Tay vợt Thuỳ Linh: Khi giấc mơ còn lớn hơn 'túi tiền'

"Hot girl" cầu lông Nguyễn Thùy Linh ở trận chung kết giải cầu lông Đức mở rộng Super 300 phải nhờ đến một đồng nghiệp làm HLV vì cô đang sang châu Âu dự một loạt giải đấu mà không có HLV đi kèm. Chi tiết này khiến cộng đồng mạng "dậy sóng", nhưng trên thực tế thì chuyện các VĐV ở những môn cá nhân "một mình một ngựa" dự các giải đấu là điều bình thường. Mọi thứ nằm ở chỗ… túi tiền.

Tất nhiên là bất kỳ môn thể thao nào, từ tập thể đến cá nhân, đều cần HLV. Hay nói cách khác, có HLV thì vẫn tốt hơn là không. Ngay như những môn chơi có tính độc lập cực cao như cờ, cũng vẫn cần có HLV. Trong khi các môn như quần vợt, cầu lông, boxing, bóng bàn thì HLV còn kiêm thêm công việc của trainer (tập luyện trong lúc chờ thi đấu), hồi phục thể lực, chuyên gia tâm lý…

Trường hợp sa sút của cơ thủ vô địch thế giới Bao Phương Vinh ở môn billiard carom 3 băng thời gian gần đây cũng có thể nói là thiếu một HLV. Là một cơ thủ trẻ và lên đỉnh cao sớm, quãng thời gian sắp đến của Phương Vinh chắc chắn còn nhiều thách thức ở môn chơi mà yếu tố "gừng càng già càng cay" luôn rất quan trọng.

Các VĐV thi đấu tại các môn cá nhân luôn phải cần một HLV bên cạnh lúc còn trẻ, thời điểm mà họ chưa thể tự kiểm soát mọi thứ như những người giàu kinh nghiệm.

Nhưng nói đến chuyện có HLV tức là nói đến tiền. Hồi công bố chi phí cho đợt tập huấn dài ngày của "Tiểu tiên cá" Ánh Viên ở Mỹ, nhiều người thắc mắc đến các khoản chi không nhỏ dành cho HLV của cô, nhưng thực tế thì  đó là những chi phí hợp lý, không thể khác được và cũng không thể bỏ được.

Với Ánh Viên, chuyến tập huấn đó theo chương trình đầu tư của ngành thể thao nên có ngân sách dành cho HLV, nhưng trong trường hợp của những Lý Hoàng Nam, Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh hay các VĐV golf, cờ… thì việc "cắt" chi phí cho HLV là điều đầu tiên thực hiện bởi đây là những giải đấu nằm trong hệ thống chuyên nghiệp, thi đấu không hẳn vì tiền thường mà là "phải"  đi để tích lũy điểm nhằm thăng hạng cá nhân. 

Muốn đi được nhiều, dự nhiều giải đấu mà không phải giải nào cũng tiến sâu để có tiền thưởng, thì việc đầu tiên là phải tiết kiệm chi phí. Với các VĐV nhà nghề trong quần vợt hay cầu lông, họ xem đây là khoản đầu tư rủi ro. Tức là dồn tiền cho khoản đi lại, ăn ở nhưng phần thu lại có thể rất ít ỏi. Cái được duy nhất là chỉ số cá nhân.  

Khi giấc mơ còn lớn hơn… - Ảnh 1.

Cây vợt cầu lông nữ số một Việt Nam Nguyễn Thuỳ Linh đã quá quen với việc thi đấu ở nước ngoài mà không có HLV đi cùng. Ảnh: Hoàng Linh

Nói như vậy để thấy cái rào cản cho những VĐV Việt Nam lớn đến mức nào trên con đường của thể thao nhà nghề thế giới. Ở các môn thi đấu cá nhân, VĐV Việt Nam thường có xuất phát điểm thấp, nghĩa là họ rất cần có HLV chuyên biệt để hỗ trợ.

Nhu cầu này sẽ nhiều hơn các VĐV ở những quốc gia có thế mạnh. Mâu thuẫn nằm ở chỗ đó, chúng ta rất cần nhưng lại… không có tiền. Bài toán này không giải nổi, thì việc có một VĐV đạt đến đỉnh cao thế giới trở thành chuyện không tưởng.

Ở lúc đỉnh cao sự nghiệp, VĐV Nguyễn Tiến Minh, người từng có thời điểm đứng hạng 5 thế giới môn cầu lông, đã mơ ước có học viện cầu lông mang tên mình để đào tạo ra những VĐV nhà nghề suốt ngày cầm vợt đi khắp thế giới thi đấu kiếm tiền, tích điểm.

Tham vọng ấy cho đến nay vẫn chưa thành, còn Tiến Minh thì vẫn đang còn thi đấu ở tuổi U40 vì chẳng có một tay vợt nam nào đủ khả năng vượt qua anh.

Có một chi tiết đáng chú ý: cơ hội lớn nhất của thể thao Việt Nam trên những đấu trường quốc tế như Asiad hay Olympic thông thường sẽ rơi vào các môn mang tính cá nhân nhờ yếu tố hạng cân hay môn thể thao đó phù hợp với thể trạng người Việt Nam.

Rất khó có thành tích cao ở những môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền trong khi chi phí dành cho những môn này thường khá nặng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chủ yếu đợi chờ ở các trường hợp mang tính ngoại lệ, thiên bẩm chứ không có những chiến lược mang tính tổng thể để phát triển các môn cá nhân.

Đó là lý do mà thể thao Việt Nam vẫn hay có những "điểm gãy" thế hệ, không có sự ổn định lâu dài và từ đó cũng đánh mất sự quan tâm của công chúng.

Nói cho cùng, giấc mơ chinh phục cần đi kèm với túi tiền phù hợp trong đầu tư. Mà muốn có nhiều tiền thì lại cần một kế hoạch dài hạn… 

 

Long Khang

Link gốc: TTVH