Kỷ niệm 50 năm ngày NASA chụp tấm ảnh Trái Đất trứ danh và thay đổi cách nhân loại nhìn nhận Địa Cầu

Ngày 7/12/1972, nhóm phi hành gia tham gia sứ mệnh Apollo 17 đã giúp nhân loại nhìn thấy toàn cảnh Trái Đất lần đầu tiên.

Công nghệ đã phát triển vượt bậc trong những năm qua, nhưng Viên bi Xanh vẫn đặc biệt nhờ một điểm khác biệt - đây là tấm ảnh do con người bấm máy.

Hôm nay ngày 7 tháng 12 đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm thời điểm NASA chụp tấm ảnh Viên bi Xanh - Blue Marble. Nhóm phi hành gia trên tàu Apollo 17 - sứ mệnh khám phá Mặt Trăng có phi hành gia cuối cùng của NASA tính tới nay - đã chụp lại Trái Đất một cách vẹn toàn và đồng thời, thay đổi mãi mãi cách chúng ta nhìn nhận mái nhà chung của nhân loại.

Trong tấm ảnh Viên bi Xanh, Trái Đất hiện rõ giữa khung hình, lơ lửng giữa không gian rộng lớn. Người xem có thể thấy rõ Châu Phi cũng như một phần băng của Nam Cực.

Kỷ niệm 50 năm ngày NASA chụp tấm ảnh Trái Đất trứ danh và thay đổi cách nhân loại nhìn nhận Địa Cầu - Ảnh 2.

Tấm ảnh Viên bi Xanh - Blue Marble được chụp bởi phi hành đoàn trên tàu Apollo 17 - Ảnh: NASA.

Chụp bằng máy phim Hasselblad, đây là tấm ảnh đầu tiên chụp được toàn bộ Trái Đất. Người ta cũng cho rằng đây là tấm ảnh được phục dựng nhiều nhất trong lịch sử. Trước thời điểm 7/12/1972, nhân loại chưa một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp vẹn nguyên của Trái Đất, cũng vì chúng ta không có cách nào đứng từ trên cao quan sát quê hương.

Khi phi hành đoàn Apollo 17 du hành tới Mặt Trăng, họ đã quyết định chụp tấm ảnh khi ở cách Trái Đất 29.000 km. Ngay lập tức, tấm ảnh trở thành biểu tượng cho tình nghĩa hòa thuận và tinh thần thống nhất của những người anh em sống chung một mái ấm.

Kỷ niệm 50 năm ngày NASA chụp tấm ảnh Trái Đất trứ danh và thay đổi cách nhân loại nhìn nhận Địa Cầu - Ảnh 3.

Đa số các tấm ảnh chụp Trái Đất trong các sứ mệnh trước đều cho thấy một Địa Cầu đang “mọc”, với một phần Hành tinh Xanh nằm ẩn trong bóng tối - Ảnh: NASA.

Những tấm ảnh dạng này không dễ chụp chút nào. Để bắt được khoảnh khắc quý giá, Mặt Trời cần phải nằm phía sau vị trí đặt máy. Theo lời phi hành gia Scott Kelly, rất khó chụp một tấm ảnh sắc nét khi một con tàu đang du hành ở tốc độ cao.

Tấm ảnh không chỉ cho thấy kỹ năng của các phi hành gia bay trên Apollo 17, mà còn nêu bật ý nghĩa Trái Đất như một mái nhà chung, không hề tồn tại ranh giới phân chia người với người.

Tấm ảnh thay đổi nhận thức

Theo lời nhà địa lý học Denis Cosgrove, tấm ảnh Viên bi Xanh đã làm thay đổi những quy ước vẽ bản đồ cũng như làm xáo trộn ngành nghiên cứu bản đồ. Bằng cách loại bỏ các lưới địa lý - là tấm lưới tạo nên từ các kinh và vĩ tuyến, cách thức vẽ lại Trái Đất đã được cải tiến sau hàng trăm năm áp dụng.

