Mùa Hè bất tận của Nguyễn Nhật Ánh
Sáng 19/9 tại Nhà xuất bản Trẻ (TP.HCM) đã ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Mùa Hè không tên. Chủ đề, nguồn cảm hứng chính có thể quy về 2 câu thơ mà Nguyễn Nhật Ánh viết trong truyện dài này: "Tình như áo cũ lâu không mặc/ Chiều lòng nắng mới lấy ra phơi".
Hè có lẽ cũng là một mùa đặc biệt với Nguyễn Nhật Ánh, vì nhiều tác phẩm của ông có bối cảnh mùa Hè như Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, Ngồi khóc trên cây, Bảy bước tới mùa Hè… "Khi còn ở quê, suốt tuổi thơ tôi gần như là một mùa Hè, vì học rất nhàn, đi chơi trong làng Đo Đo là chủ yếu. Rời xứ Quảng năm 14 tuổi, tôi đã có nhiều mùa Hè khác, nhưng ký ức thì gần như chỉ có một mùa Hè ở Đo Đo mà thôi" - Nguyễn Nhật Ánh nói.
Về lại với xuân thì
Truyện dài Mùa Hè không tên lấy bối cảnh làng Đo Đo, một địa danh không xa lạ đối với độc giả của Nguyễn Nhật Ánh. Đo Đo từng được nhắc đến trong tác phẩm Quán Gò đi lên, là bối cảnh của Mắt biếc và Ngồi khóc trên cây. Có thể nói ngôi làng có thực ở Quảng Nam này, gắn bó với tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, đã trở thành nguồn cảm hứng để ông viết lên nhiều tác phẩm. Sau này từ trang sách lên màn ảnh, với bộ phim Mắt biếc của Victor Vũ. Từ một mảnh tình quê riêng đã tìm được sự đồng điệu với độc giả khắp nơi.
Bài thơ Làng, in trong phần phụ lục của Mùa Hè không tên, bộc bạch phần nào tâm sự và tâm thế của một người con xa quê: "quê xa quá ta không về hái quả/ gặp tre xanh thôi cứ gọi là làng/ những vì sao thắp đèn trong ký ức/ những mặt người gây gổ với thời gian/ ta gìn giữ vui buồn như đã hứa/ mặc tháng ngày dắt díu dẫn nhau đi/ đêm Đông giá vẫn bùng lên ánh lửa/ chờ năm sang ta về lại xuân thì"…
Có thể nói Mùa Hè không tên chính là sự "về lại xuân thì", về với làng quê, với những câu chuyện tuổi thơ, tình bè bạn, gia đình, thầy cô.
Vì sao là "mùa Hè không tên"? Người kể chuyện lý giải: "Sau mùa Hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Vì vậy, tôi muốn đặt cho nó một cái tên để nó không giống với những mùa Hè khác trong đời tôi, mỗi khi tôi nhớ về".
Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, có lẽ không chỉ riêng ông, mà với những ai từng qua tuổi học trò, mùa Hè lúc nào cũng có nhiều điều đáng nhớ, với tiếng ve, hoa phượng, là mùa chia tay, gắn với những hồi ức. Trong các loài hoa, ông yêu thích nhất là hoa phượng, bởi nó gắn liền với cảm xúc của thời áo trắng, của mùa Hè. Cả bây giờ, dù đi đến bất kỳ thành phố nào, ông cũng tìm xem con đường nào nhiều hoa phượng nhất, cố đi trên con đường đó thật nhiều, dẫu cho quãng đường có xa hơn.
Tình yêu với hoa phượng, với mùa Hè, với những điều bình dị… là mạch chảy của cả tập truyện. Ở đó có những trò tinh nghịch, những cảm xúc trong trẻo, những rung động đầu đời. Mùa Hè của tình yêu và tình thân, của tiếng cười lẫn nỗi buồn. Những điều mà độc giả thấy khá quen thuộc trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sẽ còn trở đi trở lại trong những sáng tác khác ở tương lai, vì đó chính là "chờ năm sang ta về lại xuân thì" của ông.
Để mở rộng mùa Hè
Trở đi trở lại với cùng đề tài, cùng niềm cảm hứng như vậy, nhưng suốt nhiều năm qua, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vẫn tìm được cho mình số lượng độc giả đông đảo, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.
Dù học sinh hôm nay đã rất khác thời trước, từ cách nghĩ, cách sống, đến bối cảnh xã hội, thời đại, nhưng những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vẫn thu hút được đối tượng độc giả trẻ, đúng là một hiện tượng.
Lùi xa hơn một chút, năm 2022, Nguyễn Nhật Ánh cho ra mắt Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, truyện dài thiếu nhi với nhân vật chính là con vật trong đời sống hằng ngày. Đầu năm 2023, ông cho ra mắt tác phẩm Những người hàng xóm, ra khỏi bối cảnh và không gian thân thuộc, để đưa người đọc đến nước Bỉ, với những nhân vật và sinh hoạt phương Tây. Đến Mùa Hè không tên chính là cuộc trở lại với cảnh cũ người quen, với những tình cảm dung dị theo phong cách của những ngày xưa.
Một thế giới được nhà văn dựng lên từ rất lâu, qua hàng chục tác phẩm, từ một cánh phượng tỏa ra thành gốc sân, thành khoảng trời đầy hoa mộng. Rồi những đứa trẻ, những cô cậu học trò cũng như là hàng xóm của nhau, quen biết hoặc có mối quan hệ xa xôi nào đó, đều được nhà văn dắt tay bạn đọc giới thiệu từng gương mặt một. Các nhân vật trong Mùa Hè không tên là phần mở rộng, là một góc khác trong cái thế giới ấy.
Trong buổi họp báo, nhà văn Hồ Huy Sơn đã tinh ý nhận ra, phần chính văn Mùa Hè không tên được hoàn thành ngày 3/7/2023, còn phần phụ lục hoàn thành ngày 10/7/2023. Tác phẩm kết mà không kết, nên thế giới của hoài niệm tiếp tục nối dài. Dù là "mùa Hè không tên" hoặc "mùa Hè chia tay", "mùa Hè ưu tư", "mùa Hè định mệnh", "mùa Hè có mây tím bay"… thì đó cũng là một mùa Hè bất tận - một mùa Hè mà Nguyễn Nhật Ánh không thể rời xa, vì ông đã thường trực ở trong đó.
In lần đầu 80.000 bản
Gồm phiên bản bìa cứng và bìa mềm. Phiên bản bìa cứng có thêm 25 tranh minh họa của Đỗ Hoàng Tường, họa sĩ nổi tiếng, đã gắn bó với hầu hết tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Bản này còn tặng chặn sách, lót ly và bức tranh in màu trên giấy couche, khổ 19,5 x 33cm.
Trước đó, NXB Trẻ đã tổ chức cuộc thi sáng tác thơ theo tên sách Mùa Hè không tên, thu hút rất nhiều bạn đọc tham gia.