Hệ giá trị Việt Nam: Bảo toàn truyền thống trong thiết chế gia đình
LTS: "Ở Việt Nam, chúng ta sẽ không có truyền thống, nếu không có truyền thống trong thiết chế gia đình" - Đó là quan điểm của GS-TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam, trong tham luận Hệ giá trị của gia đình Việt Nam, phân tích từ khía cạnh truyền thống và hiện đại. Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu tóm lược quan điểm của bà.
Cho đến nay vẫn còn có nhiều người hiểu đơn giản rằng thực chất của hôn nhân và gia đình chỉ là sự thỏa thuận giữa hai con người, là một "bản giao kèo" mà nếu thuận buồm xuôi gió thì sẽ được thực hiện trong suốt cuộc đời, còn không thì "đường ai người nấy đi"...
Tuy nhiên, trong một xã hội có tổ chức, người vợ và người chồng đã không phải là những bên duy nhất của "bản hợp đồng hôn nhân". Nhà phê bình nổi tiếng người Anh Samuel Johnson cho rằng: "Đối với một bản hợp đồng hôn nhân thì chúng ta còn có một bên thứ ba nữa là xã hội … và nếu nó được thực hiện trong nhà thờ thì bên thứ ba đó là Đức Chúa Trời". Bởi vậy cũng theo Johnson "bản hợp đồng hôn nhân" không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng xác lập hay dễ dàng phá bỏ. Nó còn phải tuân theo những nguyên tắc của cộng đồng xã hội, chịu sự quy định, giám sát của xã hội.
Về phương diện này, gia đình không chỉ mang ý nghĩa đối với cá nhân người vợ hay người chồng mà mang cả một trọng trách lớn với xã hội. Cầm tờ giấy hôn thú trong tay và đứng trước đông đảo những người tới chứng giám lễ thành hôn, các cặp vợ chồng mới không chỉ cảm nhận hạnh phúc của cá nhân mình mà còn phải biết được rằng từ nay họ đã mang những trọng trách thật lớn đối với xã hội và gia đình lớn của họ. Đó chính là giá trị cơ bản của hôn nhân và gia đình.
Trong sự tồn tại của mọi quốc gia, mọi thời đại, gia đình luôn đòi hỏi tất cả các thành viên phải tôn trong nguyên tắc giá trị cơ bản trên. Bởi vậy viết về hệ giá trị gia đình, điều đầu tiên chúng ta cần phải phân tích rõ về việc gia đình phải thực hiện vị trí, vai trò và chức năng của mình như thế nào? Điều đó thể hiện ở mực độ tôn trọng gia đình và và việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của gia đình như thế nào để gia đình tồn tại.
Bài viết của chúng tôi sẽ đi sâu phân tích những giá trị cơ bản nói trên trong các gia đình Việt Nam truyền thống và những biến đổi của nó trong các gia đình ngày nay. Chúng tôi sẽ cố gắng tập trung làm rõ trọng trách xã hội nói trên của gia đình, tức là làm rõ vị trí, vai trò và chức năng của gia đình trong sự vận động và phát triển của xã hội, tức là sẽ phân tích gia đình không chỉ là một giá trị sống của các cá nhân mà còn như là một động lực phát triển xã hội.
Ở Việt Nam, chúng ta sẽ không có truyền thống, nếu không có truyền thống trong thiết chế gia đình. Thông qua các chức năng kinh tế, chức năng chính trị, chức năng giáo dục, xã hội hóa con người, chức năng văn hóa, chức năng tình cảm… gia đình đã không chỉ đóng góp tích cực vào việc sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần mà còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, bảo toàn các giá trị của dân tộc, phát triển và chuyển tiếp nó cho các thế hệ mai sau.
Sẽ là cần thiết nếu chúng ta bắt đầu tìm hiểu về vị trí vai trò và chức năng của gia đình bằng việc nghiên cứu, làm rõ gia đình từ các chiều cạnh của cơ cấu xã hội Việt truyền thống. Chúng ta dường như đã khá quen thuộc với những lát cắt về cơ cấu giai cấp, cơ cấu lao động nghề nghiệp, cơ cấu dân cư và dân số, cơ cấu thể chế chính trị v.v... mà trong thời gian gần đây đã được khá nhiều nhà khoa học đề cập tới. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về giá trị gia đình, chúng tôi muốn tiếp cận cơ cấu xã hội theo một lát cắt khác, trong đó hy vọng gia đình có thể được nhìn một cách trực diện và trên cơ sở đó mà thấy rõ hơn các mối quan hệ xã hội xoay quanh nó, đặc biệt là xác định chỗ đứng của nó trong sự vận động và phát triển của các giá trị xã hội.
Ở đây, chúng tôi tập trung vào việc phân tích hai chiều cơ cấu. Thứ nhất, chiều cơ cấu - chức năng của gia đình trong xã hội, tức là phân tích sự vận hành của một cơ cấu có ba cực: gia đình- cá nhân- cộng đồng xã hội. Thứ hai, chiều lịch đại của cơ cấu gia đình trong xã hội, tức là phân tích gia đình trong sự vận hành khách quan của lịch sử từ quá khứ tới tương lai: Chúng tôi hy vọng với cách phân tích như vậy có thể gắn kết những vấn đề khá rộng lớn của các mặt gia đình, giá trị gia đình, văn hóa văn hóa gia đình vào một bộ khung nhận thức có vẻ giản lược hơn, ngõ hầu tránh được một sự dàn trải và tản mạn vốn có của một đề nghiên cứu khó - Chủ đề gia đình.