Góc nhìn 365: Mạng xã hội và một thế hệ tương lai

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố hàng loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam, sau 4 tháng kể từ lúc thông báo kiểm tra toàn diện hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam.

Đáng chú ý, trong các vi phạm được nêu ra có việc nền tảng này đã không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Đặc biệt, nền tảng này còn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên...

Thực tế, Tik Tok mới chỉ xuất hiện trên mạng xã hội vài năm nay. Và với những gì dư luận từng phản ánh, một số vi phạm tương tự cũng từng xuất hiện với các cấp độ khác nhau tại một số nền tảng giải trí, mạng xã hội khác. Từ câu chuyện TikTok, đã đến lúc chúng ta nhìn lại đời sống tinh thần của một thế hệ trẻ em trên không gian mạng.

Góc nhìn 365: Mạng xã hội và một thế hệ tương lai - Ảnh 1.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố hàng loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam

Theo khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý 3 năm 2022, ở Việt Nam có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet. Con số này phản ánh phần nào sự nhạy bén của thế hệ trẻ em hiện nay với công nghệ thông tin. Nhưng bên cạnh nhu cầu tiếp xúc với thế giới, các tri thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật, trẻ em nhiều khả năng tiếp cận các nội dung độc hại trên mạng, nếu không phát hiện và uốn nắn kịp thời, các em dễ hình thành một nhân sinh quan lệch lạc. Các nền tảng mạng xã hội thường sử dụng thuật toán gợi ý, ở độ tuổi tò mò, chỉ cần trẻ em xem một nội dung không phù hợp với mình, thì dễ dàng thấy các nội dung tương tự.

Với đà phát triển và phổ biến của nhiều nền tảng giải trí, mạng xã hội, đã hình thành một lớp "người có sức ảnh hưởng" (KOL). Nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số đã trở thành một nghề hấp dẫn hiện nay. Việc dễ dàng chấp nhận cho một lớp "người sáng tạo nội dung" tham gia vào môi trường văn hóa nghệ thuật chính thống và chính danh cũng góp phần tạo nên những ảo tưởng về giá trị trong thời buổi "vàng thau lẫn lộn".

Rõ ràng, trước khi trông đợi vào những hình thức làm trong sạch đời sống tinh thần trên không gian mạng, chính chúng ta - những người sử dụng phải có ý thức bảo vệ chính mình cũng như thế hệ trẻ em. Người lớn có thể sử dụng các cơ chế như "ẩn", "không để xuất", "báo cáo" trên các nền tảng giải trí, mạng xã hội như một nỗ lực trong tầm tay của mình.

Nhưng thiết nghĩ, không biện pháp tối ưu nào bằng chính sự đồng hành của phụ huynh với con em. Cần bỏ thói quen để tivi, điện thoại "trông trẻ" hộ mình. Trẻ em có quyền tiếp cận sớm với Internet với điều kiện có sự hướng dẫn, giám sát và điều chỉnh của phụ huynh. Đồng thời để các em tham gia các hoạt động ngoài trời.

Có như thế, đất nước mới có một thế hệ tương lai mạnh khỏe về thể chất lẫn tinh thần.

An Kha

Link gốc: TTVH