Nghệ sĩ Linh Huyền mang cải lương ra thế giới
Nghệ sĩ cải lương Linh Huyền hiện sinh sống tại thành phố Spoleto, Italy, cùng chồng và 2 con gái. Dù ở xa quê hương, nhưng chị luôn gắn bó tâm hồn và các hoạt động với văn hóa Việt Nam. Ngoài nghệ thuật cải lương, chị còn là nhà sưu tập rất quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam.
Tại LHP Cannes 2024 vào tháng 5 tới đây, giai điệu Dạ cổ hoài lang sẽ xuất hiện trong phim Grand Tour của đạo diễn Miguel Gomes, với giọng a capella của Linh Huyền.
Chồng của Linh Huyền là họa sĩ Richard Asinari di San Marzano, thuộc dòng dõi có nhiều cống hiến cho đất nước Italy; anh cùng với nhà sưu tập Dominic Scriven người Anh từng phụ trách giải thưởng Dogma nổi tiếng, nơi khuyến khích các họa sĩ Việt Nam vẽ chân chung tự họa. Chính bối cảnh đa văn hóa này càng giúp cho Linh Huyền trở thành một cầu nối của nghệ thuật Việt Nam tại Italy.
Từ mối lương duyên
Trong một chuyến du lịch Việt Nam, để anh khám phá văn hóa và tìm cảm hứng sáng tác, Richard Asinari di San Marzano đã mua vé vào xem một chương trình cải lương, dù không hiểu tiếng Việt, nhưng thấy nhạc điệu cải lương rất đặc biệt. Rồi đến lúc Linh Huyền ca và diễn, tim anh rộn ràng một cảm xúc kỳ lạ, nên đã chủ động tỏ tình ngay sau đó.
Sau một thời gian tìm hiểu, 2 người kết hôn. Lẽ ra, sau hôn lễ cả 2 sẽ bay về Italy, nhưng vì Linh Huyền muốn được diễn cải lương, chị mong chồng ở lại TP.HCM một thời gian. Vì yêu vợ hết mực, anh đã đồng ý.
Trong suốt thời gian đó, anh đứng sau hỗ trợ chị hết mình. Linh Huyền đầu tư vào chương trình cải lương Hồn Việt nhằm mục đích nâng cao thẩm mỹ cho cải lương từ nội dung đến hình thức. Hai vợ chồng đổ vào đây rất nhiều tiền bạc và công sức. Hồn Việt thu hút được nhiều nghệ sĩ lớn tham gia và gây chú ý cho nhiều du khách quốc tế, vì diễn tiếng Việt có phụ đề tiếng Anh.
Thế rồi, trong bối cảnh cải lương gặp muôn vàn khó khăn, đa số ông bà bầu cải lương đều lỗ nặng, nên bà bầu kiêm nghệ sĩ Linh Huyền cũng không ngoại lệ.
Dẫu vậy, chưa lúc nào chị tuyệt vọng với nghệ thuật cải lương. Bằng nhiều cách khác nhau, chị gắn bó với nó qua rất nhiều hình thức. Một trong chuỗi hoạt động đó là từng bước sưu tầm các cổ vật liên quan đến cải lương để thành lập bảo tàng cải lương. Trong thời gian sưu tập, chị thỉnh thoảng về quê chồng để tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, mà ở đó chị luôn giới thiệu với người Italy về cải lương Việt Nam.
Đến khi con cái đến tuổi đi học, anh chị quyết định về Italy. Tưởng rằng sự cách trở về địa lý sẽ cắt đứt tình yêu cải lương trong máu thịt và tâm hồn của Linh Huyền. Ngược lại, khi được sống trong vùng đất mà người ta vô cùng trân trọng giá trị văn hóa dân tộc, tình yêu văn hóa dân tộc trong chị càng được hun đúc.
Linh Huyền bộc bạch: "Người Italy yêu quý giá trị truyền thống đến mức hầu như không muốn phá bỏ bất cứ cái gì đã tồn tại trong thành phố, tư gia, nhà thờ, thư viện… Điều này làm tôi thấy rằng cải lương là giá trị mà tôi và nhiều người Việt Nam cần bảo tồn, nếu không, có thể sẽ chẳng còn tồn tại nữa".
Năm 2023, Linh Huyền được Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam công nhận là Đại sứ nghệ thuật truyền thống dân gian. Nhiệm vụ của chị là đưa cải lương giao lưu các nước có cùng loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Chị tham gia các buổi thuyết trình trên giảng đường đại học, hoặc cùng với anh chị em nghệ sĩ từ Việt Nam đi biểu diễn trong các sự kiện và liên hoan.
Nét tương đồng Italy và Việt Nam
Trong thời gian ở Italy, chị nhận ra trong văn hóa Việt - Italy có nhiều điểm tương đồng, thế là chị tiến hành một dự án nghiên cứu có tên Ciao - Chào Italia. Tại đây, chị tìm hiểu về nét tương đồng trong âm nhạc Italy và Việt Nam. Đâu đó, trong các câu hát, điệu hò Việt khá giống nhiều âm điệu dân ca Italy.
Còn trong các mối quan hệ của gia đình ý hiện tại, chị nhận ra người mẹ vẫn giữ vai trò quyết định và người con trai có xu hướng vâng lời mẹ trong nhiều trường hợp. Người con dâu Italy có đức tính tận tụy với chồng và mẹ chồng, khá giống người con dâu Việt Nam. Gia đình Italy sống quay quần bên nhau giống gia đình Việt Nam. Dự án của chị còn nghiên cứu nhiều yếu tố khác nữa.
Linh Huyền cũng đã lập xong nguồn quỹ bảo trợ nghệ thuật truyền thống mang tên HVF (Hồn Việt Foundation) tại Maryland, Hoa Kỳ. Tổ chức cuộc thi tuyển lựa cải lương mang tên nhạc sĩ Út Trong, diễn ra định kỳ 2 năm/1 lần (lần 1 vào năm 2021). Xây dựng bảo tàng cải lương với bộ sưu tập gồm rất nhiều hiện vật và tài liệu nghiên cứu về âm nhạc cải lương từ thời kỳ sơ khai… Trong lúc chờ giấy phép, bảo tàng của chị tạm được lưu trữ trên mạng. Song song đó, chị tiến hành thực hiện bộ phim tài liệu về quá trình hình thành cải lương nhân 100 năm cải lương vào năm 2025.
Vào tháng 10/2024 tới đây, Linh Huyền sẽ về Việt Nam để chuẩn bị cho một hội thảo về âm nhạc cải lương và ra mắt quyển sách Triết lý vũ trụ trong âm nhạc cải lương. Còn sắp tới đây, Linh Huyền sẽ mang nhiều du khách phương Tây về Việt Nam tham dự chương trình Du lịch Việt Nam cùng đại sứ nghệ thuật truyền thống. Đây là tour độc quyền cho một kênh truyền hình của Hoa Kỳ. Du khách sẽ theo chân Linh Huyền suốt 12 ngày đêm từ Nam ra Bắc để thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống Việt Nam. Đây là cách Linh Huyền giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới. Trong các buổi thưởng thức tinh túy ẩm thực Việt Nam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống và cải lương Việt Nam.
Bộ sưu tập tranh họa sĩ nổi tiếng
Bên cạnh tranh đương đại, Linh Huyền đã có tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Thuận, Phan Kế An, Huỳnh Văn Gấm, Lưu Công Nhân, Lê Lam, Phạm Thanh Tâm, Huỳnh Phương Đông... trong bộ sưu tập của mình.