Du lịch vùng biên Móng Cái trên đà phục hồi và phát triển bền vững

Năm 2023, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) tiếp tục là "điểm đến du lịch", với lượng khách trong năm đạt trên 2,5 triệu lượt, tăng hơn 120% so với năm trước. Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, Móng Cái đón 50 ngàn lượt khách.

Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái Trần Bích Ngọc cho biết, tổng lượng khách làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái trong 7 ngày đầu tiên của năm 2024 đạt hơn 145 ngàn lượt, trong đó, lượng người nhập cảnh là hơn 75 ngàn lượt, đáng chú ý, có tới 30.317 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là tín hiệu vui của ngành Du lịch Móng Cái đang trên đà phục hồi và phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho hay, năm 2024, thành phố tiếp tục duy trì mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành "Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn", xây dựng con người Móng Cái với 8 đặc trưng nổi bật "Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ Cương - Đoàn Kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh", cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đảm bảo phương châm 3T "Thân thiện - Tiện lợi - Tin cậy".

Du lịch vùng biên Móng Cái trên đà phục hồi và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Khách du lịch đến tham quan khu du lịch Sa Vĩ. Ảnh: TTXVN phát

Năm 2024, thành phố dự kiến hoàn thành các quy hoạch, chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan và đầu tư xây dựng dự án du lịch. Đồng thời, thành phố duy trì phát triển và làm mới sản phẩm du lịch đã có, phát triển sản phẩm mới như: Sản phẩm du lịch biên giới gắn với tour tham quan trải nghiệm đạp xe xuyên biên giới hai quốc gia Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc); sản phẩm du lịch biển đảo (sự kiện Festival Hẹn hò với biển, Lễ hội biển đảo Vĩnh Thực); du lịch sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng gắn với sự kiện khánh thành sản phẩm Thung lũng tình yêu ở xã Bắc Sơn; sản phẩm du lịch MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các đơn vị, công ty cho nhân viên, đối tác) gắn với khánh thành, đưa vào hoạt động khách sạn cao cấp từ 3 sao trở lên…

Với lợi thế nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, là thành phố cửa khẩu quốc tế "ven biên, ven biển", Móng Cái có vị trí chiến lược trong khu vực "Hai hành lang, một vành đai", trung tâm kinh tế động lực vùng kinh tế biển Bắc Bộ, cầu nối quan trọng trong sự giao thoa, kết nối phát triển nói chung cũng như với các điểm du lịch lớn giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố lớn trong, ngoài nước, đặc biệt thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) và các nước ASEAN.

Móng Cái có nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, hạ tầng du lịch như cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, sân golf Vĩnh Thuận, hệ thống chợ và trung tâm thương mại biên giới nên thành phố có chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch biên giới, du lịch biển đảo đặc sắc.

Thành phố xây dựng Đề án Phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, coi trọng du lịch biên giới, cửa khẩu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh, thúc đẩy du lịch biên giới là yếu tố cần thiết. Việc này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng biên mà còn là động lực quan trọng phát triển du lịch, kinh tế - xã hội nói chung của đất nước, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hợp tác hữu nghị.

Du lịch vùng biên Móng Cái trên đà phục hồi và phát triển bền vững - Ảnh 2.

Khách du lịch tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN phát

Do vậy, gần đây nhất, thành phố phối hợp với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) tổ chức Diễn đàn Hợp tác du lịch quốc tế qua cặp cửa khẩu, tập trung đánh giá thực trạng, nhận diện lợi thế, khó khăn thách thức, cơ hội cũng như đề xuất giải pháp cơ chế, chính sách kích cầu du lịch, hợp tác đẩy mạnh hoạt động du lịch biên giới.

Hai địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch về khai thác khách Việt Nam sử dụng thông hành đi tham quan thành phố Đông Hưng; khai thác khách Trung Quốc sử dụng sổ thông hành đi du lịch Móng Cái và khai thác sản phẩm xe du lịch tự lái để doanh nghiệp hai bên liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến, mở rộng đầu tư và phát triển du lịch.

Thành phố quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẵn có gắn với nhóm có lợi thế: Du lịch biên giới, du lịch xe tự lái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thể thao, du lịch golf, ẩm thực Việt - Trung; sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với phiên chợ Pò Hèn, phát triển du lịch gắn mua sắm hàng địa phương nhằm quảng bá du khách biết đến sản phẩm độc đáo của thành phố.

Móng Cái hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú với trên 3.000 phòng, trong đó, gần 30 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-5 sao. Các cơ sở lưu trú duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên.

Năm 2024, thành phố dự kiến tổ chức tối thiểu hai lớp đào tạo phục vụ du lịch cho lao động, hỗ trợ kinh phí học nghề đối với sinh viên học nghề du lịch trình độ Trung cấp, Cao đẳng.

TTXVN

Link gốc: TTVH