Huỳnh Ngọc Trảng: Đưa 'Bánh mì Sài Gòn' vào nghiên cứu liên ngành!
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng là tên tuổi uy tín trong mảng văn hóa Nam bộ. Non nửa thế kỷ qua, ông cần mẫn với các công trình nghiên cứu của mình bằng tấm lòng hiểu và yêu văn hóa của vùng đất này. Rất hợp lý khi bài viết Bánh mì Sài Gòn của ông được chọn in trong sách Ngữ văn 11, tập 2, bộ Cánh diều.
Học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận một nét văn hóa miền Nam qua hình ảnh giản dị và quen thuộc. Trước khi được đưa vào sách Ngữ văn 11, bài viết này được đăng từ tháng 4/2006 với tựa Sự đời như... ổ bánh mì, sau đó được in lại trong tập sách Sài Gòn - Gia Định: Ký ức lịch sử - văn hóa, đổi tựa thành Bánh mì Sài Gòn.
Không chỉ là chuyện ăn uống
Bánh mì là món ăn không phải bắt nguồn từ Việt Nam, nhưng khi gia nhập vào đất Sài Gòn - Gia Định, nó đã có một đời sống riêng và là nguồn cảm hứng cho khá nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Bùi Chí Vinh, Phạm Công Luận... viết về nó.
Nếu nhiều cây viết khác thường viết về đặc trưng của bánh mì Sài Gòn cùng với những kỷ niệm của mình, thì Huỳnh Ngọc Trảng viết về đường đi của bánh mì, cùng với chiều dài lịch sử của nó, từ lúc không được dân bản địa công nhận cho tới khi trở thành một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực của Sài Gòn.
"Tôi chọn bánh mì Sài Gòn như một đối tượng điển hình để nghiên cứu về văn hóa ẩm thực gắn liền với lịch sử xã hội, địa lý và không gian văn hóa của vùng đất này. Đây là phương pháp nghiên cứu liên ngành tôi thường dùng mỗi khi nghiên cứu bất cứ thứ gì" - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.
Quả vậy, bạn đọc tiếp cận Bánh mì Sài Gòn sẽ thấy việc du nhập một món ăn những ngày đầu đầy khó khăn như bất cứ một nét văn hóa nào của ngoại quốc. Các cách ăn bánh mì khi nó vào Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trở nên phong phú hơn rất nhiều, từ đó sẽ thấy được một phần tâm lý của dân ta thông qua việc ăn uống. Bánh mì theo chân người Pháp đến Việt Nam là "quá trình tiêu biểu cho cuộc đụng đầu lịch sử..." được tác giả phân tích rất thú vị.
Đọc Bánh mì Sài Gòn dễ liên tưởng đến các tùy bút nổi tiếng viết về bún bò, bánh tráng... với văn phong giản dị, trầm tĩnh, mà rất nhiều kiến thức khiến người đọc "ồ, à" với sự tinh tế. Với các tác giả ẩm thực này, một món ăn không chỉ là món ăn, chúng chứa trong đó dòng chảy của thời gian và chuyển động theo những biến động của lịch sử đất nước. Bánh mì không chỉ là bánh mì. Từ ổ bánh mì, bạn đọc (đặc biệt là học sinh) sẽ hình dung được những ngày đầu người Pháp xâm chiếm Nam kỳ, đem theo gì và chỉ riêng về các cách ăn ổ bánh mì cũng thấy được văn hóa ta tiếp biến với văn hóa Tây Âu, Ấn Độ và Trung Hoa như thế nào...
"Văn hóa là cái cây có gốc rễ, lá cành và hoa trái…"
Trong nhiều buổi nói chuyện và trả lời phỏng vấn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khẳng định rằng, văn hóa có tính tiếp biến, chứ nó không bất biến. "Thế nên khi nghiên cứu, nếu chúng ta thường dùng chữ "bản sắc" và "căn tính", thì đừng chấp vào chữ "căn" (là rễ) và chữ "bản" (là gốc), để rồi cứ mải nhìn ở đó. Trong khi đó, văn hóa chính là một cái cây có gốc rễ, lá cành và hoa trái... Cái cây ấy phải được sinh sôi tươi tốt và thậm chí, chết đi". Theo ông Trảng, văn hóa là thứ luôn luôn thay đổi và học tập được.
Nói đến bản sắc văn hóa để có cơ sở thấy sự đồng nhất về giá trị, đồng thời khu biệt mình với các cộng đồng khác, như 2 mặt của đồng xu. Ông phân tích thêm, văn hóa chính là một hệ thống giá trị và xã hội, là một cộng đồng theo đuổi một giá trị chung, soi vào đó chúng ta sẽ thấy văn hóa phát triển theo hình thức nào.
Hỏi ông Trảng có lẽ tâm lý dân ta có phần mâu thuẫn, vì vừa dễ ảnh hưởng với văn hóa bên ngoài, vừa dễ chống lại nó, thì được ông giải thích khá thuyết phục. Vì ta là một dân tộc có quá khứ từng bị xâm lược, từng bị cưỡng bức về văn hóa, nên dễ hiểu vì sao tự vệ và phản ứng với luồng văn hóa bên ngoài là một phản ứng tâm lý đặc thù. Ông giải thích: "Điều này có từ thâm căn cố đế, cụ Nguyễn Đình Chiểu chống lại bánh mì, cụ Tế Xương chống lại rượu champagne, sữa bò. Ngày nay, chúng ta có nhiều thông tin và phương pháp nghiên cứu hơn... Tiếp biến văn hóa là dĩ nhiên, chúng ta không chống đối được và nó tốt thôi, không có gì nguy hiểm cả. Chỉ có điều, chúng ta hiểu về văn hóa ta đến đâu và đưa vào chương trình học như thế nào để giáo dục giới trẻ. Văn hóa có tính phi định vị và với thời đại này, không còn một mảnh đất nào trinh bạch về văn hóa. Các trường đại học cũng đã đào tạo công dân cho toàn cầu, chứ không phải chỉ cho dân tộc mình".
