Ngẫm ngợi cuối tuần: Thấm thía hội làng xưa

Bà tôi bảo, tháng Hai xứ Đông, thang Ba - Đoài, tháng Tư - Duyên hải. Đó là bà giải thích về thời gian của các lễ hội. Đồng bằng Bắc Bộ không chỉ là vựa lúa mà còn là một vùng văn hóa đặc sắc. 

Đông là vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh nổi tiếng về chùa chiền. Đoài (phía Tây) là xứ Đoài gồm Hà Đông và Sơn Tây nổi tiếng về đình. Đông - Đoài như hai vế đối, là cái rốn văn hóa của miền Bắc.

Tháng Hai - Đông, là tháng có các lễ hội nổi tiếng vùng Kinh Bắc, nhất là các hội chùa, trôi dần theo thời gian của mùa Xuân. Tháng Ba hội rộn rã ở Đoài, và tháng Tư thì hội lễ trôi về vùng Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Chỉ riêng Bắc Ninh thôi, thống kê cho biết đã có 613 chùa lớn nhỏ, so với Hà Nội 276 chùa thì Bắc Ninh vẫn đứng hàng đầu. Chùa nào hàng năm  cũng có hội, chẳng qua chùa lớn tầm ảnh hưởng rộng thì đông vui hơn, chùa nhỏ thì chỉ quanh quẩn người trong làng. Xưa "đình vua - chùa dân", chỉ có đình nằm trong thiết chế nhà nước phong kiến cai quản. Có việc ra đình chỉ đàn ông, còn đàn bà không được bén mảng tới. Còn chùa là của đàn bà. Đàn ít ai đi chùa. Dân gom góp cùng nhau xây chùa, dân quản lý để có nơi lễ Phật, nên chẳng mấy làng, tổng không có chùa... Dân cúng dường thì sư trụ trì giữ thay cho làng để tu bổ, chứ sư không được đụng đến tiền công đức đó. Thời ấy, làng cấp đất ruộng cho sư cày cấy. Sư làm đậu, làm tương, trồng rau tự nuôi mình...

Ngẫm ngợi cuối tuần: Thấm thía hội làng xưa - Ảnh 1.

Các bà già về dự hội làng

Hội lễ rải ra thế để người ta còn đi giao lưu. Văn hóa Bắc Bộ vì thế mà quấn quýt trong việc thăm viếng, bồi bổ cho nhau thêm đậm đà, giàu có thêm tinh thần văn hóa làng quê.

Thời bà tôi, nhiều người thông thạo hết các hội trong vùng là vì thế. Công việc bận rộn cả năm nhưng không thể không sắp xếp thời gian để đi các hội trong vùng.

Càng nể các cụ khi chỉ có đôi chân dận bộ và tấm lòng thành kính mà vãn cảnh đình chùa hết Xuân sang Hè.

Lúc ấy bà tôi đã rất già. Vào ngày đầu Xuân, tôi ngồi cùng bà, bỗng nghe tiếng trống hội vật thúc phía đầu làng, bà nói với cháu như tự nói với mình: Hồi bà mới về làm dâu, cứ nghe tiếng trống hội là lại thấy lòng ngao ngán. "Sao thế hả bà"? - tôi thắc mắc. "Chả là lúc đó bà còn trẻ, bố chồng sợ con dâu ham hội bỏ việc, lại còn sợ quen chân đi hội rồi dễ mắc vào chuyện trai gái nên cấm đoán. Lúc ấy bà nhớ hội lắm, lúc nào cũng nhớ...

Nói đến đây bà ngồi lặng im, đôi mắt mờ đục xa xăm. Bà đang đi về kí ức.

      ***

Lễ hội là văn hóa làng xã. Lễ hội là cái giữ cho làng quê yên bình. Năm trước, về hội chùa làng, tôi ghé vào hậu chùa buổi đêm, thấy các bà các chị đi hội mang cơm nắm muối vừng, rải lá chuối, xắt ra bỏm bém nhai cùng câu chuyện quê mình cho người bên cạnh cùng nghe. Người thì tay nải gối đầu, nằm túm tụm trên những chiếc chiếu hoa rải ngay xuống nền nhà chập chờn qua đêm.

Nhưng nào có thấy ai ngủ. Lan man sang chuyện lời ca câu hát. Một bà già hát cho bạn hội nghe bài hát về một trăm loại cỏ. Bà bảo có năm bà cùng nàng dâu đi hội đình Đông Hồ, hai mẹ con hát tiến cửa đình, mẹ đóng vai chủ nhà, con dâu đóng vai đứa ở chăn ngựa. Như thế để có cớ kể về trăm loại cỏ. Quê bà đâu như ở Bắc Giang.... Chuyện ấy cũng đã lâu rồi.

 Thì ra ngày trước  đi hội là như vậy. Đâu chỉ có rước xách, cắm cúi cúng lễ, xem chỗ nọ, ngó chỗ kia. Đi hội còn là để dịp giao lưu giải tỏa. Cách đi hội của một lớp người nhà quê chân đất thời ấy đậm đà mà thực tế.

Sau một năm đi hội về, mang theo thêm bao nhiêu hiểu biết về những nơi mình chưa kịp đến, học thêm bao nhiêu về kĩ năng sống. Đi hội đâu bằng chân mà cả bằng tai! Đi hội bằng tai cũng giúp cho họ bao nhiêu kiến thức cuộc sống. Cứ tưởng giao lưu là của thế hệ đương đại đẻ ra. Không, đi hội là đi học - các cụ nhà ta làm việc đó từ đời nảo nào rồi.

Tôi da da diết nhớ bà. Bà đã theo tổ tiên từ lâu. Nhưng đến hôm nay đứa cháu của bà mới hiểu cái hay của hội lễ một thời.

 Bây giờ tinh thần đến hội nông hoẻn. Một là cắm cúi cúng lễ cầu tài cầu lộc như ở đền miếu, hai là lớt phớt lấy tí không khí rồi tìm hàng quà xả láng. Hội bây giờ ngày một nhạt chứ không đầy phong vị như xưa.

Họa sĩ Đỗ Đức

Link gốc: TTVH