Công Phượng trở lại đội tuyển Việt Nam: Đường dễ, đường khó...

Cái cách mà HLV Troussier sang tận Nhật Bản để xem "giò cẳng" của Công Phượng, người gần như không thi đấu suốt 2 năm qua, ban đầu thiếu thuyết phục nhưng dần cũng thấy có sự cảm thông cho hoàn cảnh mà nhà cầm quân người Pháp đang đối diện. Ông đã chọn cho mình một con đường khó, trong khi dường như nhiều thứ ở bóng đá Việt Nam lại đang tìm cách dễ nhất để làm.

Cần lưu ý đến một chi tiết, là ông Troussier  sang Nhật Bản gặp Công Phượng trước khi có chấn thương bất ngờ của Tuấn Hải. Nghĩa là sự có mặt của Công Phượng trong đợt tập trung lần này không nhằm để "lấp chổ trống" mà là tính toán có trước của ông Troussier.

Xét về chuyên môn, cũng không phải là điều bất thường, có thể ông Troussier cần một cầu thủ có sự lắt léo, biết giữ bóng ở phía trên nhằm phá vỡ lối chơi thiên về áp sát, đá rát của Indonesia. Còn chuyện ông Troussier phải sang đến tận Nhật Bản để gặp Công Phượng, đơn giản vì nếu không sang để xem Phượng đá ở trận đấu dành cho đội dự bị của Yokohama FC thì chẳng còn cách nào để biết thể trạng của Phượng đang như thế nào cả.

Thế nên, điều dở nhất trong chuyện này không phải là việc ông Troussier triệu tập một cầu thủ đã không thi đấu suốt gần 2 năm, mà là bóng đá Việt Nam không thể cung cấp cho ông Troussier một ai có khả năng như Công Phượng và được thi đấu thường xuyên ở V-League.

Ông Troussier thì kiên trì theo đuổi triết lý của mình, nhưng con đường ông chọn dường như càng đi càng ngược với con đường mà V-League đang đi. Đó là kiểu 2 lộ trình song song, không có điểm chung. Thế nên mới có chuyện kỳ lạ là người không thi đấu 2 năm vẫn được tín nhiệm.

Nhưng nếu chúng ta nhớ lại thời điểm mà Công Phượng ngồi dự bị ở Sint - Truident (Bỉ), anh vẫn được  HLV Park Hang Seo gọi về và khi được vào sân thi đấu, thậm chí Phượng còn… vấp cỏ, sút hụt bóng vì mất cảm giác. Chi tiết này cho thấy các HLV đều muốn có Công Phượng trong đội hình, kể cả khi anh không đạt phong độ cao, chỉ vì những kỹ năng anh có, người khác không có.

Và đó mới chính là điều đáng bàn. Công bằng mà nói, Công Phượng không xuất sắc một cách đặc biệt, kiểu "quái chiêu" như Quang Hải, nhưng chắc chắn anh có một bộ kỹ năng không phải ai cũng có. Cần lưu ý rằng, từ năm 2015 đến nay, Công Phượng xuất ngoại 4 lần, đá ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ, chưa kể những giai đoạn khoác áo HAGL và CLB TP.HCM.

Đường dễ, đường khó... - Ảnh 1.

Công Phượng có mặt ở địa điểm tập trung của ĐT Việt Nam hôm qua (13/3). Ảnh: Hải Hoàng

Cứ cho là phần lớn thời gian ở nước ngoài Công Phượng chỉ ngồi dự bị, nhưng ít ra thì anh phải như thế nào, người ta mới chọn anh. Hơn nữa, phải có một bản lĩnh, sự kiên trì, tính chuyên nghiệp thế nào thì Công Phượng mới "giữ mình" được như vậy.

Như đã nói, dù không xuất sắc một cách đặc biệt, nhưng bóng đá Việt Nam lại chẳng thể có một Công Phượng thứ 2. Đó là vấn đề. Tài năng cỡ Văn Quyến hay Quang Hải thì có thể 10 năm, 20 năm mới có, đôi khi là do may mắn, nhưng việc không thường xuyên có những Công Phượng, thì rất đáng suy nghĩ cho bóng đá Việt Nam. Bởi về lý thuyết, Công Phượng là sự tổng hòa giữa đào tạo căn cơ + nỗ lực + tính chuyên nghiệp, hơn là tài năng bẩm sinh. Nhưng yếu tố kể trên, hoàn toàn nằm trong tầm tay của những người làm bóng đá. Vậy mà lại không thể làm được.

Bàn rộng hơn một chút. Từ sau khi Kiatisuk rời ghế HLV đến nay, đội tuyển Thái Lan trải qua đến 5 đời HLV trong  vòng có 6 năm. Có thể xem là bóng đá Thái Lan đang trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng thực tế thì trong thời gian đó, họ vẫn thắng 2 AFF Cup, dự 2 Asian Cup và vào vòng knock-out  ở giải châu Á vừa qua. Tại cấp CLB, ở 3 mùa giải AFC Champions Leaague gần nhất, Thai-League vẫn có đại điện vào đến vòng knock-out, qua đó duy trì được số suất dự giải đấu hàng đầu châu lục trong khi mùa tới, V-League không đủ điều kiện.

Bóng đá Việt Nam, và cũng tương tự là Indonesia, gần đây có xu hướng ký hợp đồng dài hạn với HLV có đẳng cấp nhằm đạt tham vọng World Cup. Điều đó đương nhiên là tốt. Nhưng công bằng mà nói, vấn đề không phải nằm ở HLV hay hợp đồng ngắn, dài mà là chất lượng cầu thủ. Người Thái thay HLV như thay áo, họ vẫn đang gặp khó khăn trên đường trở lại đỉnh cao, nhưng họ không rơi vào tình trạng báo động khi mà cầu thủ của họ vẫn ở một chất lượng nhất định. Thậm chí có thể nói họ vẫn đang là đội bóng số 1 Đông Nam Á bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam và gần đây là Indonesia.

Muốn biết tại sao, thì cứ nhìn vào việc nở rộ phong trào đá phủi, đá sân nhân tạo 5 người, 7 người ở Việt Nam. Đó là cách dễ nhất mà chúng ta đang làm để phát triển phong trào, trong khi những giải đấu sân 11 người thì không tăng, nhất là ở các giải U. Có con đường khó, con đường dễ, vấn đề là chọn lựa thế nào?!


Long Khang

Link gốc: TTVH