Huế tròn 30 năm là di sản văn hóa thế giới
Cách đây đúng 30 năm, quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận. 10 năm sau, đến lượt Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nằm trong chuỗi kỷ niệm 30 năm, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa nổi bật đổ chức bên trong hoàng cung Huế. Ngoài chương trình nghệ thuật kỷ niệm, còn có các sự kiện như triển lãm Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh, triển lãm Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa, triển lãm "Thần kinh nhị thập cảnh" - Thơ vua Thiệu Trị qua thư pháp truyền thừa của Đài Loan…
Từng rơi vào tình cảnh lâm nguy
Ngược dòng thời gian về những năm 1970, khi mà những giá trị di sản văn hóa, lịch sử - vật thể cũng như phi vật thể - được hình thành, bồi đắp hàng trăm năm của một cố đô đang phải đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại và biến mất. Nguyên do chính là ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai và thời gian.
Năm 1981, sau khi nghiên cứu và khảo sát quần thể di sản Huế, ông M'Bow (Tổng giám đốc UNESCO) đã ra lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế, với thông điệp: "Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng" và chỉ có "một sự cứu nguy khẩn cấp" với nỗ lực của chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên.
Ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết, từ quan điểm chỉ đạo của trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng giám đốc UNESCO, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Huế.
Đã có hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên - Huế trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Cũng theo ông Trung, đến nay Thừa Thiên - Huế đã có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.
"Đa số các công trình kiến trúc thuộc hệ thống cung đình triều Nguyễn đã được lập hồ sơ, phục dựng, trùng tu… Về di sản phi vật thể, đã phục dựng, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học phần lớn tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng. Một số lễ hội cung đình quan trọng của triều Nguyễn được phục hồi thành công, như: lễ Ban sóc, lễ Tế giao, lễ Tế xã tắc, lễ Truyền lô - Vinh quy bái tổ…
Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa lịch sử luôn gắn liền với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà" - ông Trung chia sẻ.
Trở thành khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) khẳng định, trung ương đã hết sức quan tâm, kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.
Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn chưa được khắc phục, vẫn còn đó không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi; các tiềm năng, thế mạnh của di tích Huế chưa được phát huy hiệu quả, lợi thế so sánh của vùng đất cố đô.
"Các giá trị văn hóa phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu. Việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế" - ông Nguyễn Văn Phương nói.
Người đứng đầu chính quyền Thừa Thiên - Huế hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế, cùng bạn bè gần xa, để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất cố đô Huế được hiệu quả hơn.
Đánh giá về di sản Huế sau 30 năm được công nhận, bà Miki Nozawa (Quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam) cho rằng công tác bảo tồn di tích cố đô đã được phát huy với tinh thần quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả to lớn.
30 năm trước, UNESCO và cộng đồng quốc tế nhận thức sự cấp bách của việc hỗ trợ Việt Nam gìn giữ và bảo vệ các di sản quý báu của mình. Phần lớn các di tích ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Khi đó Việt Nam chỉ vừa mới bước vào thời kỳ đầu hội nhập quốc tế và còn nhiều khó khăn.
"Vậy mà 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu di sản thế giới này, với những kết quả vô cùng tích cực, sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn" - bà Miki Nozawa nói.
Người đứng đầu UNESCO tại Việt Nam nhận định quần thể di tích cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.
Di sản Huế là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã khẳng định như thế khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm quần thể di tích cố đô Huế, 20 năm nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới diễn ra tối 17/6 tại TP Huế.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, việc UNESCO công nhận di sản quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Chính điều này sẽ khẳng định với thế giới rằng: văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa.
Di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Di sản Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia, các đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.
Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn, rất đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên - Huế. Bám sát nguyên tắc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hóa phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững…