Kurt Cobain - Sau 30 năm, âm nhạc vẫn 'đi thẳng từ trái tim'
Ba mươi năm sau khi qua đời ở tuổi 27, huyền thoại nhạc rock Kurt Cobain vẫn tiếp tục được yêu mến bởi những thế hệ vốn chưa ra đời khi anh chết.
Ngày 5/4/1994, Kurt Cobain qua đời cô độc ở ga-ra phía sau nhà mình tại Seattle (Mỹ). Cạnh anh là lá thư tuyệt mệnh lan man, viết nguệch ngoạc bằng mực đỏ. "Điều này cũng dễ hiểu thôi" - anh viết trước khi trích dẫn lời ca khúc của Neil Young - "Thà bùng cháy huy hoàng còn hơn lụi tàn dần".
Thành công không ngờ
Đã 3 thập kỷ trôi qua, cái chết của Kurt Cobain vẫn là một trong những bi kịch lớn nhất của nhạc rock 'n' roll.
Anh còn quá trẻ, quá đẹp, quá tài năng. Anh là một tâm hồn vô cùng nhạy cảm với âm nhạc nguyên bản, mãnh liệt về cảm xúc, là người đứng sau nhóm nhạc quyền lực nhất dòng grunge, Nirvana.
Anh từng chiếm trọn trái tim của bao khán giả và tiếp tục tồn tại sau khi chết như một tượng đài văn hóa.
Cobain chỉ để lại 3 album. Album đầu tiên, Bleach, là 3 chàng trai trẻ nước Mỹ quá ồn ào, không khoan nhượng, thoải mái bung ra hết cá tính vì không có ý định chiều đám đông để trở thành những siêu sao rock chính thống. Thế nhưng, sau khi được phát hành bởi hãng đĩa indie Sub Pop vào tháng 6/1989, Bleach đã thu hút được sự quan tâm của giới phê bình, bán được 40.000 bản.
Tuy không làm chao đảo các BXH, album đủ sức thu hút sự chú ý của hãng thu âm lớn Geffen. Hãng đã dồn tiềm lực to lớn của mình để mài giũa kỹ lưỡng album thứ 2 của Nirvana là Nevermind. Trong đó, cơn thịnh nộ và sự tuyệt vọng lồ lộ của Cobain dường như thể hiện nỗi âu lo của cả một thế hệ.
Được phát hành vào tháng 9/1991 - với đội hình ổn định gồm Cobain, tay bass Krist Novoselic và tay trống Dave Grohl - album đã làm mưa làm gió trên các BXH, bán được hơn 30 triệu bản trên khắp thế giới, và do đó, nằm trong danh sách 50 album bán chạy nhất mọi thời đại.
Ca khúc “Smells Like Teen Spirit” của Nirvana
Hai năm sau, Nirvana tiếp tục phát hành album phòng thu cuối cùng của họ. Ở Utero, Cobain dường như có phản ứng chống lại danh tiếng và vận may bất ngờ của mình bằng cách tăng cường sự ồn ào và cảm xúc buồn chán. Thế nhưng, album vẫn bán được 15 triệu bản.
Với công chúng, một Cobain đầy nỗi niềm là đại diện cho sự thuần khiết, chân thực giữa những bóng bẩy, màu mè của văn hóa đại chúng. Về âm nhạc, anh là một anh hùng thời đại với giới trẻ.
Âm nhạc ý nghĩa
Tuy nhiên, cái chết của anh không được biết tới trong gần 36 giờ. Vào ngày anh qua đời, vợ anh, Courtney Love, đang ở Los Angeles cùng con gái 19 tháng tuổi của họ, Frances Bean, để làm album mới cùng ban nhạc Hole của cô.
Trước đó 1 tuần, Cobain đã đăng ký vào một trung tâm cai nghiện trong thành phố. Anh đã sử dụng quá liều thuốc an thần ở Rome vào một tháng trước đó. Nhưng vào ngày 1/4, Cobain đã vượt tường bao quanh trung tâm và quay trở lại Seattle. Trong vài ngày tiếp theo, anh sống vật vờ, gặp gỡ vài người trước khi rút lui hoàn toàn vào thế giới của mình.
Tin tức về cái chết của anh chỉ lan ra vào ngày 8/4, khi một thợ điện đến lắp thiết bị báo động tại nhà anh và phát hiện ra điều khủng khiếp.
"Tôi nhớ đó là một ngày nắng đẹp bình thường. Lũ trẻ chạy quanh nhà và nghe tin tức đó được đưa lên TV" - ca sĩ , nhạc sĩ Amy Lee nhớ lại. Vào năm 1994, cô mới là nhạc sĩ 12 tuổi tiềm năng. Chỉ vài tháng sau, cô gặp Ben Moody, tay guitar đầy tham vọng, và đã thành lập ban nhạc rock Mỹ Evanescent.
"Tôi cảm thấy thời điểm ấy thật khó khăn. Tôi đã khóc và hoàn toàn không thể tin nổi. In Utero là album đầu tiên tôi có và nghe Nirvana là điều tôi yêu thích nhất trên đời" - cô nói - "Mọi thứ giống như tôi vừa mới yêu một người thì anh ấy đã chết. Điều đó thật sốc, nhưng nó khiến tôi chìm sâu hơn vào âm nhạc và bắt đầu lắng nghe ca từ từ góc nhìn của một người đang khóc trong đau đớn".