Rõ ràng, cái nhìn của Huỳnh Ngọc Trảng về văn hóa rất cởi mở. Theo ông, khi những giá trị văn hóa cũ bị không gian sống hiện đại phá vỡ thì chúng ta phải chấp nhận và lưu giữ bằng cách khác. Ông nêu quan điểm: "Chẳng hạn như hát ru, đời sống ngày nay với hình thái gia đình cơ bản 2 thế hệ, hiếm có nhịp võng đong đưa như xưa, nên sẽ rất hiếm cảnh bà hát ru cháu. Thay vào đó, chúng ta phải lưu trữ hát ru bằng những phương tiện kỹ thuật số, đăng trên các nền tảng khác nhau, để mẹ mở cho con nghe, chứ việc giữ gìn hát ru bằng cách tổ chức các cuộc thi hát ru, các đêm biểu diễn chỉ là cách cố níu kéo con thuyền đang đắm thôi".
Giáo dục văn hóa trong trường học cũng là điều mà Huỳnh Ngọc Trảng có nhiều trăn trở. Chẳng hạn, khi dạy về văn hóa dân gian thì chỉ dạy về văn học dân gian, mà không dạy về diễn xướng, nên học sinh thuộc ca dao dân ca, nhưng không biết được hát vào lúc nào. Thậm chí một sinh viên thuộc khoa học xã hội nhân văn mà chưa có đủ kiến thức để xem hát bội. "Vậy thì, nội dung học đã có nhiều thiếu sót rồi, đừng đổ thừa cho giới trẻ sao quay lưng với văn hóa nước nhà, mà phải xây dựng lại chương trình học, thì giới trẻ sẽ có cái nhìn khác về văn hóa" - nhà nghiên cứu bộc bạch.
Lưu trữ văn hóa bằng nghiên cứu liên ngành
Là một người nghiên cứu văn hóa, Huỳnh Ngọc Trảng có cách "lưu trữ" riêng của mình qua các tập sách ông viết từ nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, mà ông dày công thu thập gần nửa thế kỷ nay.
Đọc sách ông như được theo chân tiền nhân đi qua nhiều thời đại khác nhau và không gian khác nhau. Bạn đọc sẽ đến với các tập tục viết đối, cho chữ, nghi lễ tế tự từ thời Trần đến thời Nguyễn... trong cuốn Khảo luận về Tết; đến với hát sắc bùa Phú Lễ trong cuốn Hát sắc bùa Phú Lễ: Ba Tri - Bến Tre; hay biết về vè qua cuốn Vè Nam bộ... Mọi nét văn hóa đều được ông viết giản dị, rõ ràng, lôi cuốn, cho thấy việc làm tư liệu rất khoa học của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.
Không chỉ viết, ông còn kể chuyện rất hay. Những năm gần đây, ông thường nhận lời tham gia các buổi nói chuyện về văn hóa Nam bộ, không buổi nào thiếu tiếng cười và dĩ nhiên người nghe luôn nhận được điều bổ ích.
Đơn cử, khi ông nói về một nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam bộ là kênh rạch chằng chịt, nên phần lớn các chợ xưa được hình thành ở ven sông như chợ Thị Nghè, Bà Chiểu, Phú Nhuận... chỉ riêng chợ Bến Thành xa sông hơn một chút, cho thấy nơi đó được đô thị sớm hơn. Ông nói: "Làm văn hóa là tìm những cái lạ trong những cái quen, chứ chẳng có gì bí mật trên cuộc đời này".
Sau 1975, ông được Viện Khoa học xã hội TP.HCM (nơi ông công tác) phân công nghiên cứu văn hóa Chăm, Khmer rồi tới người Kinh ở Nam bộ. "Nghiên cứu thấy hay nên tôi cứ làm tới, khi hiểu văn hóa vùng đất này thì rất yêu nó", ông nói về những ngày đầu đến với việc nghiên cứu văn hóa.
Ban đầu, tới địa phương nào ông chỉ nghiên cứu ca dao, tục ngữ, truyện cổ... sau đó sang cả hội họa, kiến trúc, gốm… vì thấy lĩnh vực nào cũng hay và có liên quan với nhau, sau này mới biết đó chính là phương pháp nghiên cứu liên ngành.
Tiếc vì không thể viết sách
Hơi tiếc là mắt ông thời gian gần đây đã yếu, nên không còn viết sách được nữa, vì với ông, không đọc sách được thì không có động lực để viết. Hơi tiếc thêm một điều nữa, Tổng tập văn học dân gian Nam bộ (gồm 7 tập, viết chung với vợ là Phạm Thiếu Hương) đã in được 3 tập, nhưng phải tạm ngưng, vì vài lý do. Nhưng không sao, bạn đọc sẽ được gặp ông trong gần 50 tác phẩm đã xuất bản và trong các buổi nói chuyện về văn hóa sắp tới.
(Còn tiếp)