Cuộc sống sau ống kính: Mái ngói, tường trình trên cao nguyên đá
Trở lại Hà Giang lần này, tôi vào Lô Lô Chải, một làng du lịch mới nổi như cồn vài năm gần đây ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Chủ homestay tôi ở là cô gái người Lô Lô Vàng Thị Xuyến. Cô nói rằng sở dĩ bản cô làm du lịch được như ngày hôm nay một phần nhờ giữ được và phát triển các ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương mà tiếng Lô Lô gọi là chiéo pa và yzá pa.
Đi vài vòng quanh Lô Lô Chải và cả bản Thèn Pả cũng ở dưới chân cột cờ Lũng Cú và cũng thuộc xã Lũng Cú, tôi phải thừa nhận là chính mái ngói âm dương, tường trình có thể là ấn tượng đầu tiên để thu hút du khách nườm nượp lên Lũng Cú. Du khách Việt Nam dường như đã quen với những nơi sang trọng, tiện nghi, họ muốn đến nơi này để sống chậm.
Ngoài những bản du lịch như Lô Lô Chải, Thèn Pả, phố cổ Đồng Văn hay làng du lịch cộng đồng Pả Vi (huyện Mèo Vạc) và một số làng du lịch được đầu tư tập trung, có vẻ như không gian kiến trúc của cộng đồng các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn đang dần mai một.
Tôi đến Đồng Văn lần đầu cách đây hơn 20 năm. Bên quốc lộ 4C, còn gọi là đường Hạnh phúc, khi ấy không khó để thấy san sát những ngôi nhà tường đất lợp ngói âm dương và cả những ngôi nhà đang làm bằng cách trình tường, cũng như những lò ngói âm dương đang nung bên đường. Theo thời gian, tôi cũng thấy những ngôi nhà trình tường đâu đó ở Sủng Là, Sà Phìn, Lũng Táo, Phố Bảng… bị đập bỏ để xây lên nhà gạch, còn mái ngói được dỡ bỏ để lợp bằng mái tôn.
Vài năm gần đây, khi kinh tế dần khấm khá, nhiều người dân vùng cao nguyên đá còn xây lên những ngôi nhà hai tầng rất lạ. Chúng vuông chằn chặn, tầng trên nhô ra với 3 ô cửa cũng hình vuông (xem ảnh). Những ngôi nhà như vậy xuất hiện ngày càng nhiều các xã ven quốc lộ 4C, mạn Thài Phìn Tủng, Sà Phìn… khiến tôi không còn hào hứng chụp ảnh.
Lại nhớ, cuối năm 2010, khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Hà Giang đã tổ chức một hội nghị công bố sự kiện này tại Hà Nội. Hôm đó, một lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị báo chí chuyển đến người dân cả nước đề nghị hãy "yêu Hà Giang đúng cách", để làm sao văn hóa các dân tộc ở Hà Giang không bị mai một, chẳng hạn khi lên Đồng Văn thì không cho kẹo, cho tiền, làm "hư" trẻ em.
Người viết bài hôm ấy cũng đặt vấn đề ngược lại, là cần làm thế nào để giữ được bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư vùng cao nguyên đá, trong đó điều dễ thấy, nhưng cũng dễ mất nhất là không gian kiến trúc đặc trưng…
Khó có thể nói rằng những ngôi nhà trình tường và mái ngói âm dương đã an toàn, kiên cố và tiện ích với đồng bào. Nhưng cũng khó thuyết phục nếu cho rằng những ngôi nhà đang được xây lên ở vùng này đã đảm bảo khoa học, tiện ích phù hợp với cảnh quan của Công văn địa chất toàn cầu công viên đá Đồng Văn.
Đây rõ ràng là một bài toán khó, nhưng chúng ta vẫn mong chính quyền và người dân vùng cao nguyên đá sẽ có giải pháp để giữ được bản sắc của mình trong kiến trúc. Đó là điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước đã và đang đến với cao nguyên đá Đồng Văn.