Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano'

LTS: Trước hiện tượng "chưa từng có" như quyền Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia Vũ Đức Tùng chia sẻ, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chiếu phim Đào, phở và piano trên quy mô toàn quốc. Đây là một tín hiệu khởi sắc, đầy hứa hẹn cho việc phát hành phim do Nhà nước đặt hàng.

Sau đêm ra mắt, giao lưu với đoàn phim Đào, phở và piano tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC), tôi thầm mong bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng này được ghi nhận và cần nhất được lan tỏa rộng rãi cho khán giả nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ...

Niềm mong đã thành hiện thực khi Đào, phở và piano đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 23 và tin vui liên tiếp đến từ phòng vé NCC. Là giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, qua bài giảng về văn hóa Việt Nam, tôi truyền cảm hứng, khuyến khích sinh viên đến rạp xem phim này. Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến dòng người dài xếp hàng mua vé và càng xúc động hơn khi nghe Mạc Thị Thủy - Trưởng phòng chiếu phim NCC - hoan hỉ báo tin: "Cô ơi, tính đến thời điểm này (25/2), NCC đã mở 32 suất chiếu mỗi ngày, trong đó có phòng chiếu rộng nhất là 402 ghế. Tổng số vé bán gần 40 ngàn, doanh thu hơn 2 tỷ đồng...".

Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 2.

Hình ảnh trong phim “Đào, phở và piano”

Phim được chiếu trong Tuần phim chào mừng LHP Việt Nam lần thứ 23 (11/2023). Khởi chiếu tại NCC từ mùng 1 Tết Giáp Thìn (10/2) cùng phim Hồng Hà nữ sĩ, phim Đào, phở và piano công bố kéo dài đến ngày 29/2/2024. Nhưng sau "cơn sốt" vé, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả, lịch chiếu phim sẽ kéo dài đến ngày 10/3/2024.

Ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành phố đã đăng ký chiếu Đào, phở và piano: Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Lào Cai... Danh sách sẽ không dừng ở đây. Chuỗi rạp tư nhân (Beta Cinemas, Cinestar) tiên phong chiếu Đào, phở và piano phi lợi nhuận.

Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 3.

Bối cảnh trong phim "Đào, phở và piano"

Độ "nóng" từ sức hấp dẫn của phim

Hình tượng Đào, phở và piano như tên phim là thông điệp chính lấy bối cảnh trên chiến lũy ở một khu phố cổ được dựng lên trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô sau thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đến ngày cuối cùng quân ta tạm rời Thủ đô, rút lên chiến khu Việt Bắc, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (19/12/1946 - 17/2/1947).

Phim là câu chuyện bi hùng, nhân văn, lãng mạn được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh diễn ra vỏn vẹn chỉ trong 24 giờ vào thời điểm ngày cuối cùng (17/2/1947) trước khi quân ta rời lên chiến khu. Chuyện phim tập trung khai thác những khoảnh khắc cuối cùng của tình yêu trong sáng, tha thiết yêu sự sinh tồn, yêu cái đẹp, yêu tự do... Đây là khoảnh khắc dữ dội và hào hùng, lãng mạn và bi tráng, thể hiện chất sử thi của bản hùng ca của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, sẵn sàng tận hiến gìn giữ, bảo vệ Hà Nội dấu yêu. Chất Hà Nội giản dị, yêu nước, đầy nghĩa cử thấm đượm và lan tỏa. Một Hà Nội hào hoa, lãng mạn, anh hùng "vùng đứng lên", quyết tử cho tổ quốc quyết sinh...

Phim Đào, phở và piano được soi chiếu, lý giải từ phẩm chất, cốt cách, tinh thần Hà Nội hào hoa, phong nhã, rất mực tinh tế của chính người con Hà thành - NSƯT Phi Tiến Sơn - với trách nhiệm "kép": kịch bản và đạo diễn. Người nghệ sĩ mang Hà Nội thường trực đã ấp ủ, đau đáu từ rất lâu làm phim về Hà Nội - nơi anh sinh ra, lớn lên và trọn đời gắn bó.

Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 4.

Tác giả bài viết chụp ảnh với đạo diễn Phi Tiến Sơn (giữa)

Phim thuộc thể loại sử thi - tình cảm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất. Kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng trong hai năm 2022 - 2023 với một trường quay quy mô hoành tráng dài gần 100 m, khoảng 6000 m2 tại khu đất ở Đại Lải, Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Bối cảnh phim tái hiện một đoạn phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà, cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, xe tăng, toa tàu điện làm chiến lũy bảo vệ Thủ đô. Chiến lũy là bối cảnh chính của bộ phim và phim mở rộng cảnh quay ở Nhật Tân, nhà thờ Cửa Bắc, cầu Long Biên...

Sau hơn 5 tháng thi công, trường quay được chuẩn bị công phu, kỹ càng đảm bảo cảnh quay liên tục cho các góc máy. Theo họa sĩ Vũ Việt Hưng, máy quay có thể lia 360 độ mà không phải khép góc, cắt cúp. Những hiệu ứng cháy nổ, đổ sập... ở trường quay phải đảm bảo yên lặng để thu âm đồng bộ. Một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm được huy động cho trường quay.

Phim được thể hiện trong hành trình không gian, thời gian Hà Nội bằng ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo. Dấn thân vào con đường điện ảnh, đạo diễn Phi Tiến Sơn luôn nhất quán với quan niệm rằng "làm nghệ thuật cần sự khác biệt, nhưng hãy làm sao để đừng có ai không cần cái khác biệt đó của mình". Bởi thế, anh âm thầm chuẩn bị và tự đương đầu với những thử thách lớn.

Phi Tiến Sơn đã chọn cách kể phi tuyến tính, đan xen quá khứ và hiện tại; câu chuyện được dẫn dắt mạch lạc, gọn gàng, mới mẻ, khúc chiết, cuốn hút, hấp dẫn từ bối cảnh lớn, bối cảnh nhỏ và đến từng nhân vật. Một Hà Nội phố hiện lên trong phim với vẻ đẹp đặc trưng với từng góc phố cổ, ngõ nhỏ, vườn đào ven sông Hồng, cầu Long Biên, nhà Bát Giác, trường Bưởi, hàng cây...

Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 5.

Doãn Quốc Đam và Cao Thuỳ Linh trong phim "Đào, phở và piano". Ảnh: ĐPCC

Qua cách kể, chất Hà Nội hào hùng, hào hoa, lãng mạn, tinh tế... được thể hiện thông qua những con người bình dị, hồn hậu, sẵn sàng tận hiến, dám đương đầu với kẻ địch có vũ khí hiện đại, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, đổi mạng sống của mình cho Thủ đô yêu dấu...

Ngoài các nhân vật chính có tên: Văn Dân, Thục Hương, còn lại họ được gọi theo đặc điểm nghề nghiệp: ông họa sĩ già, cha xứ, ông phán Tây, chú bé đánh giày, vợ chồng chủ quán phở gánh... Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, dù không tên, nhưng họ không phải là nhân vật phụ, vì mỗi người là một mảnh ghép nhỏ để tạo nên không khí, diện mạo, tinh thần của Thủ đô 60 ngày đêm.

Văn Dân - chiến sĩ tự vệ (Doãn Quốc Đam thủ vai) chân chất, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu tự do, gan góc, sẵn sàng chống lại cả một đội quân thiện chiến vì đất nước, vì Hà Nội dấu yêu. Thục Hương - nàng tiểu thư phố cổ (Cao Thùy Linh) - bản lĩnh, quả cảm với một sự quyết định mạnh mẽ trở thành nữ chiến sĩ cảm tử cầm bom ba càng. Ông họa sĩ già (NSND Trần Lực) cả đời đam mê nghệ thuật đã ngã xuống khi cố gắng hoàn thành và bảo vệ bức tranh đã miệt mài vẽ suốt đêm. Vị cha xứ (NSND Trung Hiếu) yêu hòa bình, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, hiên ngang chặn trước họng súng quân địch. Ông phán (ca sĩ Tuấn Hưng) - một trí thức yêu nước, thường trực tình yêu văn hóa dân tộc. Chú bé đánh giày (Thiện Hùng) gan góc và tự trọng khẳng định mình "là người Hà Nội". Dù nhận lệnh di tản, vợ chồng chủ quán phở gánh (nghệ sĩ Anh Tuấn - Nguyệt Hằng) vẫn muốn mang ẩm thực Hà thành đến cho các chiến sĩ trên chiến lũy trước khi rời Hà Nội...

Doãn Quốc Đam thể hiện khả năng diễn xuất thuần thục, xả thân với vai diễn, diễn mà như không diễn. Anh và Cao Thùy Linh đã phối hợp ăn ý để tạo nên bản tình ca đẹp của tình yêu, tha thiết được sống, sự tận hiến cho hạnh phúc dẫu biết cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Cảnh nóng mở đầu mang tính nghệ thuật đầy ám ảnh về khát vọng tình yêu và sự sống.

Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 6.

Diễn viên Doãn Quốc Đam trong “Đào, phở và piano”

Dù xuất hiện chỉ ít phút, nhưng cặp đôi nghệ sĩ Nguyệt Hằng - Anh Tuấn đã diễn xuất rất ngọt trong cùng một tuyến nhân vật ông bà bán phở bám trụ, mang tinh hoa ẩm thực đặc trưng cho những người đang bám chặt chiến lũy bảo vệ Thủ đô. Thông điệp "phở" như tên phim đã được khắc họa nổi bật từ đó.

