Hướng tới kết thúc dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030

Ngày 1/12, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống bệnh AIDS năm 2030 với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Ninh Bình hướng tới mục tiêu 95 - 95 - 95 năm 2030 gồm: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình; 95% người chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Dịch HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, có xu hướng chuyển dần từ nhóm nghiện chích ma túy sang nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam ở độ tuổi rất trẻ, đặc biệt trong nhóm học sinh, sinh viên. Vì vậy, HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm, đồng thời trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ cắt giảm, việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được, cũng như hoàn thành Mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2030 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức lớn.

Hướng tới kết thúc dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030 - Ảnh 1.

Người nhiễm HIV tới cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe, lấy thuốc theo định kỳ. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Trước những khó khăn, thách thức này, Ninh Bình luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Ngày 5/12/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn. Đây là điều kiện rất thuận lợi để hoàn thành mục tiêu đề ra. Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023, Giám đốc Sở Y tế tỉnh kêu gọi toàn thể cộng đồng xã hội chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể cần chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng được ý thức phòng, chống HIV/AIDS của cả cộng đồng; khuyến khích các đột phá, sáng kiến, cải tiến mới trong việc tiếp cận đối tượng có hành vi nguy cơ cao, đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV, duy trì và mở rộng hệ thống điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị thuốc kháng virus HIV chất lượng, hiệu quả.

Ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS của cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng đang bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều người nhiễm HIV chưa biết được tình trạng nhiễm của mình và chưa tham gia điều trị bằng thuốc kháng virus. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV chưa được hoàn toàn xóa bỏ là rào cản khiến cho người nhiễm HIV/AIDS chưa dám công khai danh tính và e ngại khi tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc, điều trị... Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, đơn vị tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trong điều trị HIV/AIDS, điều trị Methadone, sáng tạo trong việc tiếp cận người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV để cung cấp dịch vụ từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện, tư vấn tham gia khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, điều trị các bệnh viêm gan virus C, đồng nhiễm HIV/lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngay sau lễ mít tinh, đoàn xe cổ động hưởng ứng Tháng Hành động diễu hành qua các trục đường chính của thành phố Ninh Bình; qua đó giúp người dân có thêm hiểu biết, kiến thức phòng, chống HIV/AIDS góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hải Yến/TTXVN

Link gốc: TTVH