Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên

36 năm trôi qua, kể từ khi cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong 1988 ra đời (và được coi là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất), đã có không biết bao nhiêu nàng hậu được xướng tên trên sân khấu. Trong hành trình ấy, có một người đã gắn bó với cuộc thi từ "thủa hàn vi", đó là Lê Quang Vinh - người dẫn chương trình đầu tiên của cuộc thi.

Đến nay, mỗi khi lần giở chồng tư liệu về các cuộc thi người đẹp được cất giữ cẩn thận, anh cán bộ đoàn năm nào vẫn không khỏi "dữ dội" mỗi khi nhớ lại lần đầu mình cầm mic, đọc tên các người đẹp.

"Những kỷ niệm về một thời trẻ trai, khi làm cán bộ đoàn lại ùa về với tôi vào mỗi ngày hội báo. Bởi cuộc thi này đã gây chấn động dư luận khi đó, vì là một loại hình văn hóa dành cho tuổi trẻ quá mới mẻ. Khi đó, tôi cũng mới 33 tuổi. Mới đây, được gặp lại Hoa hậu Bùi Bích Phương cùng nhiều hoa hậu khác mình quen, thấy thực vui. Thế là, 36 năm đã trôi qua…" - anh Vinh nhớ lại.

Một cuộc thi gây chấn động

Những năm 1980, cuộc sống ăn còn không đủ no, nói gì đến thưởng thức văn hóa giải trí. Các hoạt động quần chúng không có nhiều mà lại khá giống nhau, rạp phim thì không phải ai cũng có tiền mua vé, các loại hình nghệ thuật mới lạ đương nhiên là thuộc vào hàng hiếm. Vậy nên khi người của báo Tiền Phong nghĩ ra cuộc thi hoa hậu cho ngày hội báo, mọi người rất háo hức.

Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên  - Ảnh 1.

Lê Quang Vinh dẫn chương trình cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong năm 1988. Ảnh: Phạm Yên

"Ấy thế mà khi được cấp phép tổ chức cuộc thi thì mọi người lại thấy "lúng túng" vì chưa biết phải làm gì, làm như thế nào do chưa từng tổ chức, chưa từng có ai đi dự các cuộc thi hoa hậu trên thế giới để có kinh nghiệm nên khâu tổ chức thực sự là khó hình dung. Mà trong khuôn khổ của hội báo, thời gian tổ chức cuộc thi không dài, cũng không có đơn vị tài trợ hay đơn vị tổ chức sự kiện như bây giờ" - anh Vinh kể - "Thế rồi, Ban tổ chức khởi động bằng việc viết thư mời, vận động các đoàn trường đại học để cử người đi thi nên đa số các thí sinh là sinh viên.

Cũng may là đúng dịp này, Đài truyền hình Việt Nam lại vừa phát sóng về cuộc thi Hoa hậu Thế giới (vương miện thuộc về hoa hậu Thái Lan) chừng 15 phút. Vậy là Ban tổ chức đã đi xin sao lại vào băng từ VHS để về phát cho các thí sinh tham khảo, học tập. Ngoài ra, chương trình còn có thêm phần hỗ trợ của chuyên viên "nhảy đầm" từ Nhà văn hóa Thanh niên, giúp các thí sinh đi lại uyển chuyển, mềm mại.

Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên  - Ảnh 2.

Đến hôm thi, mỗi thí sinh được giới thiệu xuất xứ, chiều cao cân nặng và số đo các vòng rồi tham gia các phần thi: áo dài - áo tắm - trang phục tự chọn - ứng xử. Trong đó, phần thi áo tắm được chú ý hơn cả, vì bình thường có ai mặc áo tắm ở trong nhà, rồi còn đi "lòng vòng" trên sân khấu trước bao người. Khi đó, nhiều cô trình diễn trang phục áo tắm không ngại ngùng e ấp thì cũng lóng ngóng vì giày cao gót nên trông khá… ngộ nghĩnh".

Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên  - Ảnh 3.

Hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang năm 1988 - năm Lê Quang Vinh làm MC

Khán giả nô nức đến xem như đi trẩy hội mà khán phòng chỉ có đủ sức chứa 700 - 800 người nên đã có cảnh người trèo lên ghế, người làm đổ cả bàn ghế hay vỡ kính sau những màn hò reo, phấn khích khi cổ vũ. Nói chung, rất náo nhiệt.

Thế rồi, các thí sinh cũng hoàn thành từng vòng thi và hoa hậu được gọi tên năm ấy là Bùi Bích Phương. Cuộc thi được cả truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm khiến dư âm về những người đẹp trên các mặt báo còn kéo dài đến hàng tuần sau sự kiện.

Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên  - Ảnh 4.

Nhà báo Lê Quang Vinh và Hoa hậu Bùi Bích Phương tại Gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam, được tổ chức tại khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) năm 2018

Người dẫn chương trình bất đắc dĩ

Đúng là nhờ làm cán bộ đoàn (Bí thư Đoàn Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) rồi sang công tác tại Nhà văn hóa Thanh niên Hà Nội (nay là Cung Thanh niên Hà Nội, số 1 Tăng Bạt Hổ) mà Lê Quang Vinh mới có duyên làm người dẫn chương trình (mà nay ta vẫn gọi là MC) cho cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.

Nhưng trước khi "biến hình" thành một người dẫn chương trình bảnh bao trên sân khấu vào buổi chiều ngày 10/11/1988, anh Vinh đã phải hoàn thành không biết bao công việc chuyên môn đằng sau hậu trường như đi "thẩm tra" lý lịch thí sinh đến thiết kế hội trường, làm pano, backdrop…

"Thời đấy, trang thiết bị của nhà văn hóa khá xập xệ, dây dợ lằng nhằng, sân khấu thì bé tí mà còn có thêm cả cái hố nhạc (khu vực dành cho nhạc công) nên chúng tôi đã phải tìm đủ mọi cách để làm lại sân khấu như dựng bàn, lát các tấm pano (bản gỗ to) lên trên rồi đóng chằng lại.

Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên  - Ảnh 5.

Nhà báo Lê Quang Vinh và Hoa hậu Nguyễn Thị Diệu Hoa tại Gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam, được tổ chức tại khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) năm 2018

"Vì công tác chuẩn bị đến nửa đêm mới xong, anh em khi đó cũng mới lôi nhau đi tắm vì hôi quá. Rồi tôi cũng mới khoác được bộ cánh của người dẫn chương trình lên đấy" - MC Quang Vinh tiết lộ.

"Mà nói chuyện trang phục, thời khó khăn, hầu như nhà nào cũng không có nhiều quần áo đẹp. Các thí sinh cũng chỉ được động viên là có gì mặc nấy, cái gì đẹp nhất thì mặc đi thi nên nhìn lại những bức ảnh về cuộc thi, có thể thấy có cô chỉ quần tây, áo sơ mi là đã "xịn" rồi.

Và trong khi cô bạn dẫn Bảo Trâm đang về "hành hạ" mẹ đi may cho mình bộ váy mới vô cùng tốn kém thì tôi may mắn mượn được bộ veste ở cơ quan. Nhưng khổ là đồ đi mượn nên mặc hơi bị "lùng thùng" vì dài áo. Tuy không sửa được, nhưng tôi nghĩ không sao, vì mình chỉ là "mõ" sự kiện, người ta nhìn gì mình" - anh Vinh tự an ủi.

Và cũng từ kinh nghiệm ở cuộc thi này mà duyên dẫn chương trình người đẹp đến với anh Vinh còn kéo dài sang tận… năm sau khi anh được mời dẫn cuộc thi Người đẹp Hà Nội 1989 - cuộc thi do Thành đoàn và Sở Văn hóa kết hợp tổ chức nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Thủ đô tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô.

