Góc nhìn 365: Những hy vọng mới cho ngành xuất bản
Một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa: Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V (2023 - 2028) vừa diễn ra hôm qua, 12/7. Ở một chừng mực, đây chính là dịp để nhìn lại diện mạo, cũng như tiếp tục có những giải pháp và định hướng, đối với ngành xuất bản - lĩnh vực đặc thù gắn với việc phát triển văn hóa đọc và nâng cao tri thức trong cộng đồng.
Hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm... là những số liệu được đưa ra tại Đại hội, gắn với thành tựu của ngành xuất bản trên toàn quốc.
Ở một góc độ khác, phải nói thêm: như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản trong quãng thời gian vừa qua đã chịu tác động rất mạnh từ đại dịch Covid-19, với những khó khăn đặc thù. Bởi thế, những nỗ lực của Hội Xuất bản Việt Nam, cũng như toàn ngành xuất bản, để hoàn thành mọi nhiệm vụ, kế hoạch và được xã hội ghi nhận là rất đáng trân trọng.
Thực tế, bỏ qua những số liệu hay những thông tin mang tính chuyên môn, những độc giả bình thường đều có thể nhận rõ những tín hiệu vui của ngành xuất bản trên thị trường.
Như nhận xét của các chuyên gia, đó là việc các phố sách, đường sách tiếp tục xuất hiện tại trung tâm các đô thị, là việc thị trường sách ngày càng có thêm những xuất bản phẩm đa dạng và hấp dẫn về nội dung, là việc từ năm 2021, "Ngày Sách Việt Nam" (21/4) đã được nâng lên thành "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" và được cộng đồng hồ hởi đón nhận.
***
Cũng cần nhắc lại, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, cũng như với sự phát triển của công nghệ, thị trường xuất bản thế giới đang có những thay đổi khá quan trọng. Tại đó, bên cạnh sách giấy truyền thống, các thể loại sách điện tử, sách nói, sách đa tương tác… cũng đang tăng trưởng rất mạnh và dần "lấn sân" sang mọi đề tài. Rồi, những ứng dụng từ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang hứa hẹn hiện đại hóa và rút ngắn mọi quy trình để một cuốn sách có thể ra đời, cũng như đến với độc giả một cách nhiều hơn, nhanh hơn - và tất nhiên, rẻ hơn trước.
Đặt trong xu thế ấy, nhìn lại 5 năm vừa qua, đời sống xuất bản Việt Nam cũng đã có những thay đổi đáng kể sau đại dịch Covid-19. Chúng ta đã có những hội sách trực tuyến đầu tiên trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng vì dịch bệnh - để rồi những năm kế tiếp, các hoạt động trực tuyến này tiếp tục được duy trì ở nhiều đơn vị xuất bản khác nhau.
Rồi, khi thương mại điện tử phát triển mạnh, xu thế mua bán sách, giới thiệu sách qua mạng xã hội - và đặc biệt là TikTok - cũng đang dần chiếm một số lượng lớn trên thị trường. Nhưng chắc chắn, những bước tiến ấy vẫn là chưa đủ, so với một thị trường xuất bản có tiềm năng như Việt Nam, cũng như với kỳ vọng của những người làm nghề.
Chính vì vậy, trong quãng thời gian sắp tới, ngoài nỗ lực tự thân của những người làm nghề, chắc chắn ngành xuất bản cần được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể "tăng tốc" và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Và rộng hơn, đó phải là sự ủng hộ của toàn xã hội.
Thách thức cũng là cơ hội. Nhất là với xuất bản, lĩnh vực đặc thù để phát triển văn hóa đọc - điều mà chúng ta luôn mong đợi và kỳ vọng trong nhiều năm qua.