Hơn nữa, Viên bi Xanh đã đặt Châu Phi làm tiêu điểm, khác với những tấm bản đồ lấy Châu Âu làm chuẩn trước đây, vốn làm giảm kích cỡ Lục địa Đen đi vài phần. 

Kỷ niệm 50 năm ngày NASA chụp tấm ảnh Trái Đất trứ danh và thay đổi cách nhân loại nhìn nhận Địa Cầu - Ảnh 4.

Bản đồ thế giới vẽ năm 1689 - Ảnh: Wikimedia Commons.

Từ Thời kỳ Khai sáng, khả năng tạo tác bản đồ vẫn được coi là cách thức chúng ta kiểm soát Trái Đất. Tấm ảnh Viên bi Xanh lập tức phá tan quan niệm làm chủ của con người, khiến chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước sự hùng vĩ của tự nhiên. Trong cuốn sách Trái Đất Mọc, Robert Poole viết về tấm ảnh lịch sử như sau:

"Dù rằng không một ai có thể thốt nên lời vào thời điểm ấy, tấm ảnh Viên bi Xanh là một bản tuyên ngôn bằng hình ảnh đại diện cho công lý toàn cầu".

Những hậu bối của Viên bi Xanh

Khó có thể tách rời tấm ảnh lịch sử với tình hình khí hậu Trái Đất những năm trở lại đây. Ngay từ ngày Viên bi Xanh được công bố, nó đã lập tức trở thành biểu tượng dẫn đầu phong trào xanh hóa Trái Đất, thậm chí còn xuất hiện thường niên trong Ngày Trái Đất được tổ chức vào 22/4.

Cách chúng ta nhìn nhận mái ấm chung cũng đã thay đổi nhiều trong những thập kỷ vừa qua. Hồi thập niên 90, NASA đã sử dụng máy tính tạo ra tấm ảnh kỹ thuật số Viên bi Xanh: Thế hệ Kế tiếp để vinh danh thành công của sứ mệnh Apollo 17. Hình ảnh sắc nét được ghép từ hàng ngàn tấm ảnh vệ tinh chụp Trái Đất ở những thời điểm khác nhau.

Công nghệ chụp ảnh không gian tiếp tục phát triển, cho ra những tác phẩm mới với độ chi tiết chưa từng có. Năm 1995, Kính viễn vọng Không gian Hubble tiết lộ cảnh tượng hùng vĩ tại Tinh vân Đại bàng. Được gọi bằng cái tên “Cột trụ của Tạo hóa”, khối khí và bụi vũ trụ khổng lồ liên tục phản ứng để tạo ra những ngôi sao mới cho vũ trụ.

Kỷ niệm 50 năm ngày NASA chụp tấm ảnh Trái Đất trứ danh và thay đổi cách nhân loại nhìn nhận Địa Cầu - Ảnh 5.

Cột trụ của Tạo hóa do Kính viễn vọng Hubble chụp năm 1995 - Ảnh: NASA.

Đầu năm nay, NASA công bố những tấm ảnh đầu tiên do Kính thiên văn Không gian James Webb chụp được. Dựa trên những thành tựu mà Hubble có được, kính Webb một lần nữa nhìn lại vào những khoảng không từng được nghiên cứu, thu nhận những bước sóng ánh sáng hồng ngoại vốn không thể thấy được bằng mắt thường. 

Kỷ niệm 50 năm ngày NASA chụp tấm ảnh Trái Đất trứ danh và thay đổi cách nhân loại nhìn nhận Địa Cầu - Ảnh 6.

Cột trụ của Tạo hóa với độ dài lên tới 4-5 năm ánh sáng, chụp bởi kính James Webb - Ảnh: NASA.

So sánh với Viên bi Xanh, những tuyệt tác mới của những hệ thống hiện đại quả thực ấn tượng. Nhưng đẹp đến mấy, chúng vẫn thua tuyệt tác năm 1972 tại một điểm: Viên bi Xanh là tấm ảnh ghi lại toàn Trái Đất cuối cùng được thực hiện bởi con người với máy cơ.

Kim

Link gốc: TTVH