Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa

Đây là một lớp học được nhóm "Hoa của đá" xây cho trẻ em vùng cao. Những khuôn của sổ đa giác gây cảm giác mới lạ. Phía tường ngoài nhà chạy hẳn dải hoa văn mang phong cách của người Mông vắt sang hai đầu hồi với hai cụm mô-típ độc đáo, do chính bà con nơi đây thực hiện.

Năm nay là năm thứ 11, nhóm từ thiện Hà Nội mang tên "Vì tương lai trẻ em vùng cao" đã hoàn thành sứ mạng 10 năm đầu (từ 2014) xây dựng lớp học tại bản cho trẻ em vùng cao. Nhóm nay đổi tên thành "Hoa của đá".

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 1.

Lớp học mới khánh thành với cửa sổ hình trái núi và họa tiết hoa văn trên tường

Lớp học làm ở Đề Lảng, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), khởi đầu cho chu kì thứ hai cũng vừa mới khánh thành, giao cho địa phương quản lý hôm 6/1/2024. Đó là lớp học xây bằng gạch và bê tông tại chỗ thay thế cho cách làm cũ là nhà lắp ghép theo công nghệ Nhật. Lớp học lắp ghép làm trước đây, nghe như tạm bợ nhưng là công nghệ Nhật tiên tiến, nên bền chắc. Ngôi lớp làm cách nay 10 năm mà nay mới chỉ rão bản lề, cũ kĩ màu thời gian nhưng vẫn hoàn toàn vững chắc.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 2.

Hoa văn trên tường lớp học

Thiết kế nhà xây gạch, tạo hình cửa sổ và cửa lớp hình trái núi, gần gũi với thiên nhiên. Những khuôn của sổ đa giác gây cảm giác lạ cho phòng học mới, trông hiện đại hơn giữa vùng núi non, chắc chắn sẽ hấp dẫn các em đến lớp hơn.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 3.

Cửa sổ lớp học hình trái núi

Phía tường ngoài nhà chạy hẳn dải hoa văn mang phong cách của người Mông vắt sang hai đầu hồi với hai cụm mô-típ độc đáo, do chính người Đề Lảng thực hiện.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 4.

Mô-típ hoa văn cột nhà

Mô-típ đầu tiên là hình cột nhà, thể hiện 4 cột trong gian nhà chính của người Mông, tượng trưng cho sức mạnh của người đàn ông trong gia đình. Họ luôn là trụ cột trong các công việc lớn, thể hiện sức mạnh vào rừng lấy gỗ làm nhà, dựng vợ, gả chồng cho con…

Mô-típ thứ 2 là hình mâm cơm. Hàng ngày cả gia đình người Mông phải lên làm nương rẫy, khi mặt trời lặn, trở về nhà, người phụ nữ lại phải vất vả chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Trước đây còn có sự phân biệt trong gia đình: khi bữa cơm được dọn ra thì người bố và con trai ăn riêng một mâm trước, sau đó vợ, con dâu và những người phụ nữ trong gia đình mới được ăn ở mâm riêng. Cái sâu xa của hình vẽ này là ước muốn không có sự phân biệt trong bữa cơm và trong gia đình nói chung. Ngày nay, tục lệ ăn riêng này không còn nhưng phụ nữ Mông vẫn vẽ họa tiết này như một biểu tượng cho sự đoàn kết, vui vẻ trong mâm cơm gia đình.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 5.

Mô-típ hoa văn mâm cơm

Những họa tiết trang trí này do một số bà con trong thôn thể hiện bằng cách dùng bút kẻ bằng sơn đen lên tường. Họ hãnh diện được thể hiện hoa văn của dân tộc mình lên tường lớp học.

             ***

Sau 10 năm, sự thay đổi này trong chương trình xây trường thiện nguyện cho trẻ em vùng cao có tính bản lề. Những ngôi lớp mới xây dựng sẽ không đơn thuần chỉ là nơi trú mưa nắng, mà thiết kế kiến trúc mang theo dấu ấn văn hóa bản địa, càng gần thiên nhiên, càng gần tâm lý của người địa phương càng tốt.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 6.

Trẻ em nhận quà nhân ngày khánh thành lớp học

Nhóm "Hoa của đá" trong hành trình tiếp theo sẽ đi theo hướng mới này, làm giàu văn hóa bản địa khi xây dựng lớp học mới cho các cháu nhỏ từ mẫu giáo. Gợi thói quen thẩm mĩ và nâng cao thêm nhận thức thẩm mĩ cho các cháu.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 7.

Bà còn dự lễ khánh thành lớp học

Thiết kế này là của kiến trúc sư Phạm Trọng Nghĩa, thành viên chủ chốt của nhóm lo về xây dựng. Bây giờ tiến hành xây dựng địa phương đã quen làm việc trực tuyến với nhóm để giảm công đi lại mà chỉ đạo tiến độ vẫn sát sao và bảo đảm kỹ thuật.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 9.

KTS Phạm Trọng Nghĩa, người thiết kế lớp học

         ***

Nhìn lại mới thấy, nhóm làm các dự án xây trường kéo dài trên các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh đến hôm nay đã 11 năm, với 18 điểm trường, 44 lớp học tại các bản với trên 3.500m2 xây dựng cho mẫu giáo và lớp 1. Việc làm của nhóm cũng ít được truyền thông nhắc tới, trừ tôi là người trong cuộc đôi lúc viết bài. May mà sự phối hợp với làng bản để xây lớp học cũng khá tốt.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa - Ảnh 10.

Chủ tịch xã Nông Văn Ngay tại lễ khánh thành

Hy vọng rằng, tới đây, những lớp học này sẽ được sự quan tâm nhiều hơn nữa của địa phương, nhất là trong khâu bảo trì, để có thể tồn tại bền bỉ, đẹp mãi với thời gian như ước vọng "Hoa của đá".

Đông Ngàn

Link gốc: TTVH