng ý, vì họ chưa thấy bảo tàng nào đáp ứng được các yêu cầu hậu cần.

Góc nhìn 365: Công nghiệp văn hóa nhìn từ một triển lãm - Ảnh 3.

Nói về nội dung triển lãm, giám tuyển Ace Lê (Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby's) chia sẻ: "Đã gần tới mốc 100 năm thành lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nên đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một kinh viện, mà kéo theo đó còn là cả một trường phái nghệ thuật, với một di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, cũng như chiều ngược lại".

Giáo sư về lịch sử nghệ thuật John Seed nhận định: "Mặc dù cuộc chiến của Pháp tại Đông Dương kéo dài từ 1946 đến 1954 đã phá vỡ những giấc mơ của thời đại đáng chú ý này, nhưng viễn mộng của nó vẫn tồn tại trong di sản nghệ thuật mà nó tạo ra. Nhìn lại di sản của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam - vốn có sức sống và sự tươi mới do cảm thức khám phá thẩm mỹ của một thế hệ nghệ sĩ trẻ - đã nhắc chúng ta về những thành công của một cuộc giao lưu văn hóa từng bị chiến tranh… làm lu mờ".

Góc nhìn 365: Công nghiệp văn hóa nhìn từ một triển lãm - Ảnh 5.

Vận chuyển tranh

"Tương tự như vậy, việc xem các tác phẩm của các nghệ sĩ Pháp đã du hành và giảng dạy tại Việt Nam cho thấy cảm xúc thật của họ đối với con người và địa điểm mà họ đã vẽ. Đó là thời kỳ của hy vọng và tình cảm được thể hiện giữa các nền văn hóa thông qua ngôn ngữ nghệ thuật" - John Seed viết.

Một triển lãm quan trọng như vậy mà như TT&VH số vừa qua đã phản ánh, vẫn còn có điều đáng tiếc: đó là theo Ace Lê, những thiếu hụt nhân tố của công nghiệp mỹ thuật, của thị trường mỹ thuật đã khiến cho Ngọc Viễn Đông thiếu một vài tác phẩm lớn ở nước ngoài, vốn yêu cầu cao về vận chuyển và bảo hiểm, mà những điều này ở trong nước chưa đáp ứng kịp.

Văn Bảy

Link gốc: TTVH