Cà phê đầu tuần: Ông Troussier cần chấm dứt sự mơ hồ

Năm 2004, khi HLV Jurgen Klinsmann tiếp quản đội tuyển Đức sau kỳ EURO thảm họa ở Bồ Đào Nha, lần đầu tiên ông đã làm cho người Đức phải tự hỏi mình: Họ có nên chơi bóng theo kiểu truyền thống nữa không?

1. "Truyền thống" ở đây tức là lối chơi chậm rãi, rình rập, và chủ yếu đánh bại đối phương nhờ sự vượt trội về bản lĩnh, không phải kỹ thuật. Người Đức đã lờ mờ cảm thấy rằng họ cần sự thay đổi, nhưng vẫn chưa rõ đấy là gì.

Nhưng đội tuyển Đức của ông Klinsmann đã nhanh chóng cho thấy câu trả lời: Họ chơi một thứ bóng đá mềm mại, phóng khoáng, dựa trên sự ăn ý của tập thể. Một thứ bóng đá có cường độ cao và rất chủ động. Tất cả nhìn thấy ngay sự khác biệt, không cần phải trình bày nhiều.

Sau này, người ta mới biết rõ nội tình quanh sự thay đổi, chẳng hạn như một sự nhất quán đến cực đoan trong các buổi tập mà trợ lý Joachim Low chủ trì: Ông cấm các cầu thủ thực hiện các đường chuyền dài. Cứ mỗi khi có ai đó "nhỡ chân" chuyền dài, buổi tập sẽ bị dừng lại và họ phải thực hiện mọi thứ từ đầu.

Klinsmann và Low rất ít "lập ngôn" về những gì họ đang làm. Công chúng nhìn thấy lối chơi của đội tuyển Đức thay đổi, và lập tức bị thuyết phục. À ra đây là cuộc cách mạng về triết lý mà bóng đá Đức cần. Có lẽ không phải ai cũng có kiến thức về chiến thuật, nhưng khi xem họ đá, ai cũng hiểu ngay ra vấn đề.

2. Bóng đá Việt Nam đang ở vào một giai đoạn tương tự: Sau khi kỷ nguyên HLV Park Hang Seo khép lại, có một khoảng trống về mặt triết lý được mở ra. Liệu chúng ta sẽ tiếp nối kiểu chơi phòng ngự - phản công dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc, hay cần một cách tiếp cận khác đi?

Cà phê đầu tuần: Ông Troussier cần chấm dứt sự mơ hồ - Ảnh 1.

HLV Troussier vẫn đang tỏ ra rất mơ hồ về triết lý bóng đá của mình? Ảnh: VFF

Khi tiếp nhận đội tuyển Việt Nam, ông Philippe Troussier đã làm dấy lên ngay một cuộc tranh luận về triết lý như vậy: Ông tuyên bố rằng để vượt qua trần trình độ hiện tại, thì bóng đá Việt Nam cần một triết lý chủ động hơn. Sau này, mỗi lần kết quả của đội tuyển không tốt, thì ông đều nhấn mạnh về việc các cầu thủ đã tập trung thực thi triết lý của mình như thế nào.

Điều tích cực là lần đầu tiên trong lịch sử, công chúng và chuyên gia cùng tham gia vào cuộc mổ xẻ danh tính của nền bóng đá kỹ càng đến vậy. Mỗi lần đội tuyển chơi tốt/ không tốt, là chuyện này được nhắc lại. Quan điểm thì rất nhiều: Người cho rằng phải kiên nhẫn vì ông Troussier đang mang đến một triết lý "tiến bộ", còn những người thực dụng hơn thì cho rằng quan trọng nhất phải là hiệu quả cái đã.

Vài ngày trước, HLV Troussier tuyên bố tự tin rằng Việt Nam đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho trận đánh lớn vòng loại World Cup. Với ông, đội Việt Nam hiện tại đã gần như đạt kỳ vọng của ông.

Nhưng những gì diễn ra ở trận thắng Phillipines vẫn khiến chúng ta phải băn khoăn: Về mặt lối chơi, nó không hẳn là thứ gì đó sắc nét và đặc trưng giống như ông mô tả. Về mặt thế trận, chúng ta chơi không hay không dở, và nếu Phillipines chơi sắc hơn, thì mọi chuyện có thể đã rất khác.

3. Tóm lại là sau gần 9 tháng, với rất nhiều cuộc thảo luận về triết lý, thứ chúng ta nhận được vẫn là sự mơ hồ: Liệu đội tuyển có đang làm đúng về mặt triết lý không? Và liệu sự thay đổi này có xứng đáng không?

Hai thập kỷ trước, ông Klinsmann đã chấm dứt khoảnh khắc mơ hồ ấy bằng những màn trình diễn "bắt mắt" thật sự, và thuyết phục được cả những ai không có kiến thức chuyên môn rằng bóng đá Đức cần một cuộc cách mạng, và từ đó, tất cả quyết tâm ủng hộ ông tuyệt đối. Một đội bóng chơi hay là điều tất cả chúng ta sẽ đều nhận ra, mà không cần phải diễn dịch bằng lời nói quá nhiều.

Bây giờ, đội tuyển Việt Nam cũng cần những khoảnh khắc như vậy, để chấm dứt sự mơ hồ này: Chỉ cần đội tuyển chơi hay thật sự, thì làng trên xóm dưới đều sẽ nhận ra, và ủng hộ ông Troussier cùng triết lý của ông.

Còn bằng không, chúng ta sẽ lại phải tiếp tục mổ xẻ triết lý bằng lời, dù đấy là một thứ không nên biểu diễn dông dài chỉ bằng lời.


Phạm An

Link gốc: TTVH