Còn nghệ sĩ Trần Lực thì cho rằng "Vai diễn ông họa sĩ già của tôi là một vai diễn không tên nhưng thực sự rất ra chất Hà Nội".

Góp phần làm nên thành công cho Đào, phở và piano còn phải kể đến nhạc phim gợi lại không gian thưởng thức của người Hà Nội xưa với những bản ca trù Chí làm trai (thơ Nguyễn Công Trứ), Đời đáng chán (thơ Tản Đà); ca khúc Du kích ca (Đỗ Nhuận), Suối mơ (Văn Cao). Các bản nhạc phương Tây như Bridal Chorus (Richard Wagner), Liebestraum (Franz Liszt)… đã cộng hưởng làm nên giai điệu đẹp cộng hưởng cho phim.

Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 7.

Cảnh phim "Đào, phở và piano". Ảnh: ĐPCC

Bên cạnh thành công lớn, phim còn bộc lộ một vài điều đáng tiếc như: kỹ xảo ở đôi chỗ cảnh bom nổ chưa chân thực, hiệu ứng cháy nổ trong một số phân đoạn còn hạn chế; tình huống chưa tạo được cao trào; cách kể chuyện phi tuyến tính khiến người xem khó hiểu; lời thoại ở một số diễn viên chưa chân thực, mang cảm giác kịch; nữ diễn viên chính còn thiếu kinh nghiệm diễn xuất...

Song điều quan trọng là bộ phim thành công khi đã tái hiện được sự kiện lịch sử Hà Nội cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược. Một Hà Nội gan góc, kiên cường, hào hoa, lãng mạn, vùng đứng lên...

Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 7.

Vợ chồng nghệ sĩ Anh Tuấn - Nguyệt Hằng trong tạo hình vợ chồng người bán phở gánh

Tín hiệu vui cho phim Nhà nước đặt hàng

Tôi vẫn còn nhớ năm 1977 khi phim tình cảm - xã hội Mối tình đầu (đạo diễn: Hải Ninh, kịch bản: Hoàng Tích Chỉ) vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt vé trong các rạp chiếu bóng. Năm 2015, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn: Victor Vũ, Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 19) cũng sốt vé. Đây chỉ là một vài ví dụ về doanh thu phòng vé của phim Nhà nước đặt hàng. Nên ngay từ đầu năm 2024, khi Đào, phở và piano được công chúng quan tâm, nhất là khi có nhiều bài đánh giá trên mạng xã hội, tôi đã biết phim sẽ thu hút khán giả.

Trước tình hình phát hành phim gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh rất nên tham khảo việc tiếp cận khán giả qua rạp chiếu thương mại; gỡ điểm khó, có giải pháp khả thi, có lẽ cần đổi mới phổ biến phim trên cả nước khi "ở ta chưa có căn cứ pháp lý nào về việc chia tỷ lệ phần trăm khi phát hành phim Nhà nước" như Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ. Cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh đồng hành trong việc phổ biến phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Chất Hà Nội thấm đẫm trong 'Đào, phở và piano' - Ảnh 8.

Giao lưu cùng đoàn phim

Với bối cảnh trận mạc, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã xây dựng được nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Đây vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim khai thác. Kể từ phim Chung một dòng sông (1959) - bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, các nhà làm phim điện ảnh đều âm thầm, cố gắng trả "món nợ lòng" bằng những tác phẩm điện ảnh phản ánh chân thực những giai đoạn lịch sử hào hùng, các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Những tác phẩm xuất sắc đó đã trở thành kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Người chiến sĩ trẻ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Huyền thoại về người mẹ, Bao giờ cho đến tháng Mười, Người đi tìm dĩ vãng, Cỏ lau, Ai xuôi vạn lý, Bến không chồng, Đời cát, Người trở về, Truyền thuyết Quán Tiên

Xem phim Đào, phở và piano, trong tôi vang lên giai điệu bài hát Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) qua tiếng hát NSND Lê Dung: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên...".

Tôi xin mượn chia sẻ của đạo diễn Phi Tiến Sơn với "Chuyển động 24h" để kết bài viết thứ hai về phim Đào, phở và piano: "Tôi hiểu đằng sau sự quan tâm của khán giả tới bộ phim là nhu cầu trải nghiệm lịch sử, là cảm xúc thiêng liêng với lịch sử hào hùng của dân tộc, lòng yêu nước. Điều đó cho thấy, điện ảnh chúng tôi còn nợ khán giả nhiều lắm về mảng đề tài lịch sử này. Hy vọng sắp tới đây các đồng nghiệp của tôi sẽ trả dần món nợ ấy. Xin cảm ơn khán giả, cảm ơn những đồng nghiệp, cảm ơn những người đã giúp tôi thực hiện bộ phim này!".

Với bối cảnh trận mạc, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã xây dựng được nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Đây vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim khai thác, kể từ phim Chung một dòng sông (1959).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Link gốc: TTVH