Nghĩ cho hoa hậu

Tuy chỉ dừng dẫn ở 2 cuộc thi về người đẹp, nhưng sau này, duyên làm báo tại báo Lao động đã đưa nhà báo Lê Quang Vinh tiếp tục "gắn bó" với các hoa hậu ở từng mùa thi, theo những góc nhìn khác.

Qua rất nhiều năm, điều anh cảm thấy quý nhất ở các người đẹp khi gặp lại là họ đều nhớ mặt, gọi nhau anh anh/ em em trò chuyện ríu rít. Và mừng nhất là đa số các người đẹp đều vững vàng trong cuộc sống.

Lê Quang Vinh, chàng MC hoa hậu đầu tiên  - Ảnh 2.

Màn chào khán giả tại Gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam của các hoa hậu, người đẹp từng tham gia các cuộc thi hoa hậu do Báo Tiền Phong tổ chức

Để nhìn lại một chặng đường gắn bó với các người đẹp, anh Vinh nhận định, về hình thức, xưa nay vóc dáng của người Việt Nam vốn thấp bé, nhẹ cân nên cách đây hơn 30 năm hoa hậu chỉ cao 1m58 là bình thường. Nhưng ở thế hệ sau, cuộc sống có điều kiện hơn nên các người đẹp cũng được gia đình chăm chút, cho uống sữa nhiều nên cao ráo hơn hẳn với chỉ số lên đến 1m7 - 1m8.

Ở những cuộc thi xưa, tiêu chuẩn dành cho các người đẹp là trí tuệ, sự thanh lịch và tài hoa thì ngày nay, tiêu chí nâng cao tri thức, ngoại ngữ trong các cuộc thi cũng là hợp lý vì các người đẹp còn có cơ hội thi đấu ở những cuộc thi tầm quốc tế. Nên thời nào thì mỗi người đẹp muốn thành công, bản thân luôn phải tự trau dồi.

Sau hơn 30 năm, số lượng các cuộc thi nhan sắc bây giờ quá nhiều, công chúng khó có thể nhớ nổi và rất dễ gây nhàm chán.

"Tôi nghĩ, các cuộc thi hoa hậu bây giờ chỉ còn hấp dẫn với giới trẻ. Vì nhiều người có tuổi nhìn vào cuộc sống của một số người đẹp sau đăng quang với những bấp bênh, hỉ nộ ái ố, sẽ không còn mặn mà để con cháu mình học hỏi. Bây giờ, các cuộc thi cũng chú trọng đến hình thức nhiều quá nên công chúng tưởng là đẹp mà không biết, nhiều cô thi trượt chỗ nọ lại nhảy xọ sang chỗ kia. Tất nhiên, không trách được khi các người đẹp đi thi là muốn "vua biết mặt chúa biết tên", gia đình hãnh diện và đôi khi còn là cơ hội đổi đời. Đấy là mưu cầu của mỗi người.

Tuy nhiên, nhìn vào thế hệ các người đẹp thành danh lớp trước như Nguyễn Diệu Hoa, Hàn Nguyệt Thu Hương, Vũ Cẩm Nhung, Nguyễn Thu Thủy, H'Hen Niê…, tôi cho rằng cái khó của những người đẹp bây giờ chính là sự tĩnh tâm bước vào cuộc sống sau ánh hào quang.

Nếu những người đẹp được xã hội yêu chiều quá thì họ lại tưởng mình có giá trị gì ghê gớm. Họ có khả năng, có tài, nhưng rời cuộc thi, bước vào xã hội để mưu sinh lại khác. Ứng xử và phong cách của người đẹp đã nổi tiếng luôn là tầm ngắm của xung quanh, nên đi đâu, họ cũng cần giữ được những chuẩn mực chung" – nhà báo Lê Quang Vinh chia sẻ.

Ngọc Minh

Link gốc: TTVH