"Điều khiến Kurt Cobain gây tác động lớn nhất đến tôi chính là âm nhạc của anh: sự thể hiện chân thực, khiêm tốn, không tô vẽ về con người thật của mình" - Lee khẳng định - "Nó mở ra mọi cánh cửa cho tôi về việc bày tỏ những cảm xúc sâu sắc nhất, thầm kín nhất của chính mình. Và cả việc sẵn sàng đi đến cùng".
Nhiều nhóm nhạc sau này cũng cố gắng đi theo phong Nirvana, như Bush, Nickelback. Nhưng dù đạt được thành công về mặt thương mại, có lẽ họ không thể chạm đến độ sâu cảm xúc mà tác phẩm của Cobain truyền tải.
Huyền thoại
Nếu như Nirvana đã lừng lẫy trước khi Cobain qua đời, thì kể từ sau đó, họ đã trở thành một huyền thoại với sức ảnh hưởng lan rộng khắp toàn cầu, xuyên qua nhiều thế hệ.
"Một số nghệ sĩ nổi tiếng đến mức họ đã tồn tại như một truyền thuyết trước khi ta nghe nhạc của họ" - theo Joel Smith của nhóm nhạc rock Anh Crewe - "Và tôi có cảm giác như mình đã biết Kurt Cobain trước cả khi tôi nghe Nirvana".
Smith - năm nay mới 21 tuổi, chưa ra đời khi Cobain qua đời - nói rằng sự tồn tại ngắn ngủi của Nirvana và lượng âm nhạc ít ỏi của họ chỉ làm tăng thêm sức hấp dẫn. Theo anh, các nghệ sĩ thường chỉ nổi đình đám cho tới khi các ca khúc của họ không còn mới mẻ, nhưng Nirvana thì không nằm trong trường hợp này.
Chỉ từ 3 album ngắn gọn đó, cả một ngành công nghiệp trên toàn thế giới đã xuất hiện. Đã có các album live, tuyển tập và boxset của Nirvana, phim tài liệu và thậm chí cả vở một vở opera về Kurt Cobain (Mang tên Last Days, ra mắt năm 2022, dựa trên bộ phim cùng tên năm 2005 của đạo diễn Gus Van Sant, gắn với giả thuyết về những ngày cuối đời của Cobain).
Các nhà xuất bản cũng tung ra hàng loạt sách ảnh, tiểu sử và những bộ sưu tập các bài viết và hình vẽ được chọn lọc từ những cuốn sổ tay viết tay của Cobain. Năm ngoái, một cây đàn guitar Fender Stratocaster mà Cobain từng đập vỡ trên sân khấu đã được bán đấu giá với giá gần 600 ngàn USD.
Và sự khao khát của công chúng đối với Cobain và ban nhạc do anh lãnh đạo dường như vẫn chưa được thỏa mãn. "Tôi thấy mọi người đến xem các buổi biểu diễn của chúng tôi nhưng luôn bị ám ảnh bởi Nirvana, thậm chí còn nhiều hơn thời tôi còn bé" - Smith nói - "Nếu lên mạng, vào các kênh âm nhạc, ta không thể bỏ lỡ Nirvana".
Kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên kỹ thuật số, ca khúc Smells Like Teen Spirit đã được phát trực tuyến gần 2 tỷ lần, khiến nó (cùng với Bohemian Rhapsody của Queen) trở thành 1 trong 2 ca khúc từ thế kỷ 20 lọt top 5 trên BXH Ca khúc rock hàng đầu mọi thời đại của Spotify.
Bây giờ, những ca khúc của Nirvana vẫn lao vào cuộc sống bằng những yếu tố khó có thể tuyệt vời hơn: Âm trầm mượt mà đầy mê hoặc của Novoselic, tiếng trống điên cuồng và trực diện của Grohl, sự bổ sung hoàn hảo tiếng guitar nhịp điệu xông xáo vào mô-típ chủ đạo uyển chuyển của Cobain.
Và thực tế, nhạc của Nirvana vẫn thật sự tồn tại giữa khán giả, trong khi rất nhiều ca khúc của nghệ sĩ cùng thời với họ hoặc lụi tàn nhanh chóng, hoặc chỉ còn được nhìn nhận như những di sản.
"Tôi cảm thấy ảnh hưởng của Nirvana ở khắp mọi nơi trong thế hệ chúng ta" - Mollie McGinn, thành viên 24 tuổi của nhóm Dea Matrona nói - "Thậm chí có thể còn nhiều hơn cả The Beatles, bởi vì họ thể hiện rung cảm bứt rứt, sự trung thực để là chính mình. Điều quan trọng là mọi thứ phải được nói thẳng từ trái tim, và không ai làm điều đó tốt hơn Kurt Cobain".
Thần tượng của các siêu sao
Nhiều năm sau khi Cobain qua đời, không lạ khi ta bắt gặp những siêu sao coi anh là thần tượng.
Lana Del Rey (9 tuổi khi Cobain qua đời) mô tả âm nhạc của anh là "nguồn cảm hứng chính của tôi". Trong khi đó, Billie Eilish, 22 tuổi, gần đây tiết lộ rằng cô tìm đến Cobain - và lá thư tuyệt mệnh của anh - để hiểu được nỗi cô đơn đáng sợ của sự nổi tiếng. "Đó là thảm kịch khủng khiếp nhất mà tôi từng biết" - cô nói - "Trong thư, anh ấy viết "tôi có mọi thứ trên đời và tôi cực kỳ ghét nó". Và tôi hiểu tại sao anh ấy lại cảm thấy như vậy. Đơn giản, danh tiếng không như những gì mọi người nghĩ".