Ô tô nhập khẩu chất đống, các cảng châu Âu biến thành 'bãi đỗ xe'

Các cảng châu Âu đang biến thành những "bãi đỗ xe" với lượng xe nhập khẩu chất đống trong bối cảnh các nhà sản xuất và phân phối ô tô hứng chịu doanh số bán hàng giảm và ách tắc về logistics, đặc biệt là tình trạng thiếu tài xế xe tải.

Các giám đốc điều hành ngành ô tô và cảng biển cho rằng tình trạng ứ đọng xe điện Trung Quốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra vấn đề, khi một số công ty đặt chỗ chứa hàng tại cảng, song không tiếp tục vận chuyển xe đến nơi khác. Các nhà sản xuất ô tô cũng đang gặp khó khăn trong việc đặt dịch vụ vận chuyển bằng xe tải do thiếu tài xế và thiết bị để chất hàng.

Công ty cảng Antwerp-Bruges (Bỉ)- sở hữu Zeebrugge, cảng tiếp nhận ô tô nhập khẩu lớn nhất châu Âu- cho biết các nhà phân phối ô tô đang tăng cường sử dụng các bãi đỗ xe của cảng làm kho chứa với việc xe hơi được bán ngay tại cảng thay vì được chuyển đến các các đại lý. Theo Antwerp-Bruges, tất cả các cảng ô tô lớn đều đang vật lộn với tình trạng ùn tắc.

Ô tô nhập khẩu chất đống, các cảng châu Âu biến thành 'bãi đỗ xe' - Ảnh 1.

Xe ô tô nhập khẩu đang chất đống tại các cảng ở châu Âu. Ảnh: Internet

Một số giám đốc điều hành trong ngành ô tô cho biết ô tô Trung Quốc không bán chạy ở châu Âu như các nhà sản xuất nước này mong đợi, là một nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ùn ứ tại các cảng ở khu vực. Theo họ, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang sử dụng các cảng như bãi đậu xe, với một số xe điện của nước này đã nằm ở các cảng châu Âu tới 18 tháng. Một chuyên gia logistics về ô tô cho biết nhiều xe được lưu giữ tại cảng cho đến khi được bán cho các nhà phân phối hoặc người dùng cuối.

Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc, Cui Dongshu, cho biết việc vận chuyển nội địa tại các thị trường châu Âu rất khó khăn đối với các xe điện thương hiệu Trung Quốc.

Theo BLG Logistics, công ty vận hành nhà ga xử lý ô tô tại cảng Bremerhaven (Đức), cảng tiếp nhận ô tô lớn thứ hai ở châu Âu, sau khi chính phủ Đức ngừng trợ cấp việc mua xe điện vào tháng 12 năm ngoái, thời gian các xe lưu giữ tại cảng Bremerhaven kéo dài hơn.

Ách tắc tại các cảng ô tô diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, như BYD, Great Wall, Chery và SAIC, đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu nhằm duy trì công suất các nhà máy ở Trung Quốc đồn thời tận dụng nhu cầu xe điện của châu lục.

Ô tô nhập khẩu chất đống, các cảng châu Âu biến thành 'bãi đỗ xe' - Ảnh 2.

Xe ô tô điện của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Internet

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc năm 2023 tăng hơn 58% so với năm trước. Trong hai tháng đầu năm, Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan là các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc về xe chạy pin, xe hybrid và xe chạy hydro.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành ngành ô tô cho rằng, nhiều tập đoàn ô tô Trung Quốc phải xây dựng mạng lưới ở châu Âu từ con số 0. Là những người mới tham gia thị trường, các nhà sản xuất Trung Quốc đang chật vật với những thách thức về logistics như việc tìm được các công ty vận tải ưu tiên các đơn hàng của họ.

Một chuyên gia về logistics cho hay thiếu xe tải là tình trạng phổ biến, chỉ ra rằng đây là vấn đề mà bất kỳ thương hiệu mới nào cũng gặp phải, bởi nếu họ không có quy mô lớn, không đặt hàng thường xuyên thì khó có thể trở thành khách hàng lớn của các tập đoàn cung cấp dịch vận chuyển xe tải.

Tình trạng này ảnh hưởng dây chuyền đến các tàu hàng chở ô tô. Theo tờ Financial Times, công ty điều hành tàu chở ô tô United European Car Carriers có trụ sở tại Oslo, Na Uy, cho biết các tàu của hãng bị nghẽn tại cảng Livorno, Italy (I-ta-li-a) và cảng Piraeus (Hy Lạp) do tình trạng ùn tắc ở các ga tiếp nhận ô tô.

Ùn tắc là trở ngại mới nhất đối với hệ thống vận chuyển ô tô thành phẩm toàn cầu, vốn đang chật vật với tình trạng thiếu hụt năng lực vận chuyển do lượng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, khiến lượng vận chuyển ô tô toàn cầu tăng 17% so với năm trước. Các vấn đề càng trở nên trầm trọng do việc chuyển tuyến sau các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, khiến lịch trình của các tàu hàng kéo dài đáng kể.

TTXVN

Link gốc: TTVH