Góc nhìn 365: Cô láng giềng ơi!
Ở những thành phố lớn của Việt Nam, người ta thường khó tránh cái cảnh nhà chung tường, sát vách, chen chúc nhau mấy mét vuông vỉa hè, vài ba khoảnh sân công cộng để hít thở chút khí trời vốn chẳng mấy khi trong lành.
Cho nên thị dân cố cựu hay lưu dân mới đến thị thành cũng tự nhủ lòng sinh hoạt cá nhân làm sao gói gọn trong đôi mét vuông nhà mình thôi. Hát hò nhỏ tiếng chút, nấu nướng lựa món ít mùi, vật nuôi bầu bạn thì vài con là nhiều…
Vậy mới có sự ngạc nhiên khi giữa lòng TP.HCM xuất hiện một hộ dân nuôi tới 79 con chó trong căn nhà mặt tiền trên con đường lớn nhất nhì của Quận 4.
Theo thông tin trên báo chí, đàn chó của hộ gia đình này trước đây có 82 con. Nhiều năm qua, quận cũng nhận được đơn thư phản ánh của các hộ dân sống xung quanh ngôi nhà này.
Điểm lại dòng sự kiện thì từ tháng 7/2022, các đơn vị liên quan đã đến hộ dân này kiểm tra, yêu cầu nuôi ít lại. Đến tháng 4/2023, số lượng thú nuôi vẫn quá lớn, gây ô nhiễm môi trường nên bị xử phạt 64 triệu đồng. Đến tháng 7/2023, hộ này vẫn tiếp tục không chấp hành.
Nuôi thú cưng như thế nào là sở thích của mỗi cá nhân, nhưng với điều kiện là người chủ phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, văn minh đô thị... Trong một cộng đồng, sở thích của cá nhân, nếu đi quá đà, rất có thể gây ảnh hưởng đến mọi người. Một điều nhỏ nhặt như chuyện bày đồ đạc để lấn chiếm lối chung trong hẻm hay chung cư, bình thường thì cứ cố lách người đi qua cho xong, nhưng ngộ nhỡ có sự cố xảy ra, những thứ vô hại lại trở thành hiểm họa.
Vốn dĩ trong thành phố, kiếm chút không khí trong lành đã khó, vậy mà ngay bên nhà mình có cả "trang trại" gia súc với diện tích vỏn vẹn 2, 3 chục mét vuông thì ô nhiễm không khí, mức độ xả thải ra môi trường lớn vượt mức cho phép, và cả ô nhiễm tiếng ồn, là không thể tránh khỏi.
Tuy đàn chó 79 con này theo lời chủ nhà là chó nuôi nhưng dù mang một mục đích gì đi nữa thì cũng không ai có quyền gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác. Nhân danh tình yêu động vật nhưng ảnh hưởng đến tinh thần của những người xung quanh là thứ tình yêu ích kỷ.
Trong thời buổi mà con người chú trọng sức khỏe hơn, không chỉ sức khỏe cơ thể mà còn sức khỏe tinh thần, thì chuyện ô nhiễm quá lâu như vậy là điều không thể chấp nhận.
Người dân xung quanh đã lên tiếng, chính quyền cũng đã xử phạt, và giờ đây là tiếng nói của báo chí. Câu chuyện không còn là chuyện làng chuyện xóm đóng cửa bảo nhau nữa, mà trở thành câu chuyện về ý thức cộng đồng. Cách giải quyết trường hợp này, sẽ là tiền lệ, đồng thời là bài học trước mặt cho bất cứ cá nhân nào nghĩ rằng chỉ cần mọi chuyện xảy ra sau cánh cửa nhà mình thì không ảnh hưởng đến ai, cứ vô tư nuôi nhốt, vô tư ca hát.
Nhưng nói gì đi nữa, ngay từ "cô láng giềng" nói trên chịu ngồi xuống lắng nghe những hàng xóm tối lửa tắt đèn của mình thì chẳng có gì để nói. Nếu ngày xưa có những "cô láng giềng" như vậy, hẳn nhạc sĩ Hoàng Quý cũng chẳng dám "chân bước vui" trở về mà lắm khi bỏ xóm đi luôn.