Nghề tôm khô Cà Mau thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Vừa qua, nghề làm tôm khô đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vậy là, sau đờn ca tài tử, nghề gác kèo ong, muối ba khía, lễ hội Nghinh Ông, nghệ thuật nhạc trống lớn, thì nghề làm tôm khô của tỉnh Cà Mau đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển văn hóa tại địa phương.
Tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Theo lời của người dân địa phương, nghề làm tôm khô đã được phát triển từ thời khai hoang mở đất.
Ngày trước, nơi đây là vùng đất có nguồn hải sản dồi dào, đặc biệt là nguồn lợi từ tôm. Tuy nhiên, vì không thể tiêu thụ hết số tôm bắt được nên cư dân địa phương đã nghĩ ra cách phơi khô để bảo quản lâu dài. Về sau, tôm khô của Cà Mau được thương lái nơi khác đến thu mua và đưa đi tiêu thụ rộng rãi. Nghề làm tôm khô cũng từ đó mà hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Tôm khai thác làm khô chủ yếu là những loài tôm đất, tôm bạc sống trong môi trường sông tự nhiên hoặc tôm chì, tôm sắt được khai thác từ biển. Quy trình chế biến tôm khô gồm 3 công đoạn chính: luộc tôm, phơi tôm, tách vỏ. Sự tài hoa của người làm nghề tôm nằm ở cách pha nước luộc, canh lửa, đo thời gian sao cho tôm sau khi luộc có thịt chắc, ngọt.
Một số cơ sở sản xuất quy mô lớn cũng bắt đầu đưa công nghệ chế biến theo hình thức công nghiệp vào sản xuất tôm khô. So với hình thức truyền thống, phương pháp này mang lại hiệu quả cao hơn hẳn khi đồng thời đảm bảo được tính vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm chi phí sản xuất.
Cà Mau hiện có hơn 50 cơ sở chế biến tôm khô với quy lớn, đưa ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm/năm. Việc phát triển nghề nuôi tôm đã tạo ra thu nhập cho hàng ngàn lao động, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho tỉnh Cà Mau.
Món ăn từ tôm khô có thể được chế biến đa dạng như: Tôm khô ăn liền, chà bông, gỏi chua, nấu canh, tôm khô rang muối, bắp xào tôm khô, sa tế tôm khô, kho quẹt tôm khô, tôm khô rim nước mắm… Với hương vị đậm đà, giá trị dinh dưỡng mang lại, đây đã trở thành món ăn phổ biến của các gia đình Việt nói chung và là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của cư dân Cà Mau nói riêng.
Nghề làm tôm khô đồng thời phản ánh đậm nét công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Không chỉ là sinh kế quan trọng, mang lại sự ấm no, phồn thịnh, đây còn là một nghệ thuật ẩm thực và tri thức dân gian được tích lũy trong từng món ăn. Từ đó, tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.
Tôm khô Cà Mau là đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm tôm khô Cà Mau không chỉ được người dân trong nước ưa chuộng mà thị trường tiêu thụ mặt hàng này còn được mở rộng sang các nước khác như Campuchia, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật…
Việc đưa nghề làm tôm khô vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước đi có ý nghĩa đặc biệt trong công cuộc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.