Muôn cái khó đối với doanh nghiệp văn hóa sáng tạo

Hội thảo Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo vừa diễn ra tại Hà Nội là dịp để bàn luận về các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam. 

Từ đây, sẽ tiếp tục đưa ra đề xuất, gợi mở, nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy cơ chế, chính sách đã có và phát triển cơ chế, chính sách mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Hội thảo thuộc khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023 do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả và Vietnam Design Group phối hợp tổ chức.

Đề xuất đổi mới cơ chế

Trong 10 năm trở lại đây, ông Trần Hoàng (Cục Bản quyền tác giả) nhận thấy ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đang nhanh chóng trở thành ngành kinh tế có đóng góp lớn. Sau quãng thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19, từ năm 2022, các ngành công nghiệp văn hóa có xu hướng phục hồi trở lại. Nhìn chung, trong giai đoạn 2018-2022, ngành này đã thu hút được khoảng 2,9 đến 3,8 triệu lao động, chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm.

Muôn cái khó đối với doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo

Đây được đánh giá là một ngành kinh tế có tiềm năng ở Việt Nam với thị trường sôi động cho các sản phẩm dịch vụ, văn hóa sáng tạo trong những năm tiếp theo. Song, ngành này đang gặp khó khăn do thiếu những chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế phí phù hợp với thực tiễn, có khả thi, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển.

Cục Bản quyền tác giả và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất những phương án đổi mới trong cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này.

Muôn cái khó đối với doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 2.

Ông Trần Hoàng (Cục Bản quyền tác giả) phát biểu tại hội thảo

Theo ông Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ VH,TT&DL), trong thời gian trước, nước ta có các cơ quan, tổ chức sự nghiệp công lập để làm tất cả các hoạt động văn hóa theo đề tài của nhà nước, phục vụ mục đích chính trị, tuyên truyền. Nhưng những năm trở lại đây, chúng ta đã nhận thấy sự thay đổi về quan điểm quản lý nhà nước đối với ngành văn hóa. Nhà nước vẫn đóng vai trò định hướng phát triển các ngành văn hóa, tuy nhiên, "nhường lại sân chơi lớn" cho các thành phần kinh tế khác. Sự tham gia chủ đạo đã chuyển sang các doanh nghiệp tư nhân, các nghệ sĩ độc lập. Đồng thời còn có cả sự tham gia của các tổ chức nước ngoài.

Chính vì chuyển giao vai trò quan trọng này, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực văn hóa rất cần được nhận những hỗ trợ để tiếp cận tín dụng, hỗ trợ về thuế, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, thông tin tư vấn pháp lý… Các ngành, các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục… đã sớm được áp dụng những ưu đãi đặc thù, riêng ngành văn hóa thì đến nay vẫn đang trông chờ sự đổi mới về cơ chế.

Trong các phân ngành liên quan tới lĩnh vực văn hóa, điện ảnh và nội dung số được ông Minh chỉ ra, cần ưu tiên tập trung xây dựng những cơ chế, chính sách mới. Trong đó, ông Minh nhận định, điện ảnh là "mũi nhọn" trong các ngành công nghiệp văn hóa, nên rất cần những chính sách ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim ngoại quốc vào Việt Nam, tạo tiền đề cho việc chuyển giao công nghệ trong sản xuất phim…

Thương mại điện tử xuyên biên giới

Đối với nội dung số, hiện nay xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới. Chúng ta đã bước đầu chủ động xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Có thể kể đến phim hoạt hình Wolfoo (thuộc Công ty Sconnect Việt Nam) đã được chuyển ngữ sang 17 ngôn ngữ khác nhau, phát sóng ở nhiều quốc gia.

Muôn cái khó đối với doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 3.

Phim hoạt hình Wolfoo dần khẳng định vị thế trong ngành sáng tạo nội dung số

Để các sản phẩm nội dung số có thể phủ sóng và có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế, cần có sự hỗ trợ pháp lý từ nhà nước. Cụ thể, bên cạnh vấn đề chuyên môn của một doanh nghiệp tốt, thì đất nước sở tại phải đưa ra chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đó. Khi ra nước ngoài thì thủ tục, hợp đồng được xử lý như thế nào, vị thế đàm phán ra sao… Cùng với đó, nhà nước có hỗ trợ tín dụng ưu đãi như thế nào khi xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.

Chỉ nói riêng về thị trường trong nước, các sản phẩm văn hóa trước khi đến công chúng vẫn còn gặp khó khăn ở nhiều khâu. Những nhà sáng tạo nội dung khi sản xuất ra những sản phẩm mới, cũng phải trải qua nhiều khâu thủ tục, mất khá nhiều thời gian. Chính vì thế, khi đến với công chúng, đôi khi có thể bị chậm đến vài tháng, thậm chí vài năm.

Muôn cái khó đối với doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 4.

Các bạn trẻ trong CLB chèo 48h nỗ lực phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống

Ở nhiều quốc gia châu Á khác, một sản phẩm có thể trực tiếp tung ra thị trường, sau đó mới hậu kiểm; hoặc được cắt giảm, tích hợp nhiều khâu cho nhanh chóng hơn. Điều này sẽ không làm lỡ cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, quý giá cho các doanh nghiệp, để sản phẩm sớm tiếp cận công chúng, sớm thu hồi vốn. Đề xuất này được PGS-TS Phạm Quỳnh Hương (Viện Xã hội học) đưa ra, với mong muốn các nhà quản lý văn hóa tại Việt Nam cân nhắc và xem xét.

Bên cạnh khó khăn về thuế, tín dụng, một vấn đề nữa được bà Hương đề cập đến là loại hình đăng ký kinh doanh. Hiện các không gian văn hóa sáng tạo chưa được coi là một loại hình kinh doanh có tính đặc thù riêng biệt. Nên khi tiến hành đăng ký, chủ sở hữu thường đăng ký với tư cách doanh nghiệp xã hội, công ty TNHH… Bản thân những chủ sở hữu này rất mong muốn có thể đưa ra một loại hình kinh doanh đúng với bản chất hoạt động của họ. Để từ đó, hộ kinh doanh của mình sẽ được hưởng những loại thuế riêng, không giống các không gian khác.

Bên cạnh hỗ trợ những sản phẩm văn hóa, đội ngũ nhân lực công tác trong lĩnh vực văn hóa cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo bà Hương, nước ta hiện có nhiều hỗ trợ cho các nghệ sĩ/nhân ưu tú hoặc nhân nhân dân, với phần lớn trong số này là những người có tuổi. Vậy còn những bạn trẻ ở độ tuổi trên dưới 20 tuổi mà chưa được phong tặng những danh hiệu cao quý, thì sao? Trong khi đây là lực lượng lao động tương đối đông, sức lao động lớn, mới vào nghề nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, cần có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích… để phát huy sức sáng tạo cho đội ngũ nhân tài trẻ của đất nước. Bởi chính họ sẽ tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, để tiếp tục tạo ra các sản phẩm văn hóa hấp dẫn, tạo nên vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.  

"Mũi nhọn" công nghiệp văn hóa

Trong các phân ngành liên quan tới lĩnh vực văn hóa và nội dung số được ông Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ VH,TT&DL) chỉ ra, thì điện ảnh là "mũi nhọn" của công nghiệp văn hóa. Ông Minh nói rằng rất cần những chính sách ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim ngoại quốc vào Việt Nam, tạo tiền đề cho việc chuyển giao công nghệ trong sản xuất phim…

Phúc Nam

Link gốc: TTVH